LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nếu máy của bạn có ống zoom, trên ống kính sẽ có vòng xoay để phóng to và thu nhỏ (thực ra là thay đổi tiêu cự xa-gần). Vòng xoay này cũng cho biết bạn đang sử dụng tiêu cự nào. Ví dụ, trên ống kính 70-200mm ở ảnh minh họa dưới đây, bạn có thể thấy tiêu cự đang được chỉnh ở mức 100mm.
Nếu bạn sử dụng ống fix (cố định), ống kính của bạn sẽ không có vòng xoay chọn tiêu cự. Ống kính này sẽ chỉ hiển thị tiêu cự duy nhất, ví dụ như 85mm trong bức ảnh dưới đây.
Khẩu độ tối đa là mức tối đa mà cửa trập trên ống kính có thể mở tới. Khẩu độ được qui định bằng giá số f: giá số f càng nhỏ thì khẩu độ tối đa càng lớn. Các khẩu độ lớn như f2.8 hay thậm chí lớn cỡ f1.8 thường được sử dụng vì chúng cho phép ánh sáng vào nhiều hơn, nhờ đó bạn có thể chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn mà không bị mờ.
Minh họa: Thông số f càng lớn thì khẩu độ càng nhỏ
Khẩu độ tối đa trên các ống kính thường khác nhau. Khẩu độ tối đa có thể được kí hiệu là một số duy nhất (ví dụ như trong ống kính bên trái trong hình dưới, hoặc được kí hiệu khoảng đầy đủ trong hình bên phải). Bạn có thể tìm thấy khẩu độ ở cuối ống kính, hoặc trên vòng xoay bộ lọc, hoặc ở cả 2 vị trí này.
Trong bức ảnh phía trên, ống fix 85mm ở phía dưới có khẩu độ tối đa được kí hiệu là “1:1.8”. Điều này có nghĩa rằng khẩu độ tối đa trên ống kính có tiêu cự không thay đổi này là f1.8.
Trên ống kính Tamron 17-35mm ở bên phải, bạn có thể thấy khẩu độ được kí hiệu là “1:2.8-4”. Điều này có nghĩa rằng khi bạn xoay vòng zoom (thay đổi tiêu cự), khẩu độ sẽ thay đổi từ f2.8 đến f4. Ở góc chụp rộng nhất 17mm, khẩu độ tối đa có thể mở đến f2.8, song ở tiêu cự 35mm khẩu độ chỉ có thể đạt tới f4.
Tương tự như vậy, với các mức tiêu cự khác nhau trên các loại ống 28-300mm và 18-200mm, khẩu độ tối đa với từng tiêu cự sẽ khác nhau.
Một số ống kính có ghi chú khoảng lấy nét trên ống kính. Thông thường, khoảng này được kí hiệu bởi cả 2 đơn vị foot (ft) và mét (m). Hãy tìm biểu tượng có ghi số dương ở phía bên trái và biểu tượng vô cực (∞) ở phía bên phải.
Con số này sẽ cho biết khoảng cách tối thiểu mà ống kính có thể lấy nét. Một vài ống kính khác có tùy chọn MACRO cho phép bạn chụp gần hơn nữa, song thực ra đây không phải là chụp macro thực sự, do đó bạn sẽ không thể lấy nét ở khoảng cách quá gần. Dù sao, tùy chọn này cũng là khá tiện dụng nếu bạn không muốn phải mang theo một ống kính macro rời.
Trong hình trên, bạn có thể thấy ống kính Canon ở bên trái có ghi khoảng lấy nét ở phía dưới một lớp kính bọc, trong khi ống kính Tamron ở bên phải ghi khoảng lấy nét tối thiểu ngay trên thân ống. Các con số sẽ được thay đổi khi bạn xoay vòng nét.
Lưu ý rằng, trong nhiều trường hợp hãy tắt tính năng tự động lấy nét (AF) trước khi quay vòng nét, vì quay vòng lấy nét trong khi bật AF (Auto Focus) sẽ gây hư hại cho các linh kiện bên trong ống kính, trừ một số loại ống kính cho phép bạn vừa xoay vòng vừa lấy nét tự động mà không hư hại tới phần cơ điều khiển lấy nét tự động bên trong lens.
Trên ống kính, bạn có thể thấy kí hiệu phi (Φ) đứng cạnh một con số. Biểu tượng này cho biết đường kính của mặt trước ống kính và cũng chính là kích cỡ kính lọc phù hợp để kết hợp cùng ống kính. Bạn có thể thấy biểu tượng này ở cả bên dưới nắp đậy ống kính. Khi cần mua kính lọc, bạn sẽ biết được chính xác đường kính cần chọn là bao nhiêu.
Đây là một tính năng không có mặt nhiều trên các mẫu ống kính máy ảnh số hiện đại, do hiện nay khẩu độ chủ yếu do thân máy điều chỉnh (người dùng sẽ chọn khẩu độ trên bảng điều khiển của thân máy). Vòng xoay khẩu độ là một tính năng phổ biến từ thời máy ảnh phim lấy nét bằng tay, do thân máy sẽ lựa chọn tốc độ đóng cửa trập và khẩu độ sẽ được đặt trên ống kính.
Các ống kính có vòng xoay khẩu độ có giá tương đối rẻ so với các loại ống kính số mới sản xuất. Bạn có thể sử dụng chúng vào các mục đích đặc biệt như chụp macro, hoặc lựa chọn ống fix có khẩu độ lớn với giá chỉ bằng một phần nhỏ các loại ống kính hiện tại. Tuy vậy, bạn sẽ phải gắn thêm một vòng adapter đặc biệt để gắn ống kính loại này vào thân máy. Hãy lưu ý rằng chúng đều là các ống lấy nét bằng tay.
Nếu ống kính của bạn là loại zoom, bạn sẽ không thấy tùy chọn này. Nếu bạn có ống fix, đặc biệt là các thế hệ cũ, bạn sẽ thấy một hàng số giống như hàng số đối xứng, có trung tâm là kí tự | (nằm ngay phía dưới hàng số màu da cam) trong hình dưới:
Thứ tự các dòng số trong hình trên, từ trên xuống:
– Khoảng lấy nét (hàng trên màu trắng: đơn vị foot, hàng dưới màu da cam: đơn vị mét).
– Khoảng siêu lấy nét.
– Vòng xoay khẩu độ.
Thông số khoảng cách siêu lấy nét sẽ cho bạn biết phần nào trong bức ảnh của bạn sẽ nằm trong vùng nét ở các mức khẩu độ khác nhau. Trong bức ảnh trên, khẩu độ được chọn là f16, khoảng lấy nét là 5 m (15 ft).
Khi bạn nhìn vào dòng số cho biết khoảng siêu lấy nét, bạn sẽ thấy số 16 ở bên trái và ở bên phải. Vạch tương ứng với số 16 ở bên trái cho biết khoảng cách từ máy tới điểm gần nhất nằm trong vùng nét khi đặt khoảng lấy nét là 5 mét ở f16. Trong trường hợp này, con số trên là 2,75 m. Vạch tương ứng với số 16 ở bên phải tương ứng với vô cực. Như vậy, ở f16 bạn sẽ lấy được khoảng từ 2,75 m tới vô cực trong vùng nét.
Có thể thấy, từ dòng số khoảng siêu lấy nét, vô cực tương ứng với con số 16 ở bên phải, do đó bạn sẽ có DOF rộng nhất ở f16 nếu lấy nét ở 5 m. Lưu ý rằng bạn không lấy nét trên một vật thể, thay vào đó chỉ chọn vùng nét bằng cách xoay vòng lấy nét. Nếu bạn lấy nét ở vô cực, vùng nét sẽ chỉ nằm từ khoảng cách 5 mét tới vô cực (ước tính), song nếu lấy nét ở 2 m vô cực sẽ không nằm trong vùng nét.
Dấu chấm màu đỏ trên ống kính là điểm lấy nét khi chụp phim hồng ngoại. Khi chụp bằng phim hồng ngoại, bạn sẽ phải chọn điểm lấy nét khác thông thường vì dải sáng hồng ngoại khác với những gì mắt người nhìn thấy.
Lê Hoàng
Theo Digital Photography School