LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Mẫu smartphone đầu bảng của Huawei được đánh giá rất cao về khả năng chụp ảnh. Máy sở hữu bộ ba camera với ba cảm biến ảnh riêng biệt. Đầu tiên là camera độ phân giải 40 MP kích thước 1/1,7 inch (lớn hơn nhiều mức 1/2.9 inch của iPhone X), một camera đơn sắc 20 MP. Cả hai đều có tiêu cự tương đương 27 mm trên Full Frame. Camera thứ ba có độ phân giải 8 MP mang tới tiêu cự 80 mm, tương ứng khả năng zoom quang 3x.
Huawei P20 Pro với 3 camera sở hữu các cảm biến riêng biệt.
Phần cứng khủng giúp Huawei P20 Pro đạt mức ISO lên tới 102.400, con số trong mơ đối với rất nhiều smartphone khác hiện tại. Và không bất ngờ khi DxOMark đánh giá đây là mẫu smartphone có camera tốt nhất thế giới hiện tại với số điểm 109.
Mẫu máy ảnh Canon 5DS R sở hữu độ phân giải 50 MP
Để thấy được độ vượt trội trên camera P20 Pro, nhiếp ảnh gia Jolyon Ralph đã đem smartphone mới của Huawei so sánh với chiếc DSLR Canon 5DS R có độ phân giải 50 MP và lens 24 mm F/2.8 IS. Để dễ so sánh, tác giả chỉ sử dụng chế độ auto ở cả hai máy (với Canon 5DS R là chế độ P). Tổng giá trị bộ máy ảnh trong bài đạt mức 4.000 USD (tương đương 91,2 triệu đồng) so với giá 1.120 USD (khoảng 25,5 triệu đồng) của Huawei P20 Pro.
Ảnh RAW chụp từ Canon 5DS R
Ảnh RAW chụp từ Huawei P20 Pro.
Ảnh JPEG chụp từ Huawei P20 Pro.
Ảnh RAW từ Huawei P20 Pro bị tối bốn góc khá nhiều vì chất lượng ống kính và khẩu độ mở lớn. Tuy nhiên với ảnh JPEG, máy xử lý những vấn đề này rất tốt, cộng thêm thuật toán từ AI giúp ảnh trở nên trong trẻo, độ tương phản và màu sắc bắt mắt hơn đại diện máy ảnh từ Canon.
Cùng xem độ chi tiết được crop 100% tại vùng ảnh trung tâm:
Crop 100% từ ảnh của Canon. Có phần không công bằng cho sản phẩm của Canon vì ảnh RAW thường chỉ ghi nhận dữ liệu thô, chưa được can thiệp về màu, độ tương phản và làm nét như ảnh JPEG.
Crop 100% từ ảnh JPEG của Huawei P20 Pro.
Khi crop lại thực sự gây sửng sốt cho những ai mới nhìn vào. Dù có giá rẻ hơn rất nhiều và độ phân giải chỉ 40 MP so với 50 MP của đối thủ nhưng Huawei P20 Pro lại cho chi tiết quá tốt. Nhưng soi kỹ có thể nhận ra các đường nét trong ảnh của P20 Pro có phần hơi giả vì được làm nét mạnh tay, chưa kể còn đó hiện tượng viền tím vì chất lượng ống kính không tốt được như của máy ảnh.
Ảnh RAW từ Canon 5DS R.
Ảnh RAW từ Huawei P20 Pro.
Ảnh JPEG từ Huawei P20 Pro.
Bức ảnh tiếp theo cho thấy sức mạnh xử lý ảnh của đại diện Huwei, ảnh JPEG dường như vượt trội so với ảnh từ chiếc Canon 5DS R ở hầu hết các tiêu chí. “Chụp xong ăn liền” luôn là lợi thế của smartphone so với hầu hết các máy ảnh hiện nay và Huawei P20 Pro cho thấy điều này đang được tận dụng triệt để tới mức nhường nào.
Dưới đây là ảnh crop 100% tại vùng trung tâm của ảnh RAW hai máy:
Crop 100% từ ảnh RAW Canon 5DS R.
Crop 100% từ ảnh RAW Huawei P20 Pro.
Với bức ảnh khác, tác giả tập trung vào độ sắc nét vùng tâm ảnh từ hai máy.
Crop 100% từ ảnh RAW Huawei P20 Pro.
Crop 100% từ ảnh RAW Canon.
Để ý kỹ ảnh RAW của Huawei P20 Pro bị hiện tượng lem màu (color fringing) tại khu vực bụi rậm trong hình. Sở dĩ có điều này vì cảm biến trên máy flagship của Huawei dùng công nghệ bốn bộ lọc Bayer (Quad Bayer Filter). Mỗi bộ lọc sẽ có độ phân giải 10 MP, ghép thành một tấm ảnh độ phân giải 40 MP. Công nghệ này đem lại hiệu quả tốt cho giải pháp chụp HDR nhưng với ảnh độ phân giải 40 MP sẽ dễ gây ra hiện tượng lem màu. Hiển nhiên nếu người dùng chuyển sang dùng camera tele hay đơn sắc trên P20 Pro sẽ không còn gặp phải hiện tượng này.
Phía dưới là ảnh tác giả đã tiến hành hậu kỳ cho ảnh RAW hai thiết bị. Hiện tại Lightroom hay Adobe Camera RAW vẫn chưa hỗ trợ profile hiệu chỉnh RAW cho smartphone của Huawei.
Crop 100% từ ảnh RAW trên Huawei P20 Pro đã hậu kỳ bằng Lightroom.
Crop 100% từ ảnh RAW trên Canon 5DS R đã hậu kỳ bằng Lightroom.
Sau khi được hậu kỳ, ảnh từ Canon đã thực sự phát huy hết khả năng của mình khi sở hữu độ chi tiết, nổi khối các chi tiết và độ tương phản tốt hơn. Tuy nhiên những gì mà Huawei P20 Pro thể hiện cũng khiến người xem thực sự ấn tượng về khả năng chụp ảnh của một chiếc smartphone.
Thử nghiệm trong điều kiện ánh sáng vô cùng ít ỏi, cảm biến nhỏ trên Huawei P20 Pro đã bộc lộ điểm yếu trước chiếc máy ảnh Full Frame từ Canon.
Ảnh RAW chụp từ Huawei P20 Pro như thế này đã bộc lộ rõ điểm yếu của một chiếc smartphone.
Ảnh RAW đã hậu kỳ bằng Lightroom của Canon 5DS R vẫn cho chất lượng đủ tốt để sử dụng.
Tuy nhiên theo như Ralph cho biết Canon 5DS R và lens 24 mm F/2.8 của mình hoàn toàn không thể lấy nét tự động được trong điều kiện tối như vậy. Anh phải thử tới 13 lần với chế độ lấy nét tay để cho ra được kết quả như trên.
Ralph cũng thử chuyển qua dùng chế độ low light trên P20 Pro. Kết quả cho ra tốt hơn khá nhiều so với chế tự động. Trong chế độ low light, máy tự động chụp 6 tấm và ghép chúng lại với nhau để khử nhiễu. Ảnh có độ sáng tốt và các chi tiết lớn thấy được rõ ràng, tuy nhiên lại bị bệt khá nặng khi khử nhiễu quá đà.
Ảnh chụp từ chế độ low light trên Huawei P20 Pro được cải thiện đáng kể, tuy phải đánh đổi độ nổi khối các chi tiết.
Crop 100%.
Thử với tính năng zoom kỹ thuật số 10x trên mẫu smartphone đầu bảng mới của Huawei, máy sẽ chuyển sang dùng camera thứ ba (tiêu cự 80 mm) thay vì camera lớn 40 MP. Vì đa phần người dùng hiện tại vẫn “quen tay” với việc zoom kỹ thuật số này nên việc thử nghiệm này của Ralph hoàn toàn có giá trị tham khảo. Kết quả cho ra hẳn sẽ làm nhiều người thất vọng khi chi tiết ảnh bị nát và phẳng như tranh sơn dầu vì thuật toán nội suy xử lý mạnh tay. Tốt nhất là người dùng nên chỉ dùng camera zoom 3x quang học trên máy mà thôi.
Người dùng tốt nhất chỉ nên dùng tính năng zoom quang 3x trên Huawei P20 Pro thay vì zoom kỹ thuật số 10x
Với những gì đã thể hiện trong bài so sánh, dù không phải là sản phẩm chuyên chụp ảnh và giá rẻ hơn tới 4 lần so với đối thủ, việc Huawei P20 Pro không thắng được là điều dễ dàng được dự báo trước. Tuy nhiên có xem bài so sánh này mới thấy sức mạnh công nghệ trên di động đã phát triển mạnh mẽ tới mức nào.
Theo Petapixel