Scott Bourne – người sáng lập chuyên trang về nhiếp ảnh photofocus rất nhiệt tâm với người mới học chụp, những người tạo ra sáng tạo mới cho những bức ảnh – đã chia sẻ “Hãy là người thuật chuyện bằng ảnh hơn là người chỉ biết chụp ảnh”.
Ông là người làm việc nhiều với những người mới bước vào cánh đồng chụp ảnh, những chia sẻ của ông mang tính cơ bản và khích lệ mạnh mẽ về sự sáng tạo, nên có người thích người không. Mình thấy có tính hữu ích cho bản thân và có thể cho vài bạn nào đó, xin chia sẻ lại.
Hãy xoá đi những giới hạn giả tạo!
Sáng tạo là một khái niệm rộng lớn. Đúng! Nhưng nếu hiểu là một động từ, sáng tạo là làm nên một điều gì đó từ không mà có, còn từ một cái có sẵn thành cái khác thì có thể gọi đó là chế tạo, hoặc chỉ tạo ra một loạt đồ hộp giống nhau.
Là người chụp ảnh, chúng ta tiêu tốn rất nhiều thời gian để dành vào việc chống lại sự mệt mỏi bế tắc của bản thân, để học hỏi phần mềm thuật toán mới, thực hành những kỹ thuật mới, thiết bị mới nên ít có thời gian dành cho sự sáng tạo.
Nhưng hãy lưu ý rằng, chỉ suy nghĩ về sự sáng tạo thôi thì không đủ. Chúng ta phải thực hiện. Nhưng thực hiện thế nào đây?
Mỗi người trở nên sáng tạo theo mỗi cách khác nhau. Những gì thích hợp với tôi thì chưa hẳn đã thích hợp với bạn.
Nhưng tôi chỉ có ý định chia sẻ những suy nghĩ này về sự sáng tạo và hy vọng chúng sẽ giúp bạn dành thời gian và suy nghĩ cho một điều khác thôi, chứ không phải cứ chăm chăm vào ống kính hay máy ảnh tiếp theo mà bạn muốn sắm.
Với tôi, sáng tạo nghĩa là xóa đi những giới hạn giả tạo (for me, creativity is about removing artificial limits). Và tôi cho rằng đa số những giới hạn đều là do con người đã tạo ra và tự áp đặt cho chính mình.
Nói chính xác hơn, những giới hạn ấy trực tiếp gắn liền với sự tự đánh giá thấp bản thân. Đến đây tôi biết có thể bạn đang suy nghĩ, vậy thì cần phải làm gì với sự sáng tạo ? Theo kinh nghiệm của tôi thì có rất nhiều.
Thứ nhất
- Chúng ta thử đặt mình bị bao quanh bởi nhiều chiếc hộp rồi cứ thế mà bốc ra những quyết định gây cản trở cho sự tăng trưởng của chúng ta, bởi vì chúng ta thường không thực sự tin vào chính mình.
- Có phải bạn nghĩ rằng mình chỉ làm bộ như thế không? Hay chưa bao giờ bạn cho là mình không đủ khả năng, chưa đủ trình? Những suy nghĩ như thế giết chết tinh thần sáng tạo của bạn và chỉ khi nào ngưng chúng lại, bấy giờ bạn mới bắt đầu một con đường đầy sáng tạo hơn.
- Tiến trình sáng tạo chỉ có thể mở ra một khi bạn tin vào chính bạn. Nếu bạn tự tin thử làm một điều gì đó khác và cho phép mình thất bại, thì bạn trở nên sáng tạo hơn.
- Đừng dùng thước đo thành công hoặc thất bại làm kim chỉ nam để tiến bộ. Thay vào đó hãy biến nó thành sự thử nghiệm, cách thể hiện và niềm vui sướng với việc mình làm.
Thứ hai
- Tính chất lớn thứ hai cần phải có, đối với tôi, là sự xác thực trong công việc của mình. Nếu có thể bắt đầu nhìn vào tính chất đó, thay vì sự độc đáo, bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn.
- Tôi đã học được lối quan niệm rất hay này khi nghe những lời phát biểu của John Paul Caponigro. Ông nói về những hình thức nghệ thuật khác và nhấn mạnh rằng ở châu Á chẳng hạn, các nghệ sĩ không lo đến chuyện phải bắt kịp những trào lưu mới, họ cứ làm việc theo một hình thức đã có sẵn và tìm cách mở rộng ra thêm.
- Khi xem các diễn đàn nhiếp ảnh, tôi thấy những người chụp ảnh trẻ tuổi có vẻ như đang vỗ ngực tuyên bố họ là những người đầy sáng tạo, chỉ vì họ đã làm một điều gì đó “mới”. Thường thì những gì họ đã làm không phải là mới hoàn toàn, nhưng đúng hơn là mới đối với họ.
- Nhưng không sao. Lo lắng phải làm cho được điều gì đó mới mẻ thì rốt cuộc làm chậm bước tăng trưởng của sự sáng tạo. Trở nên sáng tạo KHÔNG đòi hỏi phải làm một điều gì đó mới mẻ. Nó đòi hỏi phải làm một điều gì đó phản ảnh chân thực quan điểm cá nhân và đúng đắn của chính bạn.
- “Khoa học là của mọi người, nghệ thuật là của tôi!” Một định lý qua thực nghiệm cho kết quả mọi người công nhận, còn nghệ thuật rất cá nhân tính, của người này có thể không của người khác. Đây chính là điều tôi hy vọng bạn rút ra được từ bài viết này.
Thứ ba
- Sáng tạo nghĩa là những chọn lựa. Những chọn lựa có thể thường được dựa trên một vài động lực như sự căng thẳng, cạnh tranh, đối đầu và quyết tâm. Đấy là những công cụ tốt trong môi trường sáng tạo. Nhưng đôi khi, bạn học hỏi được phần lớn những ý tưởng sáng tạo của mình chỉ từ những thử nghiệm.
- Âm nhạc ngẫu hứng – gọi là ứng tác thường để cho các nhạc công đạt đến những âm thanh tốt nhất. Những người viết văn dùng khả năng liên tưởng và sự động não để có được lời văn trau chuốt nhất. Vậy tại sao người chụp ảnh lại không dùng chính thử nghiệm trực quan (visual experimentation) của mình để tìm ra cho mình sự sáng tạo trong cách nhìn và thấy?
- Tóm lại – nếu bạn muốn trở nên sáng tạo hơn, hay yêu chính mình đủ để cho phép mình thất bại. Đúng hơn, là đừng lo lắng về chuyện thành công hay thất bại. Chỉ việc LÀM là đủ.
- Đừng tập trung vào CÁI MỚI – hãy tập trung vào sự chân xác. Trở nên độc đáo không có nghĩa là trở nên mới mẻ – nhưng hãy luôn là chính bạn.
- Và từng bước, hãy ra ngoài và ứng tác. Hãy thử cái này, cái kia, rồi sau đó đảo lại.
- Hãy say mê điên dại đi. Hãy làm những gì mà bạn chưa thử làm bao giờ.
Xin nói thêm:
-
Một chuyện liên quan đến sáng tạo, là sự rõ ràng trong sáng.
-
Tôi không đánh giá cao một số cuộc thi ảnh. Tôi cũng phê bình những bức ảnh chỉ dựa trên một nền tảng rặt tính quy tắc & luật lệ. Khi một người chụp ảnh đứng trước mặt tôi và cảm giác cần phải giải thích về bức ảnh của họ, tôi biết là mình đang gặp rắc rối.
-
Thế đấy, nếu bạn có một cách nhìn đúng trong nhiếp ảnh, có sự trong sáng rõ ràng và đã có sự rõ ràng trong sáng, thì cần gì bạn phải giải thích hay bào chữa cho bức ảnh của bạn làm gì.
-
Sự trong sáng rõ ràng nghĩa là những cảm xúc hoặc cảm nhận mà bức ảnh tìm cách gợi lên, chứ không phải những sự kiện xảy ra không xuất hiện trong ảnh hoặc cư trú đằng sau bức ảnh.
-
Sự rõ ràng trong nhiếp ảnh chính là niềm say mê có mục đích. Nó là một niềm ước ao chân thành muốn bảo vệ một ký ức – một khoảnh khắc hiện ra trước mắt – mà chúng ta nhìn & thấy, là dùng máy ảnh để thuật lại một câu chuyện đầy thuyết phục, mà không cần phải nói ra một lời nào.
-
Tính chất rõ ràng trong nhiếp ảnh là sự thản nhiên bày tỏ quan điểm CỦA BẠN bằng máy ảnh theo một cách khiến người khác lay động.
-
Do đó, đừng chỉ nghĩ đến chụp được một bức ảnh để được người ta cho là sắc nét, là hợp quy chuẩn của người ta hay của số đông. Hãy tạo ra một bức ảnh đánh động được mọi người ở khắp nơi hiểu được quan điểm của bạn.
Theo: tinhte.vn