LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Đến Hà Nội vào đúng thời điểm những năm chiến tranh, nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (sinh năm 1937) đã ghi lại hình ảnh Hà Nội trong ánh mắt ngây thơ của những em bé, những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, những dáng người lầm lụi trong mưa, những niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội…
Khi biết mình được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2021, ông tỏ ra hết sức xúc động và hạnh phúc. Lý do đơn giản vì chủ đề của giải thưởng là tình yêu với Hà Nội. Đó là điều ông luôn giữ trong tim và cố gắng thể hiện thông qua những bức ảnh.
Mẹ của Thomas Billhardt là nhiếp ảnh gia tự do và có tiệm ảnh riêng nên từ nhỏ, Thomas đã quen với mùi hóa chất tráng phim. Ông cũng được mẹ truyền cho kiến thức và tình yêu nhiếp ảnh.
Ông trở thành một phóng viên ảnh và đi khắp thế giới với tư cách đại diện của các cơ quan nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, các thông tấn xã và UNICEF. Thomas ghi lại hình ảnh của các điểm nóng trên thế giới thời bấy giờ như Việt Nam, Cuba, Bangladesh, Chile, Guinea, Indonesia, Campuchia, Mozambique…
Thomas Billhardt đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1967 cùng một đoàn làm phim Cộng hòa Dân chủ Đức. Nhiếp ảnh gia nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh qua những hố bom, tòa nhà đổ nát, tiếng còi báo động liên tục vang lên… Khi đó, Hà Nội đang phải hứng chịu những cuộc đánh phá từ máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này đã được xuất bản trong bốn cuốn sách ảnh của Thomas Billhardt: “Những phi công mặc pyjama” (1968), “Khát vọng hòa bình: Việt Nam” (1973), “Hà Nội-Những ngày trước hòa bình” (1973) và “Những gương mặt Việt Nam” (1978). Năm 2020, ông xuất bản cuốn sách ảnh “Hà Nội 1967-1975” và tổ chức triển lãm cùng tên tại Hà Nội. Ngoài ra, những hình ảnh về chiến tranh tại Việt Nam đã được trưng bày ở Đức, Thuỵ Điển và Nga, khiến Thomas Billhardt trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng khắp thế giới.
Hà Nội giai đoạn 1967-1975 nghèo khó, thiếu thốn từ nước sinh hoạt đến lương thực, thực phẩm, thế nhưng những nụ cười vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt người dân Thủ đô.
“Lòng nhân ái, bao dung của người Việt thời đó rất lớn. Tình người chứa chan, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là thứ bạn có thể dễ dàng bắt gặp,” ông Thomas Billhardt chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông cho hay điều ông lo sợ nhất khi tác nghiệp thời chiến không phải là bom đạn mà là hết phim.
Hiện thực trước mắt luôn thôi thúc ông bấm máy và cố gắng chụp thật nhiều. Có lúc, ông không còn một tấm phim nào và phải bất lực nhìn khoảnh khắc quan trọng trôi qua.
“Mỗi cuộn phim chỉ có 12 tấm ảnh. Tôi phải mang theo vài trăm cuộn phim mỗi chuyến. Phim và máy ảnh là những thứ mà tôi chăm sóc cẩn thận hơn cả bản thân mình. Thời đó, không dễ mua phim, đặc biệt là phim chuyên dụng cho máy ảnh của tôi. Hơn nữa, phim cũng rất đắt đỏ nên tôi phải sử dụng hết sức tiết kiệm,” ông chia sẻ.
Trong nhiều lần đến Việt Nam để ghi lại những hình ảnh thời chiến, có một kỷ niệm khiến Thomas nhớ mãi không quên.
Đó là năm 1972, ông đang chụp ảnh từ ban công khách sạn của mình ở Hà Nội thì đột nhiên có một tiếng rít chói tai vang lên và sau đó là những tiếng va đập mạnh cách ông khoảng 200 mét. Tiếp theo, ông thấy có một cột khói bốc lên. Đó là một tên lửa điều khiển từ xa.
“Thông thường, lực lượng phòng không Việt Nam vẫn thường phát đi báo động về các cuộc ném bom, vì vậy mọi người có thể nhanh chóng vào hầm trú ẩn. Lần tập kích này không được báo động,” ông xúc động nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia Thomas đã chạy ngay đến bệnh viện và ghi lại hình ảnh các nạn nhân của vụ tấn công. Đó là khoảnh khắc ám ảnh ông suốt cuộc đời: Một người đàn ông bị hàng trăm mảnh sắt găm vào người, một bé gái ba tuổi bị cụt chân… và ở khu vực hẻo lánh của bệnh viện, một người bà đau buồn ngồi bên đứa cháu trai năm tuổi đã chết.
Thomas nhớ lại: “Tôi không muốn chụp ảnh những người chết hoặc bị thương để trở nên nổi tiếng nhưng lúc đó tôi không thể làm gì khác ngoài việc chụp ảnh.”
Ông kể lại rằng mình đã khóc. Dù biết rằng người bà không hiểu tiếng Đức nhưng ông vẫn nói với bà rằng bức ảnh này sẽ được công bố để cả thế giới biết về cuộc chiến ở Việt Nam.
Khi chiến tranh kết thúc, Thomas trở lại Việt Nam nhiều lần để ngắm nhìn đất nước mà ông yêu quý. Ông tìm đến những nhân vật trong ảnh của mình để xem họ sống thế nào trong những năm tháng hòa bình.
Năm 1999, những bức ảnh của ông được trưng bày tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. Một người đàn ông với gương mặt rưng rưng xúc động tìm đến ông. Thông qua phiên dịch, ông biết rằng đây là cha của cậu bé năm tuổi chết trong vụ tấn công năm 1972.
Người đàn ông mời Thomas đến nhà mình. Ông dùng chính bức ảnh mà Thomas chụp cậu bé và người bà trong bệnh viện để làm ảnh thờ, bởi đó là bức ảnh duy nhất của con trai ông.
Sau lần gặp gỡ đó, ông tự nhủ sẽ phải tiếp tục giới thiệu những bức ảnh về Việt Nam với thế giới.
“Tôi hy vọng nhiều khán giả sẽ xem những bức ảnh cũ và mới của tôi về Việt Nam sẽ hiểu thêm về Việt Nam và yêu đất nước này giống như tôi. Tôi đã gặp những con người nồng hậu và kiên cường. Tôi muốn lan tỏa ấn tượng và ký ức của mình về Việt Nam ra toàn thế giới,” ông chia sẻ.
Dù đã đi dọc đất nước nhưng Thomas yêu nhất là Hà Nội. Ông tâm sự rằng mỗi lần trở lại, ông đều thấy Hà Nội đổi mới diệu kỳ, đầy sức sống, rất khác với Hà Nội lần đầu ông đặt chân tới vào năm 1967.
“Tôi vẫn luôn yêu quý và trân trọng những đổi thay của thành phố này. May thay, dù Hà Nội đã thay đổi nhiều, nhưng những giá trị mà tôi trân trọng nhất vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Đó là lòng dũng cảm, sự lạc quan, yêu đời và mến khách của con người nơi đây. Dù hứng chịu mưa bom bão đạn, nhưng trong ánh mắt những người Hà Nội không phải sự sợ hãi mà là niềm tin chiến thắng,” ông nói.
Nhà văn Đỗ Phấn đã nhận xét rằng Hà Nội của Thomas Billhardt là “một vùng ký ức đủ đầy, một bản trường ca về cuộc sống bộn bề gian khổ nhưng đầy yêu thương…”
Nhiếp ảnh gia người Đức vẫn đang ấp ủ một cuốn sách ảnh khác về Việt Nam. Ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, ông sẽ trở lại và thực hiện triển lãm ảnh mới, ông hy vọng lần này sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Tôi còn muốn trở lại Việt Nam nhiều lần để ghi lại hình ảnh một đất nước được tái thiết, hiện đại và hạnh phúc,” Thomas Billhardt nói.
Dù đã nhận nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trên thế giới nhưng với Thomas Billhardt, một giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội” vẫn sẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời ông.
Theo vietnamplus.vn