LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Những nhiếp ảnh gia hiện đại có thể học hỏi được rất nhiều điều lí thú từ các nhiếp ảnh gia đi trước . Hầu hết các tay máy nổi tiếng ấy đều đã qua đời, thời nay chỉ còn số ít người trong số họ vẫn miệt mài sáng tác những bức ảnh đẹp. Danh sách dưới đây không phải là duy nhất, danh sách này có nói tới 10 nhiếp ảnh gia nổi tiếng được đề cử bởi cộng đồng Thelmprove Photography.
Thật là vô nghĩa nếu trong danh sách thiếu cái tên: Cartier Bresson. Xét trên nhiều khía cạnh, phong cách chụp của Cartier Bresson hoàn toàn đối lập với Uelsmann. Trong khi Uelsmann chú trọng trong việc sắp xếp bố cục và Cartier Bresson thậm chí còn không thích chui mình trong phòng tối tự tay tráng phim của chính mình. Phong cách nhiếp ảnh báo chí của ông đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền nhiếp ảnh. Ông là một trong những người đi tiên phong trong việc sử dụng khổ phim 35mm cho những bức ảnh và sử dụng chiếc máy ảnh Leica huyền thoại với ống kính tiêu cự 50mm. Cũng giống như nhiếp ảnh gia Ansel Adams, ông sử dụng phim đen trắng là chủ yếu.
Henri Cartier Bresson – Hyeres, France, 1932
Bạn học được gì từ Henri Cartier-Bresson: Bi kịch của Cartier-Bresson đó là ông từ bỏ nhiếp ảnh rất lâu trước khi ông qua đời. Vào năm 1975, 29 năm trước khi mất, ông trở nên không còn hứng thú với nhiếp ảnh và chuyển sự quan tâm tới một lĩnh vực khác: hội họa. Ông cất giữ máy ảnh ở một nơi an toàn trong căn nhà và hiếm khi dùng đến nó. Bởi vậy: Đừng bao giờ để điều đó xảy đến với bạn! Nếu mục đích của bạn trong nhiếp ảnh là làm những điều quan trọng hơn cả sự yêu thích thì bạn cũng sẽ sớm cạn đam mê mà thôi.
Annie Leibovitz (sinh năm 1949) là một nhếp ảnh gia chụp chân dung đương đại nổi tiếng, người được biết đến khi dành hơn 1 năm làm việc cho tờ tạp chí lừng danh Rolling Stone và Vanity Fair. Bức hình nổi tiếng nhất của bà là bức chân dung chụp John Lennon cùng vợ là Yoko Ono vào đúng ngày John Lennon bị ám sát.
Gần đây, Leibovits đã phải đối mặt với những khó khăn về tiền bạc do kế hoạch tài chính kém hiệu quả. Để giải quyết vấn đề bà đã phải thế chấp những tác phẩm của mình. Thật đáng tiếc!
Như một điều hiển nhiên khi ngắm các tác phẩm của Leibovitz, bà tự hào về bản thân khi chụp những bức chân dung mà dường như có sự kết nối sâu sắc với chủ thể của bức hình. Trích một câu nói của bà: ”Có một điều bạn có thể nhận thấy ở tác phẩm của tôi đó là tôi không lấy làm tiếc khi yêu họ.”
Leibovitz: Bức hình John Lennon và Yoko Ono, năm 1980
Điều bạn học được từ Annie Leibovitz: Bức hình chân dung sẽ mãi vô hồn cho tới khi bức ảnh đó toát lên được chính cuộc đời của nhân vật. Hãy hiểu người bạn chụp và hãy nói điều gì đó về cô ta trong tác phẩm của bạn.
Sẽ không có gì sai khi nói Ansel Adam là nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất mọi thời đại. Kể cả những người chẳng hiểu gì về chụp hình cũng biết Ansel và từng xem các tác phẩm chụp phong cảnh tuyệt đẹp của ông. Adams được biết đến như là “phù thủy phòng tối”. Bức phong cảnh đen trắng chụp Yosemite và Grand Teton đã gây ấn tượng sâu sắc với độ tương phản mạnh mẽ mà ông đạt được khi sử dụng kỹ thuật che chắn trong phòng tối. Thậm chí mãi tới sau này ông vẫn sử dụng những chiếc máy ảnh khổ lớn.
Ansel Adams – The Tetons and the Snake River, 1942
Điều bạn học được từ Ansel Adams: Trong kì nghỉ hè vừa rồi, vợ tôi và tôi đọc được một cuốn sách tập hợp những lá thư và nhật kí của ông. Adam đã cảm thấy mắc kẹt trong chính cuộc đời mình vì không còn đủ sức khỏe và sức chịu đựng để đi tiếp với nhiếp ảnh. Những bức thư đó giúp tôi cải thiện kỹ năng chụp rất nhiều. Bởi vậy bạn hãy luôn khỏe mạnh để có thể chụp ảnh cả đời này nhé.
Brian Duffy là nhiếp ảnh gia người Anh được biết đến với bộ ảnh chụp thời trang vào những năm của thập niên 60 và 70.
Sau này, Duffy đã đánh mất niềm yêu thích chụp ảnh và thậm chí còn đốt hơn nửa số tác phẩm của mình. Thật may một số bức ảnh vẫn được lưu giữ và trưng bày trong các cuộc triển lãm ngày nay. Một năm trước khi Duffy qua đời, ông bắt đầu chụp lại.
Brian Duffy – Pret a Porter Sept 1977
Điều bạn học được từ Brian Duffy: Con người thường dễ dàng làm những điều dại dột khi họ cảm thấy bế tắc. Duffy đã đánh mất đi một phần ký ức của đời mình bằng cách đốt các bức ảnh của chính ông, nhưng sau này ông đã trở lại với nhiếp ảnh khi tìm lại được niềm yêu mến môn nghệ thuật này. Nếu bạn cảm thấy chán chụp ảnh, hãy để tất cả thiết bị hỗ trợ, đồ chơi máy ảnh của bạn ở nhà và đi tới những nơi bạn chưa từng khám phá, chỉ đơn giản là đi và chụp. Việc đó sẽ giúp bạn yêu nhiếp ảnh trở lại.
Dorothea Lange là phóng viên ảnh người Mỹ được biết đến với những bức ảnh trong thời kì Đại khủng hoảng. Bức Migrant Mother của bà là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất lịch sử. Bên cạnh công việc tìm kiếm tài liệu về cuộc Đại khủng hoảng, bà còn làm việc không biết mệt mỏi để chụp ảnh các nhà tù trong những năm đầu thập niên 40.
Dorothea Lange – Migrant Mother. Nipomo, California, 1936
Điều bạn học được từ Dorothea Lange: Mỗi nhiếp ảnh gia lại chọn cho mình một cách riêng để thực hiện những ý tưởng trong đầu mình. Nhiếp ảnh gia vĩ đại như Dorothea thì dành toàn bộ thời gian và năng lực để nắm bắt một cách đầy đủ và sâu sắc một nhân vật hoặc một chủ đề nào đó trước khi chuyển sang dự án nhiếp ảnh tiếp theo. Dorothea nói “Hãy chọn một chủ đề và khai thác nó triệt để… chủ thể bạn chọn phải có thứ gì đó bạn thực sự yêu hoặc vô cùng ghét.”
Thực sự tôi đã lựa chọn rất kĩ càng những nhiếp ảnh gia mà theo tôi là giỏi nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, tôi lại không hiểu được ý nghĩa một số tác phẩm của họ và lí do tại sao chúng trở nên nổi tiếng. Với Yousuf Karsh, mỗi tấm ảnh là một kiệt tác. Bạn không thể nhìn vào bất kì một tấm hình nào của ông và thắc mắc tại sao nhiếp ảnh gia này lại nổi tiếng đến vậy. Những bức chân dung ông chụp đã nói lên tất cả về con người ông. Ông chính là Ansel Adams của nghệ thuật nhiếp ảnh “vẽ” chân dung.
Karsh từng nói: “Bên trong mỗi người đàn ông và người phụ nữ đều ẩn chứa một bí mật, là một nhiếp ảnh gia, nhiệm vụ của tôi là phát hiện ra điều bí ẩn đó nếu có thể. Sự phát hiện ấy sẽ chỉ đến trong tích tắc với một cử chỉ vô thức, một ánh mắt, hay là sự nhấc bỏ chóng vánh chiếc mặt nạ người ta đang đeo để che giấu cả thế giới những điều sâu kín trong lòng họ. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, người chụp phải hành động ngay hoặc là chấp nhận tuột mất nó.” Nhiều nhiếp ảnh gia phải cầu xin để bắt được khoảnh khắc ấy, nhưng Karsh rất tài năng trong việc kết nối với nhân vật. Bạn hãy nhìn một tác phẩm của ông, bạn sẽ cảm thấy dường như mình thực sự hiểu con người nhân vật trong tấm hình vậy.
Một điều thú vị khác ở Yousuf Karsh đó là ông thường tập trung ánh sáng vào đôi tay và tách biệt nó với ánh sáng trên phần còn lại của chủ thể. Ông cho rằng đôi tay là một phần không thể thiếu của câu chuyện về bức chân dung đó.
Yousuf Karsh: Chân dung Winston Churchill trên bìa tạp chí Life, 1941
Điều bạn học được từ Yousuf Karsh: Đừng bao giờ chụp một bức chân dung mà không nói lên điều gì đó về chủ thể. Chú ý tới đôi tay như một phần quan trọng của câu chuyện. Trở nên nổi tiếng và giàu có đủ để sở hữu căn nhà 76 phòng ở Manhattan. Thực hiện bất kì việc nào trong số những việc trên (đặc biệt là điều cuối cùng, một điều có thật về Karsh) và tốt hơn hết là bạn nên đọc thêm về cuộc đời ông.
Brassai, tên thật là Gyula Halasz, ông là nhiếp ảnh gia được biết đến nhiều nhất với những bức ảnh đường phố Paris. Ông không chụp người nổi tiếng, cũng không có tiếng tăm hay tài sản như nhiều nhiếp ảnh gia khác đã được nhắc đến ở đây. Tuy nhiên, những con người đời thường trong tác phẩm của ông đã tạo nên danh tiếng, đưa ông trở thành một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng mọi thời đại.
Brassai – The Eiffel Tower at Twilight, 1932
Điều bạn học được từ Brassai: Tôi thường được nghe các nhiếp ảnh gia nói rằng họ thích chụp ảnh nhưng lại không có tiền đi du lịch để tìm ra những địa điểm đẹp. Brassai sinh ra tại Hungary nhưng phần lớn cuộc đời ông sống ở Paris. Ông không du lịch vòng quanh thế giới cũng như không gọi người nổi tiếng đến để chụp. Ông làm công việc của mình tại một thành phố và tạo ra những bức ảnh mê hồn về những con người của đời thường. Vì vậy xin đừng bào chữa cho việc chụp ảnh của bạn!
Robert Capa nổi tiếng với những bức ảnh thời chiến. Ông đã làm việc miệt mài qua 5 cuộc chiến khác nhau, bao gồm cả Thế chiến thứ II. Capa là một trong những người đồng sáng lập Magnum Photos với Cartier Bresson.
Capa không chỉ là nhà nhiếp ảnh đại tài mà còn rất xuất sắc trong kinh doanh. Tên thật của ông là Endre Friedman. Ông đã cùng một tổ chức quyết định thành lập công ty, trong đó ông lo phần chụp ảnh và làm phòng tối, còn tổ chức kia thực hiện việc marketing và kinh doanh, rồi họ ghi tên nhiếp ảnh gia là Robert Capa. Họ nhận thấy họ có thể bán ảnh với giá cao hơn nhiều cho các tờ báo nếu các bức ảnh được in dưới cái tên mới “Robert Capa”, và sau đó sáng tác ra một câu chuyện rằng ông ta là một người đàn ông giàu có. Việc đó là giả dối ư? Có thể. Nhưng nó hiệu quả chứ? Chắc chắn rồi. Và dưới đây là tác phẩm của Capa:
Robert Capa – Sự đổ bộ của quân Mỹ trên bãi biển Omaha, Normandy, 06/06/1944
Điều bạn học được từ Robert Capa: Capa thường nói: “ Nếu ảnh của bạn chưa đẹp thì đó là do bạn chưa tiếp cận đủ gần với đối tượng”. Điều này thật sự có ý nghĩa vì ông là một nhiếp ảnh gia chiến trường. Người ta còn nói chính ông đã xuống các chiến hào cùng những người lính để chụp ảnh, hơn là chụp từ đằng xa như cách tác nghiệp thông thường. Vì thế hãy tiến gần hơn tới đối tượng và ảnh của bạn sẽ trở nên hoàn hảo!
Maisel là một trong những nhiếp ảnh gia hiện đại có tiếng. Ông chọn cách tiếp cận đơn giản với nhiếp ảnh mà phần lớn không bị cản trở bởi những thiết lập ánh sáng phức tạp cùng các thiết bị đặc biệt. Thực chất, ông thích chụp chỉ với một ống kính và đơn giản là đi tìm ánh sáng hay những thứ với hình thù thú vị ngay trong thành phố.
Có lẽ cách tốt nhất để học từ Jay Maisel đó là đăng ký vào Kelby Training. Họ có 2 khóa học video mà trong đó Jay Maisel đi quanh thành phố và chụp ảnh với Scott Kelby. Thật tuyệt vời khi xem một bậc thầy tác nghiệp, bạn sẽ học được nhiều điều từ cách họ làm việc. Bạn có thể xem tác phẩm của Jay Maisel dưới đây:
Jay Maisel – Tree and Goal posts
Điều bạn học từ Jay Maisel: Bỏ qua các thiết bị và chú ý nhiều hơn tới màu sắc, hình khối, ánh sáng. Khi đi ra ngoài, hãy tìm kiếm những điều nhỏ bé mà ẩn chứa sự tinh tế đầy nghệ thuật bên trong. Nhiếp ảnh không chỉ là chụp những gì mang vẻ đẹp rõ ràng có thể đập vào mắt bạn ngay tức thì.
Jerry Uelsmann với phong cách chụp sử dụng nhiều hình ảnh chồng lên nhau, ông đã tạo nên những hình ảnh vô cùng ấn tượng và siêu thực. Sinh năm 1934, ông đã gắn liền với nhiếp ảnh phim trong nhiều năm và tạo nên kiệt tác của mình với những chiếc máy ảnh phim. Tác phẩm của ông nổi tiếng nhờ vào khả năng sử dụng các kỹ thuật phòng tối. Rất ít người có khả năng tạo ra một hợp thể với nhiều hình ảnh như vậy. Dù Uelsmann còn sống nhưng ông chưa bao giờ chuyển sang sử dụng máy kỹ thuật số. Ông nói “Tôi có cảm tình với công nghệ số hiện đại và thích thú với những kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh nhờ máy tính. Tuy nhiên, tôi cảm thấy quá trình sáng tạo của mình về bản chất vẫn còn gắn với các loại thuốc hóa học trong phòng tối.” Bạn có thể xem ảnh của Jerry dưới đây:
Jerry Uelsmann – không đề, 1966
Điều bạn học được từ Jerry: Đừng để các “diễn đàn nhiếp ảnh” cố thuyết phục bạn rằng chẳng có gì sai khi tạo ra những bức ảnh siêu thực. Nhiếp ảnh là nghệ thuật và bạn thể hiện bản thân qua bất cứ cách nào bạn muốn (cách sắp xếp bố cục, làm mờ, đốt cháy, chồng phim…).
Nguồn: www.shootingfilm.net & improvephotography.com