LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Những bức ảnh siêu phân giải (độ phân giải trên 1 tỷ pixel) này được anh Bình Bùi, sinh năm 1974, ngụ Hà Nội chụp và xử lý trong nhiều tuần. Tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ Thông tin nhưng đam mê chính của anh Bình là nhiếp ảnh. Thể loại yêu thích nhất của anh là ảnh panorama.
Đây là bức ảnh có độ phân giải 13 gigapixel (13 tỷ điểm ảnh) được anh Bình chụp tại Đà Nẵng. Theo anh Bình, bức ảnh này được ghép từ hơn 1.400 ảnh đơn với 2 giờ chụp liên tục và 3 tuần xử lý hậu kỳ. Người xem có thể thấy được cầu Rồng cách đó gần 1 km khá chi tiết.
Theo anh Bình, về kỹ thuật, chụp ảnh siêu phân giải không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. Thế nhưng thể loại này cần sự tỉ mỉ, kỹ tính từ người chụp. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của thể loại ảnh này là tốn thời gian và cần phải có thiết bị tốt.
“Với ảnh siêu phân giải, người chụp cần chuẩn bị ống kính tiêu cự từ 200 đến 1.000 mm và máy ảnh tốt. Những thiết bị này có giá khá đắt”, anh Bình Bùi chia sẻ.
Ngoài máy ảnh và ống kính tốt đảm bảo chất lượng hình ảnh thì đầu chân máy tự động quay là thiết bị quan trọng tiếp theo. Hiện anh Bình đang sử dụng đầu Panogear để chụp. Theo anh Bình, sau khi nhấn chụp, đầu chân máy sẽ tự quay để ghi lại đầy đủ khung cảnh xung quanh. Quá trình này mất tối thiểu 2 giờ.
“Nếu không may thiết bị gặp trục trặc như chụp sót, chụp rung một tấm hình thì tôi phải chụp lại từ đầu”, anh Bình Bùi cho biết.
Ngoài các rủi ro về thiết bị thì thời tiết cũng rất quan trọng. “Chỉ cần trong lúc chụp, một đám mây hay mưa bay qua cũng khiến bức ảnh hỏng. Bên cạnh đó, mưa và gió cũng ảnh hưởng đến thiết bị khi tác nghiệp”, anh Bình nói thêm.
Tuy vậy, theo anh Bình, để có một bức ảnh siêu phân giải hoàn hảo (không lỗi ghép) thì phần khó nhất chính là xử lý hậu kỳ. “Sau khi ảnh được phần mềm ghép tự động thì thường có lỗi như người, xe bị cắt khúc, cùng một người xuất hiện ở nhiều nơi… Để có một bức ảnh hoàn hảo thì phải xử lý hết các lỗi này. Với một bức ảnh độ phân giải khoảng 10 GB thì dung lượng file ảnh có thể lên đến 30 GB, không thể tải lên Photoshop để xử lý màu sắc hay lỗi. Tôi phải chia nhỏ ra từng phần, xử lý rồi sau đó kết hợp lại”, anh Bình nói.
Hiện anh Bình đang sử dụng ba phần mềm để ghép ảnh là Autopano, Hugin, Ptgui. Ngoài ra, anh còn sử dụng thêm nhiều phần mềm khác để chỉnh sửa chi tiết và xem ảnh.
Theo anh Bình, ảnh siêu phân giải thích hợp dùng cho nghiên cứu quy hoạch thành phố, quảng cáo cho một tháp cao tầng nào đó (khi chụp tại đỉnh tháp), dùng để thiết kế trò chơi tìm kiếm…
“Dù đầu tư khá nhiều nhưng chỉ có tấm ảnh 9 tỷ điểm ảnh ở Hà Nội là có một đơn vị mua. Còn lại mình chỉ chụp vì sở thích”, anh Bình chia sẻ.
“Sự cho phép của chủ tòa nhà cũng là một khó khăn khiến tôi không thực hiện những ý tưởng của mình. Mong ước lớn nhất của tôi là chụp một bức ảnh siêu phân giải 360 độ ở Việt Nam từ đỉnh tòa nhà Lotte, Hà Nội hoặc Landmark 81, TP.HCM”, anh Bình chia sẻ dự định của mình.
Theo zing.vn