LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Số chấm, hay số megapixel (MP) đã từng là yếu tố không thể thiếu trong các chiến dịch quảng cáo của các hãng smartphone. Đã từng có quãng thời gian người dùng đã từng lầm tưởng số chấm càng lớn thì chụp ảnh trên smartphone càng đẹp. Tuy nhiên hiện nay, số chấm MP không còn được ưu tiên nữa, mà thay vào đó là hai yếu tố mới: Kích thước cảm biến và công nghệ thuật toán AI.
Số megapixel trên camera điện thoại là các yếu tố vật lý, các điểm ảnh hay còn gọi là “chấm” trên một tấm hình. Mỗi pixel sẽ bao gồm 3 điểm màu đỏ, xanh lá và xanh dương, một bức ảnh sẽ bao gồm nhiều pixel gộp lại, thông thường lên đến hàng triệu điểm ảnh nên gọi là megapixel. Một megapixel tương đương 1 triệu điểm ảnh, camera sau iPhone có độ phân giải 12 megapixel, tương đương cho ra bức ảnh với 12 triệu điểm ảnh.
Về lý thuyết, số MP càng cao thì bức ảnh sẽ chi tiết hơn do số điểm ảnh nhiều hơn và khi phóng lớn sẽ vỡ hạt ít. Tuy nhiên ở thực tế, khi nhìn giữa bức ảnh 12 MP và 64 MP trên một màn hình dưới 10 inch cùng một độ phân giải thì chắc phải mắt thần thánh lắm mới soi được bên nào nét hơn bên nào.
Nhiều pixel hơn đồng nghĩa với việc thu nhiều dữ liệu điểm ảnh hơn, từ đó đẩy dung lượng của tấm ảnh lên rất nhiều, làm bộ nhớ điện thoại rất mau đầy. Hơn hết, số lượng điểm ảnh không hề phản ánh chút gì về màu sắc, khả năng bắt nét, cân bằng trắng,… của camera nên không thể nói điện thoại càng nhiều “chấm” thì càng chụp đẹp hơn, chụp nặng dung lượng của máy nhiều hơn thì có!
Nói về vấn đề megapixel, các nhà sản xuất đã áp dụng phương pháp Pixel binning, hay còn gọi là gộp điểm ảnh để tăng khả năng thu sáng trên điện thoại. Thay vì một điểm ảnh thông thường, các nhà sản xuất dùng ma trận Quad Bayer để đặt 4 điểm ảnh cùng màu (hoặc nhiều hơn) lại cùng nhau, sau đó gộp các điểm ảnh nhỏ gần nhau lại thành 1 điểm ảnh to để thu ánh sáng nhiều hơn và hữu dụng hơn để điện thoại xử lý, từ đó cho khả năng chụp tối tốt hơn.
Nhược điểm của công nghệ này là số MP trên điện thoại sẽ giảm, như trên Samsung S22 Ultra với công nghệ ghép 9 điểm ảnh lại thành một, camera 108 megapixel đã cho ra bức ảnh giảm xuống còn 12 megapixel mà thôi. Tuy nhiên như đã nói ở trên, kích thước 12 MP đã là quá đủ nét để xem ảnh trên smartphone, thậm chí nếu bạn có in ảnh ra khổ lớn thì vẫn ổn áp như thường. Ngay cả các máy ảnh chuyên nghiệp hàng đầu từ Canon hay Sony cũng chỉ giữ độ phân giải cảm biến đâu đó khoảng 20MP – 24MP và nhà sản xuất chưa hề có dấu hiệu muốn tham gia chạy đua về “số chấm” trên sản phẩm của họ.
Cảm biến trên camera có nhiệm vụ thu ánh sáng từ từ bên ngoài vào, hay dễ hiểu là thu ảnh vào bên trong điện thoại. Sự phát triển của cảm biến ảnh và ống kính trên điện thoại ngày một phát triển sinh ra nhiều loại hình nhiếp ảnh, từ camera thường cho đến camera góc rộng, camera telephoto,…
Có thể thấy camera trên điện thoại hiện nay ngày càng to ra, iPhone 13 Pro Max với 3 mắt to đùng, Samsung Galaxy S22 Ultra với mắt to không kém. Các mẫu điện thoại mới hiện tại ngày càng được đầu tư vào kích thước của cảm biến để cạnh tranh về khả năng chụp ảnh trên smartphone. Đồng thời trong bối cảnh người người nhà nhà đều dùng điện thoại vào việc chụp đêm, chụp RAW, chụp ảnh chân dung chi tiết,… thì cảm biến to hơn, ánh sáng thu nhiều hơn lại rất có lợi cho các mục đích trên.
Điển hình như Samsung Galaxy S22 Ultra đã được trang bị cảm biến to nhất từ trước tới nay của hãng với kích thước khá lớn 1/2.55 inch, với độ lớn điểm ảnh cũng to theo lên đến 2.4um (micrômét), từ đó cho ra chất lượng chụp đêm cực đỉnh, ngoài ra màu sắc, ánh sáng và độ chi tiết của ảnh chụp cũng được cải thiện nhiều hơn. Mắt mở to thì nhìn được nhiều hơn, cảm biến cũng thế!
Ngoài yếu tố tăng kích thước vật lý của cảm biến để nước ảnh chi tiết, sáng sủa hơn thì các nhà sản xuất còn chú trọng vào yếu tố thuật toán AI xử lý ảnh. Có thể nói rằng thuật toán đang nâng tầm chụp ảnh trên smartphone để so bì với các máy ảnh cơ và tạo nên chất ảnh riêng cho từng dòng điện thoại như iPhone có nước ảnh chân thực, Google Pixel với nước ảnh thiên về độ nét như chụp máy cơ, Samsung thì chú trọng vào độ tương phản.
Sự khác biệt rõ ràng giữa ảnh trên cam thường và ảnh được xử lý bởi AI của Google Camera.
Thuật toán nhiếp ảnh kì diệu đến mức một chiếc smartphone với camera đơn thôi cũng có thể cho ra chất lượng ảnh tương đương hay thậm chí ăn đứt smartphone 3 camera. Vâng, mình đang nói đến các máy Google Pixel 1 cho đến Pixel 3, Google là hãng đầu tiên đã cho người dùng nhận ra sự kì diệu của nhiếp ảnh điện toán. Với AI, hình được làm nét và tự nhiên hơn, không cần camera tele vẫn có thể chụp chân dung được, khẩu độ và cảm biến không cần quá lớn vẫn có thể chụp đêm sáng trưng. Quan trọng nhất, người dùng chỉ cần bấm chụp, còn lại để AI lo, không cần chỉnh tay bất cứ thứ gì.
Không cần phải chọn một trong hai yếu tố, các hãng đã chọn kết hợp giữ thuật toán và cảm biến lớn trên các mẫu flagship của mình để tạo ra trải nghiệm chụp ảnh tốt nhất. iPhone 13 Pro Max với cảm biến 1/1.65 inch, độ lớn điểm ảnh 1.9µm với 2GB RAM để dành riêng cho hệ thống thuật toán camera, hay OPPO Find X5 Pro trang bị cảm biến độ lớn 1/1.56 inch với điểm ảnh có độ lớn 2µm và chơi lớn với chip xử lý ảnh MariSilicon X để xử lý nhiều kỹ thuật hơn, đặc biệt là chụp ảnh RAW 20bit và quay phim ban đêm 4K. Có thể thấy, sự kết hợp giữa thuật toán và cảm biến sẽ song hành với nhau trên camera smartphone.
Riêng về phần số lượng MP trên camera, chúng vẫn được các nhà sản xuất phát triển với cảm biến 100MP trên Samsung, Xiaomi 12 với camera 50MP,… hoặc thậm chí là cảm biến lên đến 200MP đang được Samsung dự định ra mắt vào cuối năm nay. Nhưng đây không còn được quảng cáo rầm rộ như trước nữa, vì bận quảng cáo cho thuật toán và cảm biến nhiếp ảnh rồi.
Nói đi cũng phải nói lại, số “chấm”, hay số megapixel tất nhiên không phải để làm cảnh, chúng cũng có góp phần ảnh hưởng đến đến độ nét và chi tiết của bức ảnh chụp trên điện thoại. Tuy nhiên, để có thể cho ra một tấm hình hoàn hảo trên thiết bị di động, kích thước của cảm biến và thuật toán xử lý là hai yếu tố “gánh team”, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ảnh chụp. Số MP lớn thì nghe ngầu đấy, nhưng cũng chỉ làm marketing là chính mà thôi!
Theo cellphones.com.vn