LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Chụp ảnh với nguồn sáng ngược có thể dễ dàng tạo nên những “thảm họa”, đặc biệt là với những người dùng không chuyên. Tuy nhiên, với một vài bí quyết cơ bản về kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng, ngay cả những người dùng máy ảnh du lịch với một chút để ý, cũng có thể tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật”, hoặc ít nhất là tạo nên những bức hình “coi được”.
Ảnh ngược sáng (silhouette) là những bức ảnh được tạo nên bởi những hình khối màu tối nổi bật trên phông nền sáng. Cụ thể, trong ảnh ngược sáng, chủ thể của bức ảnh sẽ trông như một khối đen đã được loại bỏ các chi tiết để tạo sự tương phản mạnh mẽ với khung nền sáng xung quanh. Độc giả có thể tham khảo một vài bí quyết cơ bản nhưng hữu ích dưới đây.
Trong ảnh ngược sáng, cách đơn giản nhất để tạo ánh sáng nền là đặt chủ thể sao cho hướng ánh sáng mặt trời đến từ phía sau. Lưu ý, mặt trời càng thẳng góc với mẫu chụp thì người chụp càng dễ dàng tạo ra một bức ảnh ngược sáng có độ tương phản mạnh.
Tương tự như các kỹ thuật chụp ảnh khác, thời điểm tốt nhất để chụp ảnh thể loại này là ngoài trời lúc bình minh và khi mặt trời bắt đầu lặn. Dĩ nhiên, vẫn có thể dễ dàng tạo được một bức ảnh ngược sáng ngay trong chính ngôi nhà của mình bằng cách đặt một nguồn sáng phía sau chủ thể; hay sử dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ phòng.
Bất kỳ một vật thể nào cũng có thể được dùng làm chủ thể trong ảnh ngược sáng. Tuy nhiên, để có được những bức ảnh đẹp, gây ấn tượng mạnh với người xem, người chụp cần chọn những gì có hình khối hay đường nét rõ ràng – vì khi lên ảnh, tất cả chi tiết bên trong hay màu sắc của chủ thể đó sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.
Kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng cho ra những bức ảnh ấn tượng và độc đáo. Ảnh minh họa
Thời điểm lý tưởng để chụp những bức ảnh ngược sáng là buổi sáng sớm khi mặt trời mới mọc hoặc buổi chiều muộn trước hoàng hôn – lúc trời vẫn sáng nhưng không quá gắt. Thông thường, vào mùa hè, người chụp nên bắt đầu chụp ảnh trước 7h sáng và buổi chiều từ 4h30 – 6h30. Vào mùa đông thì khung thời gian chụp có thể thay đổi, tuy nhiên “thời gian vàng” cho mọi thể loại ảnh liên quan tới ánh sáng mặt trời luôn là lúc sáng sớm và lúc hoàng hôn.
Trong trường hợp muốn chụp ảnh ngược sáng, người chụp nên lựa chọn chế độ Spot Metering (đo sáng điểm). Bằng cách này, máy ảnh sẽ đo ánh sáng trên chủ thể chính mà người chụp định chụp và không bị “nhiễu” vì ánh sáng của cảnh vật xung quanh. Ngoài ra, người chụp cũng nên điều chỉnh mức phơi sáng xuống thấp khoảng từ 2/3 đến 1 Ev, vì thông thường, trong bức ảnh ngược sáng, chủ thể tối hơn nên ảnh sẽ dư sáng và nhiều noise nếu bạn đo sáng vào chủ thể.
Theo quan sát chung, nếu nguồn sáng ở phía sau quá gắt sẽ khiến cho mặt của chủ thể thường bị tối hay bức ảnh bị sáng quá. Điều này là điều kiện lý tưởng nếu người chụp muốn chụp những bức ảnh phong cách silhouette. Tuy nhiên, theo quy chuẩn chụp ảnh chung, nếu muốn mặt của chủ thể sáng hơn, người chụp nên điều chỉnh để chủ thể đứng sau một cái cây và phía sau cái cây là ánh sáng mặt trời. Hoặc đơn giản hơn, người chụp có thể sử dụng một chiếc gương hay thiết bị hắt sáng. Trong trường hợp khó điều chỉnh ảnh sáng hơn, người chụp có thể tận dụng đèn flash như một công cụ bù sáng khá hiệu quả (nhưng không hoàn hảo như các dụng cụ khác).
Để tạo nên bức ảnh ưng ý, người chụp cần phải cài đặt máy ảnh. Việc cài đặt này tùy thuộc vào việc người chụp muốn bức ảnh của mình chụp được trông như thế nào. Nếu người chụp muốn kể một câu chuyện thì nên để khẩu độ nhỏ: f/22, f/16, f/11, khi đó tất cả quang cảnh xung quanh đều rõ ràng. Còn nếu muốn nhấn mạnh vào nhân vật chính, hãy để khẩu độ lớn: f/1.4, f/1.6, f/1.8, f/2.0…
Kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng trở nên dễ dàng hơn với những bí quyết cơ bản. Ảnh minh họa
Hiện tượng lóe sáng hay còn gọi là lens flare là một thuật ngữ quen thuộc khi chụp ảnh ngược sáng. Đó là những quầng sáng hay vòng ánh sáng thường xuất hiện khi bạn chụp ngược sáng.
Rất nhiều người thích dấu ấn này trên bức ảnh vì trông chúng rất lãng mạn. Tuy nhiên, điều này lại làm cho bức ảnh khá “loang lổ” và mất độ tương phản. Nếu người chụp không thích để lại những bóng lóe sáng này thì nên để chủ thể đứng trước một cái cây hay vật thể che chắn khác để làm tản mất những vòng tròn sáng xuất hiện trong ảnh.
Để có thể thực hiện kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng, đơn giản người chụp chỉ cần đặt đối tượng cần chụp sao cho ánh sáng đến từ phía sau chủ thể; và thay vì đo sáng đối tượng cần chụp như bình thường, người chụp sẽ phải đo sáng vào các vùng sáng của bức ảnh. Điều này sẽ khiến chủ thể trong ảnh trở nên thiếu sáng và trở thành một hình khối đen nổi bật trên khuôn hình.
Với ảnh ngược sáng, hãy chọn đo sáng vào một trong các vùng sáng của phông nền thay vì đo sáng trực tiếp vào chủ thể cần chụp. Để làm được điều này, chỉ cần đơn giản hướng ống kính vào vùng sáng và có độ tương phản rõ rệt, sau đó nhấn nhẹ nút chụp hình nhanh để máy tự động đo sáng và đưa ra các thông số khẩu/tốc độ tương ứng.
Khi có được giá trị khẩu độ và tốc độ này, người chụp nên ghi nhớ chúng để có thể thiết lập lại cho đúng trong chế độ chụp thủ công (Manual) sau đó. Nếu đã có một vài kinh nghiệm về máy ảnh và yêu thích chế độ sáng tạo tùy chỉnh thủ công hoàn toàn, người chụp có thể đo sáng nền sau đó nhấn nút khóa sáng rồi bố cục lại khung hình sao cho ưng ý.
Hầu hết máy ảnh hiện đại đều được trang bị hệ thống đo sáng tự động có độ chính xác cao để đảm bảo chủ thể của bức ảnh luôn đủ sáng. Tuy nhiên, chính vì quá “thông minh” nên người dùng sẽ gặp chút rắc rối khi máy tự động tăng sáng cho chủ thể – trái ngược hoàn toàn với tiêu chí làm cho chủ thể thiếu sáng trong chụp ảnh silhouette.
Kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng là một kỹ năng rất khó đối với nhiều thợ chụp ảnh, ngay cả những nhà nhiếp ảnh. Ảnh minh họa
Vì thế, nếu sử dụng các chế độ chụp tự động hay bán tự động, khi đo sáng nền, người dùng phải nhấn nhẹ nút chụp hình nhanh rồi tiếp tục giữ nguyên trong khi bố cục lại khung hình, sau đó nhấn mạnh nút này để chụp. Người dùng có thể chụp ảnh ngược sáng bằng cách này với hầu hết các máy ảnh hiện nay. Tuy nhiên, đôi khi hình ảnh sẽ không được sắc nét nếu sử dụng chế độ lấy nét tự động.
Với chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn, cách đơn giản nhất là sử dụng các thông số khẩu độ và tốc độ mà máy tính toán được khi đo sáng nền bằng chế độ tự động. Nếu chủ thể vẫn chưa thật tối như mong muốn, người chụp hãy tiếp tục đóng từ 1 đến 2 khẩu; hoặc sử dụng tính năng “bracketing” để máy tự động chụp nhiều ảnh ở nhiều mức độ phơi sáng khác nhau.
Ánh sáng từ đèn flash tích hợp trên máy sẽ làm cho chủ thể sáng lên và làm hỏng bức ảnh ngược sáng của người chụp. Vì thế, người chụp hãy luôn nhớ tắt đèn flash, nhất là khi chụp bằng các chế độ tự động.
Một bức ảnh chụp ảnh ngược sáng đẹp cũng cần phải có một bố cục tốt. Sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể và phông nền giúp tác phẩm của người chụp trông thú vị và lôi cuốn hơn. Người chụp có thể tận dụng những vật xung quanh như khung cửa sổ, mái vòm hay một tán cây để bức ảnh trông sinh động, gần gũi hơn với người xem.
Trong nhiếp ảnh, để có được một bức ảnh đẹp thì ngoài bố cục, độ sắc nét cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu sử dụng tính năng lấy nét tự động khi chụp ảnh ngược sáng, người dùng chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn có thể do chủ thể không có độ tương phản; hay khi đo sáng nền và chụp bằng chế độ chụp tự động trên máy.
Để giải quyết vấn đề này, người chụp có thể sử dụng chế độ chỉnh nét bằng tay (MF) để lấy nét vào chủ thể trước khi tiến hành đo sáng vào hậu cảnh. Ngược lại, nếu không tự tin vào khả năng lấy nét thủ công, người chụp hãy sử dụng độ sâu trường ảnh lớn (thiết lập trị số khẩu độ vào khoảng f/16) để đảm bảo toàn bộ khung cảnh được chụp luôn sắc nét.
Nguyễn Dung (Tổng hợp)