LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Trong mô hình màu RGB, đen được biểu thị bởi trị số 0,0,0 – không đỏ, không lục, không lam – tức là không có một chút ánh sáng nào cả. Tuy nhiên, chớ ai vội lãng quên màu đen, mà ngược lại, ta phải lưu ý đến nó không kém các màu khác, và thậm chí còn hơn. Nếu một bức ảnh phải có những mảng lớn màu đen mà rốt cục chỉ có những mảng xám đậm thì bố cục sẽ phần nào yếu đi.
Màu đen đóng một vai trò quan trọng trong đại đa số các bức ảnh màu, ngay cả trong các bức ảnh mà ta không thấy màu đen nổi trội lắm, ở chỗ nó là điểm mốc hoặc điểm tham chiếu cho tất cả các màu khác. Hầu hết mọi bức ảnh đều sẽ trông đẹp hơn nếu chứa đựng trọn vẹn dải màu sắc, trải từ đen kéo dài cho đến trắng. Đảm bảo cho hình ảnh chiếm trọn quang phổ màu sắc là một phần mục tiêu của lệnh Levels (Đường cân bằng) mà ta sẽ đề cập ở phần sau.
Ảnh ngược sáng là một ứng dụng phổ biến của màu đen. Với đại đa số ảnh ngược sáng, nếu không phải màu đen mà là một màu sắc nào đó thì hiệu ứng của ảnh sẽ bị sút giảm. Suy cho cùng thì với ảnh ngược sáng, mối quan tâm chính là hình thù và đường nét hai chiều.
Một trong những ứng dụng quan trọng của màu đen là đóng vai trò phông nền và dùng sự tương phản để làm nổi bật đối tượng trong ảnh.
Bản thân màu đen cũng là một sắc độ nên có thể được dùng làm màu nền, để tôn lên hình khối hoặc đường nét của đối tượng, hoặc để nhấn mạnh màu trong một bức ảnh màu sáng.
Trong hầu hết thế giới phương Tây, màu đen ít mang ý nghĩa tích cực, và thường khiến liên tưởng đến sự chết chóc, bí mật và bí ẩn. Chỉ có trong lĩnh vực thời trang thì màu đen mới có vai trò ổn thỏa. Tuy nhiên, trong nhiều nền văn hóa khác, màu đen lại thường được nhìn với ánh mắt tích cực.
Trong mô hình màu RGB, trắng được biểu thị bằng trị số 255, 255, 255, tức là chứa tối đa màu đỏ, lục và lam. Trong mô hình màu cộng, sự phối hợp của ba màu này sẽ tạo ra màu trắng.
Cũng như đen, trắng là một thành phần quan trọng trong hầu hết các bức ảnh màu ở chỗ nó cũng đóng vai trò mốc đối chiếu cho các màu sắc chính. Nó cũng đại diện cho sắc độ sáng nhất của vùng sáng trong một bức ảnh. Và sự tinh tế này của màu trắng đòi hỏi chúng ta phải cẩn trọng tối đa về độ phơi sáng. Sự tồn tại của một điểm trắng (và đen) (giúp đảm bảo bức ảnh có được trọn dải màu sắc) là điều có lợi cho ảnh chụp, tuy nhiên, nếu chọn lượng ánh sáng thiếu cẩn trọng, ta sẽ có ảnh bị dư sáng và đa phần các chi tiết màu sáng nhạt đầy tinh tế trong ảnh sẽ chuyển thành màu trắng thuần túy. Màu trắng thuần túy không chứa sắc độ và vì thế không có chi tiết. “Lóa” hoặc dư sáng sẽ khiến ảnh bị hư hại, và ta phải tránh tình trạng này bằng mọi giá. Nếu phải chọn giữa dư sáng hoặc thiếu sáng thì trong phần lớn các trường hợp, thiếu sáng vẫn đỡ tổn hại hơn. Đây chính là lý do người ta luôn tâm niệm phải chọn thời chụp theo vùng sáng.
Để tạo nên hình ảnh, màu trắng cần thêm màu sắc khác, cho dù các màu sắc này nhợt nhạt đến đâu.
Dĩ nhiên, tuyết màu trắng nhưng tuyết cũng phản xạ ánh sáng cao độ, và để nhìn thấy tuyết trong một màu trắng thuần túy, ta phải chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng của bầu trời có mây và trung tính. Nếu chụp trong bất kỳ điều kiện có trời xanh và tuyết trắng thì bức ảnh sẽ ngã sang sắc xanh.
Cũng như với màu đen, chọn thời chụp với các đối tượng màu trắng cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, và nếu có đủ thời gian thì nên chụp theo nhiều nấc thời chụp khác nhau. Thật đáng ngạc nhiên là với bức ảnh này, việc điều chỉnh – mở khẩu độ thêm 1.5 nấc (để làm rõ khung cửa) đã không làm lóa phần chóp trắng của ngôi nhà nguyện như hình dung. Thật ra kiến trúc này có gam màu tối hơn rất nhiều so với ảo giác mà màu trắng của nó gợi ra.
Còn nữa…