LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nhiệt độ màu
Trong thực tế, mỗi một nguồn sáng đều có một sắc thái khác nhau, được gọi là nhiệt độ màu. Lý do chúng ta không thấy được nó là bởi vì bộ não của chúng ta tự động bù màu cho các sự khác biệt này, và do đó chúng ta luôn nhìn thấy được màu trắng mà chúng ta muốn thấy.
Ánh sáng bao gồm rất nhiều màu khác biệt, và chỉ đối với những trạng thái cực đoan nhất của thang sắc độ này thì mắt người mới cảm nhận được sự khác biệt. Một cảnh hoàng hôn, nằm ở đỉnh điểm của một thang sắc độ, sẽ trông có màu cam; một bầu trời quang, mà chính nó cũng là một nguồn ánh sáng, sẽ trông có màu xanh thẫm.
Các nguồn ánh sáng nhân tạo khác nhau có một biên độ rộng về màu sắc.
Ánh đèn chiếu sáng giáo đường nguy nga của Cologne bị áp sắc xanh lục.
Màu của hoàng hôn có những lúc sẫm hơn và ửng đỏ hơn ở một lúc nào đó
hơn những lúc khác, bởi vì khi đó có nhiều yếu tố khác tác động đến khí quyển hơn.
Thang đo này cho thấy những điều kiện ánh sáng khác nhau mà người chụp ảnh sẽ gặp phải theo thang nhiệt độ Kelvin trong Vật lý học.
Nhiệt độ màu thường được đo bằng độ Kelvin (K), và thang đo này được cung cấp trên tất cả máy ảnh số SLR để người sử dụng có thể tự tay điều chỉnh máy ảnh tùy theo một điều kiện ánh sáng cụ thể. Tuy nhiên, các máy ảnh số SLR cũng có một số thông số soạn sẵn cho các tình huống ánh sáng thông thường, như “trời nắng”, “bóng râm” và “đèn bóng dây tóc”, để đảm bảo màu trắng sẽ được ghi lại đúng là màu trắng. Các máy này cũng có thông số để tự động điều chỉnh bất kỳ một sự lệch màu nào trong bất kỳ một tình huống ánh sáng nào. Chế độ này được gọi là Tự động cân bằng trắng, hoặc AWB.
Bầu trời trông xanh do các bước sóng của ánh sáng dội lại chúng ta từ bầu khí quyển của trái đất.
Cân bằng trắng
Thực chất mà nói, cân bằng trắng là vấn đề điều chỉnh màu sắc tổng thể của ánh sáng mà ta đang chụp ảnh. Như ta đã biết, ánh sáng vào lúc hoàng hôn đầy ngoạn mục sẽ có sắc ửng đỏ, trong khi ánh đèn nội thất – như đèn bóng dây tóc – có thể cho sắc cam. Mắt chúng ta rất giỏi điều chỉnh các sắc độ này đến mức chúng ta thường chẳng hay biết có các sắc màu đó. Nhưng đối với máy ảnh kỹ thuật số, nếu ta không điều chỉnh thì màu trắng sẽ không hiện ra trắng. Đó là lý do xuất hiện thuật ngữ “cân bằng trắng”. Trong trường hợp hoàng hôn, màu trắng sẽ hiển thị như màu hồng (có thể chấp nhận được), còn với ánh sáng đèn dây tóc, màu trắng có thể hiển thị thành màu cam (khó mà chấp nhận được).
Mỗi dạng ánh sáng đều có một giá trị nhiệt độ màu, được thể hiện theo độ Kelvin. Các máy ảnh số SLR có một số trị số cân bằng trắng đã định trước cho một số tình huống bấm máy thông thường (xem bên trái) để đảm bảo màu trắng sẽ được ghi lại như màu trắng, và do đó các màu khác cũng sẽ chính xác.
Thông số Tự động Cân bằng Trắng (AWB) của máy ảnh sẽ thường cho kết quả khá chính xác, và đây là thông số mặc định tốt nhất của máy ảnh. Tuy nhiên, trong những điều kiện ánh sáng cực đoan, ta cần phải kích hoạt các thông số cân bằng trắng đã định sẵn để có được màu sắc trông trung thực hơn.
Những hình ảnh này cho thấy một khung cảnh có thể được ghi ảnh khác nhau ra sao tùy theo chế độ cân bằng trắng. Các bức ảnh đối chiếu này đã áp dụng một số trị số cân bằng trắng không phù hợp, tuy nhiên, chúng giúp ta thấy được hiệu ứng của chế độ cân bằng trắng.
Cân bằng trắng nâng cao
Sau đây là một thủ thuật nhanh gọn nếu bạn cảm thấy nhất thiết cần phải điều chỉnh cân bằng trắng nhưng không tìm được trị số chính xác, bởi điều kiện ánh sáng quá phức tạp hoặc hỗn độn. Hãy chuyển máy sang chế độ thao tác bằng tay, hoặc chế độ trị số cân bằng trắng tự ấn định (hầu hết các máy DSLR hiện nay đều có một trong các chế độ này). Kế tiếp, đặt một vật thể màu trắng trước máy ảnh để máy ảnh ghi lại cách thức hiển thị màu trắng theo điều kiện ánh sáng cụ thể lúc ấy. Đối với một số máy ảnh, bạn chỉ cần đảm bảo đưa vật thể màu trắng đó – một mảnh giấy hoặc bìa trắng – lọt vào choán trong khung ngắm (khu vực vòng tròn lấy nét, chẳng hạn), rồi chụp. Máy ảnh sẽ ghi lại trị số cân bằng trắng, và trị số này sẽ trở thành một trị số tự ấn định trong menu cân bằng trắng khi bạn tiếp tục sử dụng máy. Với một số máy ảnh khác thì bạn chỉ cần bấm một nút cân bằng trắng để ghi lại hình ảnh tấm bìa trắng và áp dụng thông số đó cho các bức ảnh trong tương lai. Hãy kiểm tra cẩm nang máy ảnh của bạn để nắm cách thức tự ấn định trị số cân bằng trắng. Trên thị trường cũng có bày bán “bìa xám” để dùng thay cho giấy trắng.
Bìa xám đặc dụng là một công cụ đơn giản để kiểm tra mức cân bằng trắng một cách khách quan; phiên bản này do Kodak phát hành. Hãy chụp tấm bìa này trong điều kiện ánh sáng tương tự như lúc bạn đang chụp, và bạn sẽ ấn định được một trị số cân bằng trắng có thể cho ra màu trắng chính xác ứng với điều kiện ánh sáng cụ thể như vậy.
Tham chiếu dựa theo màu xám
Hầu hết các cảnh vật đều có ít nhất một khu vực xám trung tính nằm đâu đó. Bạn có thể dùng mảng này làm điểm tham chiếu để có trị số cân bằng trắng khá chính xác – nhất là khi không tiện để chụp một tấm bìa trắng hoặc xám nhằm tự ấn định trị số cân bằng trắng mới. Hãy ghi nhớ vật thể hoặc vùng xám ấy và khi biên tập ảnh trong giai đoạn hậu kỳ, bạn sẽ có màu tham chiếu để cân chỉnh theo. Cũng xin nhắc lại một lần nữa, chụp Raw sẽ giúp bạn có được kết quả tốt nhất nếu cần điều chỉnh màu sắc sau này.