LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Do xanh lục là màu xuất hiện nhiều nhất trong thiên nhiên, và đỏ cũng không hiếm đối với cây cối và hoa, và do xanh lục thuần túy và đỏ thuần túy đều có cùng độ sáng nên sự phối hợp của hai màu này đã thỏa mãn được một số yêu cầu về sự hài hòa màu sắc mà ta đã đề cập trước đây.
Tuy nhiên, nếu xét về phương diện màu bổ túc, khi khảo sát kỹ vòng tròn màu ta sẽ thấy màu lục lam, tức màu pha giữa lục và xanh dương, nằm đối diện với đỏ, và cặp màu này quả thực là một sự kết hợp cân bằng. Bạn có thể tranh luận rằng rất hiếm khi ta nhìn thấy màu đỏ thuần túy đi với xanh thuần túy. Tuy nhiên, rõ ràng các màu này hòa hợp với nhau, ngay cả khi chúng không thuần sắc, và được xem là một trong ba cặp màu hòa hợp kinh điển.
Ở dạng thuần khiết, tức là khi bão hòa hoàn toàn, đỏ và xanh lục có cùng độ sáng, một trong các yêu cầu về lý thuyết để có sự hòa hợp màu sắc. Khi ở vị trí tương cận nhau, chúng tạo ra một hiệu ứng gọi là “rung” mà ta đã đề cập trước đây. Ranh giới giữa hai màu này trông như đang lung linh.
Về mặt màu bổ túc, cam và xanh dương gần như đối diện với nhau trên vòng tròn màu. Tuy nhiên, khác với đỏ và xanh lục, chúng không có cùng trị số về độ sáng. Màu cam sáng gấp hai lần màu xanh dương, cho nên để đạt được một sự cân bằng thị giác giữa hai màu này, lý tưởng mà nói, màu xanh phải hiện diện nhiều gấp đôi màu cam.
Trong thế giới thực, cả hai màu đều thường xuất hiện, nhất là bởi vì chúng cùng hiện diện trên thang đo nhiệt độ màu, mặc dù nằm tại hai đầu. Màu cam là màu của bình minh và hoàng hôn, màu của ánh nến và đèn bóng dây tóc quen thuộc – với nhiệt độ màu trong khoảng từ 2000k – 3500k – trong khi đó xanh dương là màu của bầu trời quang và ánh sáng trời – với nhiệt độ màu trong khoảng 10.000k. Ở đây chúng ta chia sẻ một nhận thức có đôi chút khó hiểu. Ấy là màu cam được xem là màu nóng, còn xanh dương là màu lạnh.
Bộ màu phối trong hình hiện diện rất phổ biến ở vùng Địa Trung Hải. Mặc dù không hẳn là sắc xanh dương thẫm và sắc cam bão hòa tối đa của bánh xe màu, bộ màu này vẫn phát huy đầy đủ hiệu quả như một biến sắc từ chất liệu phấn.
Mặc dù không mạnh như đỏ, cam là màu tiến, mà đi với màu xanh dương, thuộc màu lùi, sẽ tạo ra chiều sâu cho hình ảnh, thêm một lý do để hai màu này trở thành một cặp màu hòa hợp rất thành công.
Một thí dụ đặc sắc để cho thấy tại sao xanh dương và cam lại phổ biến như vậy. Ảnh này chụp khi mặt trời nằm thấp trên bầu trời, bức tường được chiếu sáng trực diện đã nhuốm ánh cam, trong khi phần còn lại của không gian phơi bày một nền trời xanh biếc.
Trong ba cặp màu bổ túc mà chúng ta đang bàn ở đây, vàng và tím là cặp màu khó tìm nhất – màu tím xuất hiện rất hiếm hoi. Sự tương phản giữa cặp màu này là cực lớn, bởi vàng là màu sáng nhất trong các sắc độ, còn tím lại là màu tối nhất. Như chúng ta đã thấy với cam và xanh dương, những màu có độ sáng khác nhau đòi hỏi một tỉ lệ hiện diện chênh lệch nhau nếu chúng ta muốn có sự cân bằng. Trong trường hợp của vàng và tím, lý tưởng mà nói, chúng ta nên có nhiều tím hơn vàng, với tỉ lệ khoảng 1:3.
Bất chấp sự mất cân đối giữa vàng và tím trong bức ảnh chụp hoa dại này, và bất chấp sự có mặt của rất nhiều màu xanh lục thẫm, mối quan hệ giữa hai màu này vẫn được xác lập. Thiên nhiên một lần nữa lại khẳng định vai trò cân bằng màu sắc.
Cặp màu vàng và tím góp phần tạo cảm giác trầm mặc, tĩnh lặng cho phong cảnh đồng quê này.
Hoa violet là một trong những thí dụ hiếm hoi của thiên nhiên về sự kết hợp của màu vàng và tím. Hoa này cũng tự xác lập tỉ lệ cân bằng giữa sắc sáng và tối một cách chính xác.