LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Kinh nghiệm chụp ảnh biển đẹp mê hồn và vô cùng sáng tạo. Nhiều người chụp bãi biển nào cũng giống nhau và ảnh lúc đó trở nên vô vị. Thay vì chỉ chụp đường chân trời ở biển hay con người, hãy chú trọng vào những vệt cát, con sóng hay dấu chân trần để làm điểm nhấn cho ảnh.
Ngoài ra, hãy chú ý tới thời điểm. Bình minh hoặc hoàng hôn lúc nào cũng là thời gian tốt nhất trong ngày cho việc chụp ảnh biển, trước tiên bởi lúc đó vắng người, thêm vào đó, ánh nắng lúc này luôn tạo nên những góc chiếu với hiệu ứng màu sắc và bóng râm thú vị, nhất là trong khung cảnh chiều tà khi ánh vàng tràn ngập khắp nơi.
Trời giông bão, sấm sét, mưa hoặc nhiều mây cũng là thời điểm tạo nên sự sống động cho ảnh. Chủ thể trong ảnh có thể chỉ là những đám mây vần vũ, hay những cơn sóng bạc đầu trắng xóa, thậm chí là những chiếc phao hay cờ bị gió thổi tung… Tất nhiên, bạn cũng phải tính đến sự an toàn, nhưng nếu có điều kiện, thì những bức ảnh biển trong những thời tiết như vậy sẽ rất ấn tượng.
Một trong những hạn chế khi chụp bãi biển mùa hè là ánh sáng đôi khi rất gắt, cộng với cát trắng, khiến cho bức ảnh của bạn thường trở nên thiếu sáng nếu để máy ở chế độ tự động. Đối với những máy có chế độ mặc cảnh, nên chuyển về chế độ chụp bãi biển (Beach) để máy tự bù sáng, hoặc nếu sử dụng máy chỉnh tay, tốt nhất là tăng thêm một, hai giá trị sáng so với thông số mặc định của máy.
Tuy nhiên, việc tăng sáng cũng phải tùy từng trường hợp, bởi lẽ nếu với những cảnh chụp trong bóng râm, việc tăng sáng có thể làm cháy sáng vùng sáng. Nếu bạn biết cách chụp các phơi sáng khác nhau và ghép trong phần xử lý ảnh hậu kỳ thì tốt, nếu không hãy chú ý trước tiên đến vùng cần phơi sáng đúng và hướng máy ảnh vào đó thay vì để máy tự quyết định thông số phơi sáng chung.
Nếu máy ảnh của bạn có chế độ đo sáng điểm, bạn có thể khắc phục vấn đề thiếu sáng do máy ở chế độ tự động kể trên. Đo sáng điểm là tính năng cho máy ảnh biết phần nào của hình ảnh cần được đo sáng đúng thay vì toàn bộ bức ảnh. Chế độ này tỏ ra hữu dụng khi chủ thể ở trong vùng bóng râm. Tuy nhiên, lưu ý nếu đúng sáng ở vùng bóng râm, vùng sáng dễ bị quá sáng, nhưng điều này có thể chỉnh hậu kỳ và ít nhất đối tượng chính của bạn cũng hiện đầy đủ chi tiết kể cả khi bạn không chỉnh sửa gì.
Khi chụp ảnh chân dung ngoài trời nắng, bạn có thể nhận thấy trên vùng khuôn mặt của nhân vật luôn bị đổ bóng từ mũi, má, hoặc cằm, tạo nên những vệt đen không đẹp mắt. Để khắc phục, hãy bật chế độ đèn flash cưỡng bức để ánh đèn có thể xóa đi các vùng bóng đổ. Tuy nhiên, đèn flash quá mạnh có thể khiến cho ảnh dễ bị “bẹp”, vì thế, nếu máy ảnh cho phép điều chỉnh độ mạnh yếu của flash, hãy thử vài mức để tìm được mức tối ưu.
Kính lọc UV sử dụng khi chụp ảnh trên bãi biển cũng có một số lợi ích nhất định. Trước tiên, chúng bảo vệ ống kính cho bạn. Thứ nữa chúng cũng lọc bớt các ánh sáng cực tím có thể gây nên hiện tượng lóa màu (thường màu xanh) cho ảnh dù ảnh hưởng của những hiện tượng này thường không nhiều.
Về cơ bản, kính lọc phân cực gúp bạn loại bỏ được những ánh sáng phản xạ và tăng cường thêm độ tương phản cho ảnh. Tác động rõ nhất là khi bạn chụp bầu trời hay mặt nước, nó sẽ trở nên xanh hơn, thật hơn thay vì dễ bị nhạt màu do bị lóa dưới ánh nắng mặt trời.
Một trong những vấn đề hay gặp khi chụp ảnh biển là khung cảnh quá rộng, đường chân trời vì thế rất dễ trở nên nhàm chán, hoặc tệ hại hơn, làm chia cắt ảnh thành hai nửa khi bạn vô tình đặt nó vào giữa. Vì thế, hãy chú ý tới đường chân trời trong cảnh biển, luôn nhớ quy tắc phần ba, tránh để nó vào giữa ảnh, hoặc tốt nhất là tìm một góc nào đó để tránh biến nó thành một đường thẳng đơn điệu.
Một trong những phương pháp đáng thử nghiệm khi xử lý ảnh hậu kỳ là chuyển các bức màu thành đen trắng. Hãy thử với một vài bức và xem hiệu ứng đen trắng có làm tăng thêm cảm xúc hay thay đổi tâm trạng của ảnh không. Nếu ảnh đen trắng có thể mang lại cảm xúc mới, thì đó chính là hiệu ứng hiệu quả.
phununet.com