LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Những thông tin đề cập sau đây chỉ trong phạm vi máy ảnh SLR và máy ảnh mirrorless.
Khung ngắm quang học (Optical viewfinder)
Máy ảnh SLR, nguyên tắc chính để người dùng nhìn từ khung ngắm ra bên ngoài, phải thông qua ống kính. Do trục nhìn của khung ngắm và trục nhìn ống kính không thẳng hàng nên nhà thiết kế phải sử dụng gương phản chiếu và lăng kính 5 cạnh để thay đổi trục ánh sáng từ ống kính đi vào khung ngắm (như hình minh họa). Do chỉ sử dụng các bộ phận quang học nên khung ngắm này được gọi là “khung ngắm quang học”. Hình ảnh nhìn thấy từ bên ngoài tương tự như nhìn xuyên qua lớp kiếng thủy tinh. Các thiết bị điện tử không đóng vai trò nào, vì thế ngay cả khi máy ảnh không mở nguồn, chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh qua khung ngắm.
Khung ngắm điện tử (Electronic viewfinder)
Khi cuộc cải cách công nghệ bắt đầu, người sử dụng phổ thông quen dần với việc dùng màn hình LCD để lấy nét và chụp ảnh (liveview). Khung ngắm quang học trở nên ít được sử dụng nên vai trò gương lật trong máy ảnh trở nên thừa thải. Do đó, các nhà thiết kế mạnh dạng bỏ đi gương lật, cho phép đưa ống kính máy ảnh đến gần hơn với cảm biến hình ảnh, các ống kính góc rộng được sản xuất với giá thành thấp và máy ảnh nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên, bỏ đi gương lật đồng nghĩa với việc loại bỏ cơ chế khung ngắm quang học, do đó máy ảnh không có gương lật sẽ không có khung ngắm quang học.
Để tạo ra khung ngắm giống với máy ảnh SLR, nhà sản xuất phải thay thế cơ chế quang học bằng một cơ chế khác gọi là khung ngắm điện tử. Nguyên tắc hoạt động vì thế cũng thay đổi. Ánh sáng đi qua ống kính được cảm biến hình ảnh ghi nhận và truyền qua một màn hình nhỏ đặt trong khung ngắm. Khung ngắm điện tử thực chất chỉ là một màn hình thu nhỏ, giống với cơ chế liveview. Do đó, khi máy ảnh tắt nguồn, khung ngắm điện tử cũng sẽ không hoạt động. Khung ngắm điện tử được sử dụng phổ biến với máy quay phim kỹ thuật số trước khi được sử dụng với máy ảnh. Do hình ảnh được nhìn thấy qua một màn hình, nên khi nói về khung ngắm điện tử, nhà sản xuất đi kèm với thông tin độ phân giải của màn hình và chất liệu. Ví dụ như EVF 1,44 triệu điểm ảnh. Để tiết kiệm năng lượng khi phát hình ảnh trên màn hình điện tử, các khung ngắm này dùng một cảm biến hồng ngoại, có khả năng phát hiện khi người dùng đưa mắt vào khung ngắm và lập tức màn hình được mở lên hay sẽ tắt đi khi không còn được sử dụng.
Minh họa khung ngắm điện tử
Ưu điểm khung ngắm điện tử:
– Ít bị thị sai khi dùng với ống kính có tỷ lệ zoom cao, không cần gương lật kích thước lớn để thấy hết hình ảnh giống như cảm biến ghi nhận.
– Các thông tin khác có thể hiển thị đồng thời trên màn hình khung ngắm.
– Những gì nhìn thấy trên khung ngắm điện tử gần giống hoàn toàn với hình ảnh cuối cùng máy ảnh ghi nhận.
– Hình ảnh vẫn có thể nhìn thấy trong điều kiện thiếu sáng.
– Góc nhìn của khung ngắm điện tử giống hoàn toàn góc nhìn của máy ảnh.
– Khung ngắm điện tử miêu tả chính xác độ tương phản và tông ảnh như hình ảnh cuối cùng.
Nhược điểm khung ngắm điện tử:
– Thông tin hiển thị chậm hơn thực tế khi thay đổi môi trường sáng hay khung cảnh.
– Độ phân giải hình ảnh của màn hình khung ngắm có thể ảnh hưởng đến độ chính xác khi lấy nét.
– Màn hình bị nhiễu hạt khi nhìn trong điều kiện thiếu sáng.
– Ngốn nhiều năng lượng.
Mỗi khung ngắm đều có những ưu khuyết điểm riêng biệt, mức độ hữu dụng phụ thuộc vào thói quen người sử dụng. Đối với một số loại máy ảnh khác, đặc biệt loại máy RF, còn có một khung ngắm khác nữa được gọi là “khung ngắm lai” – Hybrid viewfinder. Loại khung ngắm này sử dụng đồng thời hai hệ thống quang học và điện tử. Nhưng trong phạm vi bài viết cho máy ảnh SLR, chúng tôi không muốn đi quá xa. Hy vọng bài viết này giúp ích cho những người yêu thích dòng máy dùng khung ngắm điện tử và sử dụng hiệu quả tính năng này.