LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Tài liệu này được viết với những thông tin góp nhặt trên internet, và những kinh nghiệm thực tế khi chụp. Tuy là cách chụp không khó, nhưng chụp đêm với ánh sáng khác thường, sẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ. Đó là lý do vì sao tôi soạn và viết ra bài viết này, mong là sẽ giúp cho bạn một phần nào đó.
ISO 200, f4, tổng số thời gian có thể từ 30 phút đến vài giờ. Bạn hãy suy nghĩ về điều này trong một phút, để có thể gia giảm cho máy của bạn.
Bạn có thể chụp 1 tấm phơi sáng thật lâu, hoặc kết hợp nhiều tấm phơi sáng ngắn trong Photoshop hoặc các phần mềm khác
Phơi sáng lâu dễ bị nhiễu hạt, và hết…pin
Ghép nhiều tấm với thời gian phơi sáng ngắn sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Sự nhiễu hạt gia tăng với thời gian và nhiệt độ. Chụp dưới 15 phút nếu có thể, 10 phút sẽ tốt hơn. Thời tiết ấm có thể đòi hỏi thời gian ngắn hơn.
Chỉnh máy theo chức năng “Bulb”. Sử dụng remote có thể chỉnh thời gian và số lần chụp. Với một vài loại máy tốt, bạn có thể chỉnh ở trong máy để máy tự động chụp cho bạn. Xin bạn hãy vui lòng xem lại sách sử dụng cho máy của bạn để biết là máy của bạn có chức năng này hay không.Cách đơn giản nhất là bạn chỉnh tốc độ chụp 30 giây, và dùng locked remote để máy tự động chụp, cho đến khi nào bạn release remote, thì máy sẽ ngừng chụp.
ISO có thể dùng ở 200 hoặc 400 tùy theo khẩu độ mà bạn chọn. Thí dụ bạn dùng khẩu độ 4 có thể dùng ISO 200, nếu dùng f5.6, bạn có thể chỉnh ISO thành 400. Xin bạn ghi nhớ là chỉ số này chỉ có tính cách tượng trưng, khi ra field bạn sẽ chụp thử 15 phút để có thể biết được chính xác là mình sẽ dùng khẩu độ và tốc độ thế nào. Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn phải thay đổi cách chỉnh máy cho phù hợp.
Khẩu độ được thiết lập giữa f2.8 và f8, tùy thuộc vào chỗ bạn cho là trung tâm điểm cho hình của bạn, có thể là tập trung vào tiền cảnh, hay là vô cực. Khẩu độ mở rộng vẫn là tốt hơn cho nhiều trường hợp.
Sử dụng remote để kiểm soát máy ảnh của bạn. Khi phơi sáng lâu, bạn nên chỉnh remote chụp theo thời gian bạn muốn. Nếu chụp nhiều tấm để ghép lại, bạn có thể chỉnh remote để chụp một số hình trong một khoảng thời gian nào đó (thí dụ, 60 tấm, mỗi tấm 4 phút; hoặc 30 tấm, mỗi tấm 10 phút), và thời gian giữa mỗi tấm là 1 giây, để tránh sự đứt đoạn giữa hình trước và hình sau. bạn có thể mua remote ở Amazon, hoặc Adorama.
Bạn nên thử nghiệm chụp trước khi ra field, để tránh sự ngỡ ngàng lúng túng khi chụp.
Chụp ảnh RAW, do đó bạn có thể sửa cân bằng trắng (WB) khi làm hình
Sử dụng cân bằng trắng 2500 – 3000K nếu bầu trời trông màu nâu hoặc nếu bạn nhìn thấy ánh sáng màu vàng của đèn natri trên đường chân trời. Luôn luôn có thể thay đổi sau này nếu chụp RAW.
KHÔNG sử dụng cân bằng trắng tự động (AWB). Bạn không muốn trị số của cân bằng sáng thay đổi giữa các tấm ảnh chụp, vì bầu trời thay đổi sẽ khiến máy tự động thay đổi cân bằng sáng từ tấm hình này sang tấm hình khác. Bạn có thể dùng AWB khi mà bạn chỉ chụp 1 tấm duy nhất.
TẮT chức năng giảm nhiễu hạt (Turn OFF your camera’s Noise Reduction). Điều này rất quan trọng, vì chức năng làm giảm nhiễu hạt sẽ cần gấp đôi thời gian chụp để làm ra một tấm hình, bạn sẽ bị những khoảng trống nếu chụp nhiều tấm, nếu chụp một tấm, pin của máy có thể sẽ hết trước khi máy có thể làm xong hình, bạn sẽ không có hình sau khi bỏ thời gian vài tiếng để chụp.
Turn OFF Image Stabilization.
Turn OFF Mirror Lockup.
Lấy nét bằng tay (Manual Focus).
Cần có chân máy vững chắc.
Sau khi bạn đã chụp thử nghiệm, lúc bắt đầu chụp thật sự, hãy bắt đầu với một pin mới sạc (fully charged) Cần bầu trời rất tối và trong, không có đám mây. Sử dụng Finder Sky Dark để tìm nơi tối nhất cho vùng bạn muốn chụp.
Hãy chụp sau nửa đêm nếu có thể để giảm số lượng máy bay trong khung hình của bạn, nếu những vùng ít máy bay, bạn có thể bắt đầy chụp sau khi khi mặt trời lặn 90 phút, khi bạn thấy được dãy ngân hà, hoặc thấy được sao, là bạn có thể chụp; và trước khi mặt trời lên 90 phút, là thời gian mà bạn có thể chụp sao chạy.
Đối với sao chạy, thời gian cho chuyến đi của bạn tốt nhất là lúc không có trăng (đêm 30 âm lịch), hoặc 1.5 giờ sau khi mặt trăng vừa lặn (tùy theo vùng bạn chụp, góc độ bạn chụp, mà trăng sẽ lặn với thời diểm khác nhau), hoặc với một mặt trăng chỉ khoảng ¼ hoặc ít hơn nữa. Nếu bạn có một mặt trăng sáng, sử dụng kỹ thuật chụp nhiều tấm, để tránh bầu trời và cảnh vật quá sáng. Chụp nhiều tấm sẽ có điểm mạnh trong trường hợp này, bạn có thể chụp khi mà trời có mây. Khi mà trời quá sáng, chụp thời gian càng ngắn sẽ càng tốt, trong trường hợp này dùng 30 giây sẽ là tối ưu cho hình của bạn.
Lấy nét vào vô cực hoặc ở khoảng cách gần nếu bạn có một tiền cảnh trước đó. Bạn có thể lấy nét vào buổi chiều, và giữ nguyên vị trí cho đến tối để chụp sao chạy, hoặc bạn có thể ước lượng khoảng cách gần xa và lấy nét bằng tay cho ống kính của bạn (dành cho những người có kinh nghiệm chụp đêm), hoặc có thể dùng đèn pin để chiếu sáng và lấy nét ở tiền cảnh gần, dùng LiveView cũng giúp ích trong trường hợp này. Nếu cảnh vật quá xa, bạn không thể dùng đèn pin để soi tới, thì có thể lấy nét ở ∞ (vô cực), nhích ngược lại một tí, thì hình bạn sẽ nét từ gần đến xa.
Bạn hãy chụp ISO thật cao (test shot) để kiểm tra bố cục cho hình. Sau đó, chỉnh ISO theo căn bản (200 hoặc là 400, chụp sao chạy thì ISO thấp sẽ giúp cho bạn giảm sự nhiễu hạt rất nhiều) và chụp lâu hơn để kiểm tra xem các vòng cung của sao chạy có nằm theo ý bạn muốn hay không. Trung bình là 10 phút cho tấm hình thử nghiệm của bạn.
Bạn có thể dùng ISO cao hơn chụp cùng một chỗ với ánh sáng nhiều hơn cho tiền cảnh; hoặc bạn có thể quét đèn trên đá, trên cây, trên cỏ để có tiền cảnh sáng như ý của bạn; hoặc bạn có thể đợi đến gần sáng, chụp cảnh vật với khẩu độ đóng nhỏ hơn (thí dụ, f11), thì tiền cảnh sẽ đẹp và tự nhiên hơn; và sau đó sẽ dùng các chương trình sẵn có để ghép chúng lại với nhau. Sử dụng biểu đồ (Histogram) để kiểm tra xem tiền cảnh đã đủ sáng chưa. Màn hình LCD thường sẽ đánh lừa bạn vào ban đêm. Giảm độ sáng trên màn hình LCD khi chụp đêm.Sau khi bạn có được tấm hình cho tiền cảnh, bạn chỉnh lại ISO theo căn bản bạn muốn, để chụp hình sao chạy.
Giữ pin dự phòng trong túi của bạn để giữ ấm cho chúng trước khi sử dụng. Đổi một pin mới còn ấm, lúc bắt đầu chụp hình sao chạy.
Chụp một tấm hình “đen” sau khi bạn đã hết thúc chụp hình sao chạy (hoặc là chụp trước khi chụp hình sao chạy) thời gian, khẩu độ, và ISO giữ nguyên như là lúc chụp sao chạy. Hãy sử dụng nắp ống kính của bạn cho tấm hình này. Tấm hình này khá quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn giảm sự nhiễu hạt (digital noise) lúc làm hình.
Bạn có thể chụp nó sau khi bạn đã về đến nhà. Nếu bạn chụp thời gian ngắn, thì hãy chụp liền ngay lúc đó, tấm hình “đen” sẽ giúp bạn nhớ là cần phải dùng đến nó để giảm nhiễu hạt trong hình của bạn.
Khi bắt đầu chụp sao chạy, và trong khi đang chụp, bạn có thể sử dụng vải mềm để lau ống kính nếu cần thiết để giữ cho ống kính không bị mờ vì sương.
Bạn có thể chỉnh cân bằng trắng (WB) để làm cho bầu trời thẫm xanh, nếu bạn muốn như vậy. Sử dụng giảm độ nhiễu hạt bằng PS, Neat Image, hoặc Noise Ninja. Theo tôi thì dùng chương trình Neat Image rất ích lợi cho thể loại hình này.
Làm sáng lên tiền cảnh hoặc ghép hình với tấm ít bị nhiễu hạt, làm hình sáng tí để tiền cảnh giảm chút nhiễu hạt.
Bạn có thể dùng chương trình Startrails (miễn phí) để ghép nhiều tấm lại với nhau, nếu bạn chụp nhiều tấm. Bạn có thể tải chương trình về ở đây:
http://www.startrails.de/html/software.html
Sử dụng tấm hình “đen” nếu cần thiết. Để tạo thành 1 tấm hình đen, bạn có thể chụp thêm 1 tấm với nắp cho ống kính, hoặc có thể dùng bất kỳ tấm nào trong chuỗi hình của bạn, làm nó thành màu đen, và dùng nó trong chương trình Startrails, để giúp hình bạn giảm hạt nhiễu, và trong trẻo hơn.
Sử dụng spot healing brush để lấy ra những vệt sáng do máy bay tạo ra, hoặc những khoảng trống nếu có. Điều chỉnh độ sáng, dodge and burn khi cần thiết để làm hình có chiều sâu và nhấn mạnh một điểm chính nào đó.
Có một đèn pin hoặc đèn đội đầu với pin mới và pin dự phòng để thay khi cần thiết. Sử dụng một đèn pin mờ màu đỏ để tránh làm hỏng tầm nhìn ban đêm của bạn.
Mặc quần áo ấm, với găng tay và mũ.
Thuốt xịt muỗi và côn trùng.
Nước và đồ ăn nhẹ.
Có bản đồ và GPS, nếu đi bộ đường dài. Báo cho người nhà chính xác nơi bạn sẽ đến và khi nào sẽ ở lại đó, trong trường hợp khẩn cấp vẫn có người biết vị trí mà bạn sẽ đến. Nên đi với một người bạn, để có thể giúp nhau khi cần.
Tìm một việc gì đó để làm, vì thời gian chụp lâu sẽ khiến cho bạn nhàm chán.
Bạn đã đọc hết tất cả thông tin để chụp, bây giờ tôi sẽ nói về kinh nghiệm chụp khi bạn đang ở ngoài field. Bạn nên thử nghiệm trước khi chụp thật để có được cách chỉnh máy tốt nhất cho bạn. Tôi sẽ viết rất ngắn gọn để bạn đi vào những điểm chính. Bạn sẽ có 2 bước để chụp hoàn chỉnh trong tất cả các trường hợp.
-Trước tiên, bạn phải tìm ra vị trí của sao Bắc Đẩu (Solaris), và hướng máy về hướng Bắc để chụp sao chạy theo vòng tròn chung quanh sao Bắc Đẩu, hoặc là chụp về hướng Nam, với 2 đường sao chạy chia đôi hình tương phản. Tùy theo góc bạn chụp, mà bạn hãy chọn cho mình phương hướng thích hợp. Có khi vật thể tiền cảnh chỉ cho phép chụp theo hướng Nam.
– Dùng khẩu độ f5.6, hoặc bạn có thể chọn f8. Với riêng cá nhân tôi, f5.6 sẽ giúp bạn dễ chỉnh máy nhất. Lấy focus tiền cảnh nơi bạn muốn, rồi chuyển sang Manual Focus.
– Giảm nhiệt độ màu (White Balance) xuống còn khoảng 2500-3000, dùng chụp thử xem màu sắc của hình để bạn có thích hay không. Và tất cả là tùy theo ý thích của bạn! Khi về nhà bạn có thể thay đổi màu sắc của hình với tập tin RAW của bạn. Bạn cũng có thể chuyển sang Tungsten White Balance, bầu trời sẽ có màu tím rất đẹp.
– Dùng ISO 400 cho hình thử nghiệm của bạn.
– Chụp hình từ 10 đến 15 phút. Hình này là dùng để xem bố cục của tiền cảnh, và sao chạy hậu cảnh có phối hợp với nhau vừa ý bạn hay không. Bạn có thể kết hợp quét đèn trên đá, hoặc dùng đèn bão để tiền cảnh có ánh sáng đều đặn (khi có thể), hoặc chụp lúc có ánh trăng để ánh sáng của tiền cảnh đầy đủ hơn.
– Dùng tấm hình này để kiểm tra độ sáng tối cho hình. Bạn có thể dùng Histogram để xem mình chụp có sáng hay tối lắm không. Ban đêm bạn không thể tin sáng tối bằng mắt của mình. Khi bạn biết sáng hay tối, bạn có thể gia giảm 1 tí cho phù hợp. Thí dụ hình hơi sáng, bạn có thể giảm ISO xuống 200. Có đôi trường hợp, bạn chụp với khẩu độ mở rộng (thí dụ, f4), thì đường sao chạy trên trời sẽ lớn và rõ hơn. Hình chỉ dùng cho mục đích này, bạn có thể xóa bỏ hình sau khi tìm được góc độ và bố cục vừa ý. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, thì f5.6, ISO 200, có thể dùng để chụp sao chạy rất an toàn trong những đêm trăng. Và f4, ISO 200 cho những đêm tối trời. Sau khi bạn tìm được góc bạn thích, hãy vặn máy thật chắc với chân, và có thể treo thêm vật nặng trên chân máy để làm máy và chân vững chãi hơn. Bây giờ bạn có thể bước sang bước thứ nhì.
a. Chụp nhiều tấm
– Cách chụp dễ nhất là 30 giây, khóa dây bấm mềm, f4, ISO 200. Xin hãy chụp vài tấm cho tiền cảnh trước khi chụp thật. Mình sẽ dùng những tấm chụp tiền cảnh này nếu cần thiết. Kiểm tra thêm 1 lần cuối cùng độ sáng tối để chỉnh lại máy nếu cần thiết.
– Khi máy bắt đầu chụp, bạn sẽ dùng đèn pin mạnh, hoặc đèn bão (đèn lồng) với màu vàng ấm (hoặc màu vàng đỏ nếu bạn muốn làm cho đá đỏ vàng mạnh hơn) để quét lên đá hoặc tiền cảnh mà bạn đã chọn. Phải quét đèn đều tay, từ phải sang trái hoặc ngược lại, từ 5 đến 10 giây, tuy theo đèn sáng tối, tiền cảnh gần hay xa. Lý do phải dùng đèn màu vàng hoặc vàng đỏ, là để phù hợp với nhiệt độ màu (White Balance) mình đã chỉnh từ lúc đầu. Bạn có thể tăng hay giảm tùy theo ý thích của bạn, để chụp vài tấm đầu tiên cho tiền cảnh, rồi sau đó để máy tự động chụp.
– Bạn có thể chụp từ 30 phút, cho đến 3 giờ, tùy theo điều kiện mà bạn có thể chụp. Khi về nhà dùng phần mềm Startrails để ghép chúng lại với nhau.
– Cách chụp này tối ưu cho những lúc ánh sáng thay đổi nhiều (có trăng và mây), và an toàn nhất. Nếu có chuyện gì không hay xảy ra (hết pin, trời sáng, người rọi đèn, v.v.), thì bạn chỉ mất 1 tấm cuối cùng. Tôi nghĩ rằng chụp 4 phút 1 tấm, với ISO thấp sẽ mang lại cho bạn tấm hình trong trẻo nhất, và làm hình sau khi chụp dễ dàng nhất.
b. Chụp 1 tấm:
– Bạn có thể chuyển máy sang chức năng bulb, khóa dây bấm mềm, f5.6, ISO 200, chụp khoảng 2 giờ trở xuống. Bạn hãy xem lại tấm hình bạn chụp 15 phút lúc đầu, nếu bạn thấy sáng, bạn có thể đóng 1/2 khẩu độ, nếu tối, mở rộng 1/2 khẩu độ cho tấm hình chụp thật.
– Cách chụp này rất nguy hiểm, khi có bất kỳ một lý do gì tác động đến môi trường, ánh sáng, hay là máy hết pin, thì tấm hình bạn đang chụp xem như hư hỏng hoàn toàn, bạn bỏ vài tiếng chụp như dã tràng se cát.
– Tôi còn nghe nói rằng khi miếng cảm ứng của máy hình phải phơi sáng rất lâu, ngoài việc nó tạo ra hạt nhiễu rất nhiều, còn sẽ làm giảm tuổi thọ của miếng cảm ứng, và cả máy ảnh của bạn. Nên cách này chụp thử cho biết, không nên chụp thường xuyên.
Khi bạn chụp sao chạy, chỉ có tiền cảnh và hậu cảnh với sao, có khi tạo sự nhàm chán vì mọi người ai cũng chụp như vậy. Nên bạn có thể thử nghiệm thêm những cách chụp này:
– Chụp đêm với trăng, sẽ tạo hiệu ứng đặc biệt, bạn sẽ có những tấm hình chụp đêm mà rõ đẹp như ban ngày. Chụp dưới ánh trăng bạn có thể chỉnh WB “Direct Sunlight”, vì mặt trăng chỉ là phản chiếu ánh sáng từ mặt trời. Khi trời có mây lững lờ trôi (không dầy lắm), sẽ cho ban những tấm hình sao chạy theo vòng, với mây trôi lững lờ, cái sống động của mây trôi sẽ mang chất sống vào trong hình của bạn. Hình sẽ thu hút người xem nhiều hơn, và có khi người xem sẽ nghĩ rằng bạn ghép hình đêm vào ngày. Chỉ có những người có kinh nghiệm chụp sao chạy, thì sẽ biết là hình thuần túy chụp đêm.
– Bạn có thể ứng dụng cách chụp phía trên cho biển, chụp biển khi trời trong và dưới ánh trăng để bạn có thể thấy được mặt nước biển xa xa. Thực sự chụp sao chạy trên biển rất khó, vì chân trời thường có mây rất nhiều, biển rất ít khi trong trẻo, và thường bị nhiễu sáng từ những thành phố lân cận. Bạn phải lựa những nơi không có bị nhiễu sáng (chẳng hạn trong hang), ngày trời trong, gió lặng, thì bạn có thể chụp được những tấm hình sao chạy trên biển, và nhờ ánh trăng mà bạn sẽ có hình sóng biển như chụp lúc hậu hoàng hôn.
– Bạn có thể ứng dụng chụp hình thành phố với sao chạy. Cái khó là phải tìm những nơi tiền cảnh đẹp, và không sáng lắm, để bạn có thể chụp những tấm hình dưới 30 giây (và ghép lại với nhau sau này). Chỗ nào bạn có thể chụp 30 giây và vừa đủ sáng (hoặc ít hơn), trời trong trẻo, nhìn lên trời thấy sao, thì chỗ đó bạn có thể chụp hình sao chạy. Tôi từng thấy hình người chụp hình sao chạy trên cây Cầu Vàng (Golden Gate) ở San Francisco, và tấm hình đó rất đẹp! Ông ấy chụp với 20 giây cho những tấm hình của mình.
Joshua Tree Arch, f5.6, ISO 320, 6374 giây. Đêm tối và trời rất trong. Chỉ chụp 1 tấm.
Hình chụp trong hang ngoài biển, 33 tấm hình ghép lại, f5.6, ISO 400, 30 giây mỗi tấm. Chụp hơn 2 giờ nhưng chỉ dùng được 33 tấm, vì trời mây nhiều nên che mất sao.
Hình chụp dưới ánh trăng, mây trôi nhanh; f4, ISO 200, 60 giây, 70 tấm ghép lại với nhau dùng chương trình Startrails.
Mong các bạn sẽ có những tấm hình sao chạy thật đẹp!
Theo vnphotography.org