LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Hiện nay, nhu cầu về chụp ảnh bằng smartphone ngày càng nở rộ và cùng với đó, sân chơi của những người đam mê nhiếp ảnh bằng điện thoại cũng phát triển rộng hơn, không chỉ dừng lại ở những bức ảnh chụp cảnh vật ban ngày, chụp ảnh hoa cỏ mà, chân dung, mà người dùng bắt đầu tìm kiếm những thử thách khó hơn với camera phone, đó là chụp phong cảnh trong môi môi trường thiếu sáng. Trong rất nhiều cách chụp tích hợp sẵn trên điện thoại, có một cách sẽ giúp người chụp tạo ra những bức ảnh chi tiết, ít nhiễu hạt, độ sáng và màu sắc ấn tượng dù là trong môi trường thiếu sáng, đó là chế độ chụp “phơi sáng”.
Chụp ảnh phơi sáng trên smartphone là cách tận dụng khả năng điều chỉnh tốc độ chụp nhằm thu được nhiều ánh sáng hơn khiến cho bức ảnh chụp thêm long lanh, sáng và rõ nét.
Yếu tố ngoại cảnh sẽ quyết định việc có nên chụp phơi sáng hay không trên smartphone, thông thường là trong điều kiện thiếu sáng, khi mà chế độ tự động không thể ghi nhận chi tiết của cảnh chụp.
– 1 chiếc smartphone (thường là Android hoặc Windows Phone) có chức năng phơi sáng.
– 1 chiếc chân máy (tripod) để giữ máy vững chắc khi phơi.
Yếu tố tiên quyết để chụp phơi sáng trên smarthone là nhận biết smartphone đang dùng có hỗ trợ tính năng chụp phơi sáng hay không. Rất nhiều smartphone thuộc các thương hiệu khác nhau từ cao cấp đến tầm trung đều hỗ trợ tính năng này, ví như: Galaxy S7 edge, LG V20, Huawei P9, Oppo F1s, Lumia 950, Asus Zenfone 3,… Việc đầu tiên cần làm là bật ứng dụng camera của máy lên và tìm kiếm chức năng chụp Pro (hoặc chỉnh tay, manual)… Người dùng cần lưu ý, giá trị phơi sáng (Exposure Value) không phải là tốc độ màn trập. Một số smartphone có chế độ chụp Pro, nhưng trong đó lại không có tùy chọn điều khiển tốc độ màn trập.
3 thông số cơ bản cần chú ý khi chụp phơi sáng là ISO, tốc độ màn trập và lấy nét, người dùng cần chú ý: ISO luôn phải thấp nhất, thường nên để giá trị 50 hoặc 100, với một vài khung cảnh từ tối đến rất tối, tốc độ màn trập không thể cứu vãn, có thể nâng ISO lên 200 hoặc 400 nhưng đó là giới hạn và không nên cao hơn nữa vì ảnh chụp sẽ xuất hiện nhiễu hạt. Tốc độ màn trập bắt đầu từ 1 giây để xem độ sáng của cảnh sau khi chụp ra như thế nào, từ từ tăng lên hoặc giảm xuống cho đến khi hợp mắt. Cuối cùng là lấy nét ở vô cực bằng cách chọn lấy nét tay và kéo thanh lấy nét khi thấy xuất hiện hình số 8 nằm ngang, nếu như trình chụp của smartphone không có thể độ lấy nét tay thì hoàn toàn có thể sử dụng lấy nét tự động.
ISO nên để thấp nhất.
Tốc độ màn trập từ 1 giây tới lâu nhất tùy môi trường chụp.
Lấy nét vô cực để bức ảnh nét toàn bộ khung hình.
ISO 100 – tốc độ chụp 2 giây – Lấy nét vô cực, đã chỉnh lại màu cho vừa mắt.
Ngoài 3 tùy chỉnh quan trọng bên trên thì còn 2 điểm mà người chụp ảnh phơi sáng cần chú ý là cân bằng trắng (WB – White Balance) và Thời gian tự chụp (Timer). Khi thay đổi Cân bằng trắng (WB), ảnh chụp phơi sáng sẽ thay đổi màu sắc dựa theo ánh sáng mà máy nhận diện, có rất nhiều mức để tùy chỉnh về Cân bằng trắng như : Ban ngày (Daylight) – Nhiều mây (Cloudy) – Huỳnh quang (Fluorescent) – Đèn tròn (Incandescent). Lời khuyên đối với người chụp là để Auto hoặc chuyển sang WB Huỳnh quang để ảnh có độ tương phản màu sắc tốt hơn. Đối với tùy chọn thời gian tự chụp, người dùng nên chọn mức 2 hoặc 3 giây sau khi chạm chụp, vì đôi khi lỡ tay làm làm cho điện thoại bị rung lắc, từ đó bức ảnh phơi sáng sẽ nhòe không rõ nét, bằng cách điều chỉnh thời gian tự chụp giúp máy có thời gian để “đứng im” hoàn toàn mới tiến hành chụp.
Chỉ qua vài thao tác đơn giản, người dùng đã có thể làm chủ chiếc smartphone của mình để thử sức với cách chụp ảnh phơi sáng, những khung cảnh nên chọn để chụp phơi sáng là không gian có sự kết hợp giữa nhà cửa, mặt nước, đèn và ánh sáng xe cộ, từ đó người dùng có thể tìm các vị trí tương ứng như: Đường phố, vòng xoay (xuyến), bờ sông, chụp cầu cảng,…