LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Cũ mòn trong tư duy sáng tác
Trước khi bàn về Festival Nhiếp ảnh trẻ, câu chuyện về nhiếp ảnh nước nhà được đưa ra bàn luận rất nhiều trong những năm qua ở các hội thảo, các cuộc triển lãm, trên các diễn đàn, mạng xã hội… Với sự nở rộ các cuộc thi ảnh quốc tế, trong nước, khu vực và thậm chí rất nhiều ngành cũng tham gia cuộc chơi. Người ta thống kê mỗi năm có đến hàng trăm nghìn tác phẩm nhiếp ảnh tham gia các cuộc thi lớn nhỏ.
“Mầm sống” – Giải Nhất Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2017 (Tác giả: Trần Vũ Quang Duy)
Một điều rất đặc biệt là phần lớn các cuộc thi này khá “ổn định” về chất lượng tác phẩm. Nói không quá, các mô típ “gia truyền” cứ lặp đi lặp lại từ mùa này sang mùa khác, năm này qua năm khác.
Ngoài một số rất ít các tác phẩm có tính sáng tạo, có cái nhìn mới, người ta dễ nhìn thấy đồi cát Nam Cương không chỉ rộng lớn ở Ninh Thuận, mà còn “trải rộng” trên khắp các cuộc thi trong Nam ngoài Bắc. Chưa hết, nó còn kéo dài theo chân những người quẩy gánh trên đồi cát trong cái nắng chiều liêu xiêu, dạt từ năm này qua năm khác. Hay như “mâm xôi” ở Mù Cang Chải, cứ sau mỗi mùa gặt thì triển lãm nào cũng được các tác giả “thết đãi” cho cái mâm xôi ấy…
Khen đẹp cũng dở, chê xấu không xong, nhưng đánh giá cho sát thì cạn ý tưởng. Nhiều người xem triển lãm đã quá bội thực với lối tư duy cũ mòn, sáng tác theo mô típ, theo phong trào.Đã là mô típ thì sự “sáng tạo” là một cái gì đó rất mơ hồ trong mỗi bức ảnh gửi dự thi. Không ít người làm nghề đã vô cùng trăn trở về cái thực trạng ấy, nó như căn bệnh trầm kha, để càng lâu càng nhức nhối.
Kỳ vọng nhiều ở những tay máy trẻ
Ví như một món ăn dù rất ngon nhưng không thể ăn từ ngày này qua ngày khác, mà cần phải được thay đổi. Cũng chính điều đó khiến cho Festival Nhiếp ảnh trẻ trở thành một điểm hẹn để cộng đồng yêu nhiếp ảnh, những người làm chuyên môn háo hức chờ đợi, tìm đến. Người ta chờ đợi một cái gì đó mới mẻ, có thể đẹp, có thể chưa nhưng phải mới và lạ.
“Sắc màu hiện đại” – Giải Nhất Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2015 (Tác giả: Vương Thùy Giang).
Dòng chảy cuộc sống vẫn vậy, chưa có gì thay đổi đáng kể, nhưng ngay từ cái tên, người ta đã mặc nhiên định hình cho nó vai trò làm mới cách nhìn về cuộc sống, thể hiện một góc nhìn trẻ của những tay máy trẻ. Trên thực tế, qua 3 lần tổ chức, Festival Nhiếp ảnh trẻ cũng đã có những đóng góp nhất định làm thay đổi cách nhìn của người trẻ, dù chưa nhiều. Đâu đó người ta vẫn còn nhìn thấy lối tư duy già cỗi trong những sáng tác của những người còn rất trẻ. Có người xem triển lãm đã từng thốt lên: “Sao người trẻ mà ảnh già thế!”.
Trải qua mỗi mùa, lại thêm kỳ vọng vào một lứa tác giả mới không chỉ cái nhìn, mà cách tư duy, cách làm mới vào trong những sáng tác của họ. Có như thế mới “đổi món” được cho công chúng yêu nhiếp ảnh, để người ta không còn phải thưởng thức những “món ăn” phải hâm đi hâm lại nhiều lần.
Kỳ vọng nhiều vào những tay máy trẻ trong Festival lần này, về phía đơn vị tổ chức, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Thông qua Festival, Ban tổ chức mong muốn tạo sân chơi cho những tác giả trẻ có cách nhìn, cách thể hiện mới để bổ sung vào lực lượng kế cận cho Nhiếp ảnh Việt Nam.Đây cũng chính là tiêu chí mà Ban tổ chức đặt ra cho cuộc thi. Chúng tôi mong rằng, các tác giả sẽ mang đến triển lãm những tác phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo của cá nhân họ, phản ánh đời sống đương đại một cách sinh động, đa chiều, đa sắc. Có như thế, Festival mới thể hiện đúng mục tiêu của mình trong việc định hình lại nhiếp ảnh trong lòng công chúng thưởng thức”.
Festival Nhiếp ảnh trẻ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần (bắt đầu từ năm 2015), nhằm khuyến khích sự phát triển của lực lượng cầm máy trẻ, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại qua lăng kính của lực lượng nhiếp ảnh trẻ Việt Nam. Hoạt động nhằm khuyến khích sự quan tâm, gắn kết, tham gia của giới trẻ đối với nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng và các vấn đề xã hội nói chung. Ngoài ra, đây cũng là dịp để giới trẻ yêu thích nhiếp ảnh trong cả nước cùng trao đổi học tập, gặp gỡ, giới thiệu thành quả sáng tạo, bổ sung lực lượng kế cận cho nhiếp ảnh Việt Nam.
Theo Nhà Lý luận – Phê bình Nhiếp ảnh Nguyễn Thành: “Nói đến lớp trẻ cũng là nói đến những người kế cận và phát triển. Đối với lĩnh vực nghệ thuật đồng nghĩa với sự phát triển là sáng tạo. Mà muốn sáng tạo thì “Nhiếp ảnh trẻ” phải được phát triển hoàn toàn tự do. Khi xem triển lãm của những tay máy trẻ tôi tràn đầy niềm tin và tình yêu. Bởi ảnh của các em như những hạt mầm mới nhú, trong sáng và rất hồn nhiên tươi trẻ.
Thực tế nhiếp ảnh Việt Nam còn yếu ở phần sáng tạo. Theo tôi nó nằm ở phương pháp đào tạo. Khả năng truyền nghề của ta thì khá tốt, nhưng khả năng truyền cảm hứng sáng tạo thì còn hạn chế. Vì vậy những tay máy trẻ cần được rèn nghề và định hướng sáng tạo. Còn sáng tạo như thế nào là ở cá tính cá nhân và khát vọng sáng tạo của riêng mỗi người.
“Các họa sĩ tại Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập năm 1924 ở Hà Nội sau khi ra đời phần đông đều là những họa sĩ tài hoa, là một minh chứng điển hình.Tôi tin Việt Nam ta không thiếu những tài năng, sẽ có những tài năng trẻ tự bứt lên, nhưng dăm ba chồi biếc không làm nên mùa Xuân. Hy vọng chúng ta sẽ có cả một cánh rừng xanh mởn!”, Nhà Lý luận – Phê bình Nhiếp ảnh Nguyễn Thành kỳ vọng./.
Cao Tiến