LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Đời sống Hồng Kông những năm 1950. Đây là một trong nhiều bức ảnh của Fan Ho đang được triển lãm tại khách sạn The Pottinger, Hồng Kông trong tháng 8 này. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
Ông Laurence Miller, chủ một phòng tranh ở New York, tình cờ phát hiện ra những bức ảnh kỳ lạ tại một triển lãm ảnh ở Los Angeles năm 2006. Quá bất ngờ, chỗ ảnh lại được bán ở giá hợp lý, Miller mua hết 26 bức ảnh đó. Ngay khi trở về New York, ông nhanh chóng bán được toàn bộ bộ ảnh cho một nhà sưu tập có tiếng, mỗi bức giá từ vài trăm USD đến hơn 5.000 USD.
“Ngay từ lần đầu thấy chỗ ảnh đó, tôi ngỡ chúng là hậu duệ của trường phái Bauhaus và dường như chúng ở đó là dành cho tôi”, ông Miller nhớ lại. (Bauhaus vốn là tên của một trường thiết kế – mỹ thuật – nghệ thuật ở Đức, là cái nôi của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại.) Theo ông Miller, những bức ảnh có đề tên tác giả Fan Ho, trông ảnh khá “người” và rất trừu tượng, dù chúng được chụp ở Hồng Kông.
Fan Ho có biệt danh là “bậc thầy vĩ đại” trong giới nhiếp ảnh gia đường phố châu Á. Hiệp hội nhiếp ảnh gia vô hình châu Á (Invisible Photographer Asia – viết tắt là IPA) năm 2012 đã xếp Fan Ho vào nhóm những nhiếp ảnh gia châu Á có ảnh hưởng nhất.
Mỗi bức ảnh Fan Ho chụp Hồng Kông những năm cũ hiện đang được bán với giá từ 2.000 USD đến hơn 15.000 USD.
“Bóng đổ”, 1954. Ảnh: Fan Ho/AO Vertical Art Space
“Tối đến nhanh” (1954) là một trong những bức ảnh yêu thích của Fan Ho. Kể về tấm ảnh này, Fan Ho từng nói “Tôi chụp bức ảnh tại một khu phố Tây ở Hồng Kông. Khi đó tôi học môn văn học Trung Quốc và tìm được một bài thơ rất tâm đắc. Tôi nghĩ mình phải tìm được một nơi nào đó trong thành phố này cũng mang đến cảm xúc y hệt thứ cảm xúc tôi có được sau khi đọc bài thơ đó. Nghĩ vậy, tôi tìm đến khu phố Tây và đến đó trong nhiều ngày. Khoảnh khắc người đàn ông kéo xe, khoảng lặng của không gian, sự chậm rãi của ánh sáng…tất cả giúp tôi tìm được khoảng khắc quyết định để chụp. Sau nửa thế kỷ chụp tấm ảnh, mọi cảm xúc gắn liền với tấm ảnh vẫn ám ảnh tôi”.
Ảnh của Fan Ho là những tư liệu cực quý về đời sống đô thị Hồng Kông trong những năm 1950 và 1960. Giới chuyên môn ca tụng đó là những bức ảnh dùng ánh sáng và khói để đưa tới những cảm xúc bất ngờ và sống động trong giai đoạn Hồng Kông chuyển mình thành đại đô thị.
“Mỗi khi nhìn vào ảnh Fan Ho, người ta dễ liên tưởng đến cảnh như trong phim, hoặc ra đời dưới góc nhìn điện ảnh. Trong ảnh có trắng có đen, tĩnh mà động”, chuyên trang nhiếp ảnh Leica Liker viết.
“Venice ở Hồng Kông”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Riêng tư”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
Fan Ho, sinh năm 1937, quê ở Thượng Hải, nhưng từ bé đã cùng gia đình nhập cư vào Hồng Kông. Một hôm, cậu bé Fan Ho được cha tặng chiếc máy ảnh Rolleiflex, từ đó cậu bắt đầu tự lần mò học chụp ảnh.
“Thực tế, nhiếp ảnh đường phố đã chọn tôi. Hồi ở Thượng Hải, tôi cực kỳ thích xem phim. Tôi thường xem phim một mình và tôi thích kể chuyện. Lúc đến sống ở Hồng Kông, tôi nghĩ mình phải kể những chuyện của mình dưới 1 hình thức nào đó”, Fan Ho nhớ lại những ngày đầu tiên đi chụp ảnh đường phố Hồng Kông.
“Ở Hồng Kông, tôi học ở trường St Paul’s College, một trong những trường nổi nhất thành phố khi đó. Tôi nuôi ước mơ thành nhà văn nên trong lớp tôi học rất giỏi môn viết. Trong trường, các bạn gọi tôi là “học giả vĩ đại”, và cũng chỉ có duy nhất tôi được phép học từ nhà trong khi các bạn khác bắt buộc phải đến trường.
Tôi viết đủ thứ, kể cả tiểu thuyết. Một ngày, tự nhiên tôi không tập trung học được. Bác sĩ nói tôi bị chứng đau nửa đầu và không chữa khỏi bệnh được. Họ nói tôi phải thường xuyên đi dạo phố hít thở không khí thoáng và sạch. Tôi thấy mọi thứ trở nên nhàm chán và bắt đầu chụp ảnh. Về sau tôi giành giải nhất trong một cuộc thi ảnh. Đây chính là động lực cổ vũ tôi dùng nhiếp ảnh để kể chuyện. Lúc đó, ít ra thì chụp ảnh không khiến tôi đau đầu”, Fan Ho nói với Leica Liker.
Cậu bé Fan Ho bắt đầu mọi công đoạn làm ảnh từ trong bồn tắm của gia đình mình. Những bức ảnh về Hồng Kông của Fan Ho thường khai thác đề tài đời sống đường phố, từng góc phố, con hẻm, chợ, người bán rong và cả lũ trẻ trên phố chỉ kém Fan Ho vài tuổi.
“Hàng thập kỷ trước, Hồng Kông là nhà của nhiều người Trung Quốc nghèo khó. Các ngôi nhà khá nhỏ nên hầu như mọi người đổ ra phố, nhất là trẻ con. Lũ trẻ con thường chơi và ăn ngoài phố”, cựu nhiếp ảnh gia từng giành hơn 280 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế hồi tưởng.
Khi đó, Fan Ho thường đợi sẵn ở một góc nhất định, vị trí đẹp, ánh sáng hợp lý và chờ đợi “mục tiêu” của mình. Chủ thể để chụp có khi là một cô bé làm bài tập về nhà ở ban công, có khi là một phu khuân vác với đống đồ to gấp đôi người anh ta.
“Làm việc trên cao”. “Nếu họ ngã thì coi như số họ xong. Nhưng anh có thể làm gì khác nếu anh nghèo? Người Hồng Kông nhiều lúc liều mạng lắm”, Fan Ho nói về bức ảnh này”, Fan Ho nói về bức ảnh. Nguồn: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Thói quen thường ngày”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Chuyện buổi chiều”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Xong một ngày”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
Hiện tại, Fan Ho là một diễn viên và đạo diễn về hưu, sống tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ. Sau gần 20 năm, ông vẫn luôn tìm kiếm những thứ mới mẻ trong nhiếp ảnh, lấy nền tảng từ những cuộn phim cũ. Tháng 10 năm nay, ông sẽ xuất bản một cuốn sách mới.
Fan Ho đang là thành viên của hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), hội nhiếp ảnh Hoàng gia Anh quốc, hội Nhiếp ảnh London và thành viên danh dự của các hiệp hội nhiếp ảnh Singapore, Argentina, Brazil, Đức, Pháp, Ý và Bỉ.
Ông còn được biết đến trong vai trò nhà làm phim và diễn viên. Fan Ho nhận được nhiều lời khen về diễn xuất trong bộ phim Shaw Brother (1961)với vai diễn vị sư Tripitaka. Ông đã thực hiện hơn 20 bộ phim với nhiều xưởng phim khác nhau tại Hồng Kông và Đài Loan; trong đó có hơn 10 phim được đánh giá cao tại các liên hoan phim Cannes, Berlin và San Francisco. Tên tuổi Fan Ho gắn liền với bộ phim khiêu dâm Temptation Summary (1990).
“Tôi thường nhắc mọi người đừng vứt phim đi. Những cuốn phim của nhiếp ảnh kiểu cũ đôi khi chứa đựng những thứ chẳng ai ngờ. Những người đứng ở vị trí trung tâm không phải lúc nào cũng thú vị hơn những ai đứng ở vòng ngoài”.
“Tôi thậm chí từng làm phim khiêu dâm. Chắc là chưa có thứ gì tôi chưa dám thử”, Fan Ho cười lớn.
Những bức ảnh biến tấu dựa trên các tác phẩm gốc và ảnh gốc về Hồng Kông năm xưa hiện đang được trưng bày trong triển lãm ảnh Fan Ho ở khách sạn The Pottinger, Hồng Kông, diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 8 năm nay.
“Hồng Kông lúc nửa đêm”. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Đông Tây hội ngộ”, 1963. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Họa tiết”, 1956. Ảnh: Fan Ho/Modernbook Gallery
“Làm việc”, 1964. Ảnh: Fan Ho/AO Vertical Art Space
Bài phỏng vấn của Leica Liker và Fan Ho:
Chân dung Fan Ho. Ảnh: The Guardian
Có triết lý hay dụng ý gì sau mỗi bức ảnh của ông?
– Tôi chụp ảnh rất bản năng. Tôi thấy thế nào thì chụp như thế đó. Tôi không tuân theo phong cách, triết lý hay người thầy nhất định nào.
Ông chụp ảnh một mình hay thích chụp với nhóm, với bạn hơn?
– Tôi luôn chụp ảnh một mình. Tôi không muốn bị mất tập trung.
Ông là nhiếp ảnh gia giấu mặt?
– Tôi mặc rất bình thường. Tôi không bao giờ muốn trông nổi bật giữa đám đông. Ông chụp ảnh đường phố như thế nào? – Tôi thường chọn một vị trí nhất định và đến đó vài lần. Nhiều ảnh của tôi được chụp từ 1 vị trí ở các thời điểm khác nhau trong một ngày và trong một năm. Món ăn đường phố yêu thích?– Không có.
Ông có nghe nhạc lúc chụp ảnh không?
– Không. Hoàn toàn không. Tôi tập trung chụp để có những bức ảnh tốt. Đó thực sự là công việc không dễ dàng gì. Anh phải tìm ra được những góc nhìn mới, kiểu chụp mới và cảm giác mới. Trái tim anh sẽ không có chỗ cho những thứ khác. Anh phải để trái tim mình tìm được thứ “khoảnh khắc quyết định” mà huyền thoại nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson thường nhắc đến. Cả thế giới của anh lúc đó không đơn giản là chụp được tấm ảnh đẹp. Hơn nữa, thời của tôi, mỗi khi bấm máy là tốn cả đống tiền vì chụp bằng máy phim.
Ông nghe nhạc gì lúc chụp ảnh hoặc biên tập ảnh?
– Tôi không nghe nhạc lúc chụp ảnh. Khi biên tập ảnh tôi nghe nhạc cổ điển. Tôi vô cùng thích các bản giao hưởng của Brahms và Mahler.
Bậc thầy nhiếp ảnh yêu thích mọi thời đại?
– Henri Cartier-Bresson
Hiện tại ông vẫn chụp chứ?
– Không, tôi không chụp nữa vì sức khỏe không cho phép, trừ một số kiểu snap-shot.
Lời khuyên của ông cho những ai muốn tìm hiểu sâu về chụp ảnh đường phố?
– Anh phải yêu thì mới làm.
Lời khuyên của ông về việc cải thiện việc chụp ảnh?
– Tôi nghĩ kỹ thuật không quá quan trọng. Quan trọng nhất là cách người chụp dùng mắt, để tâm và trí vào việc chụp ảnh. Nếu muốn đưa chuyện chụp ảnh lên một tầm cao hơn, anh phải biết cách kể chuyện. Phải cảm nhận được câu chuyện khi anh bấm máy. Nhiếp ảnh rất đáng trở thành thứ nhớ nhung và ám ảnh.
Đâu là kỷ niệm kinh khủng nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh đường phố của ông?
– Không hề có. Tất cả kỷ niệm đều tốt đẹp và vui vẻ.
Theo GAFIN/DVO