LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nói đến nghệ sỹ nhiếp ảnh Elliot Erwitt, khó có một từ nào diễn tả hết được tài năng cũng như đóng góp của ông cho nền nhiếp ảnh và đời sống thế giới. Trong 60 năm hành nghề kể từ khi vào hãng ảnh Magnum, không tính đến thời kỳ trước đó, với con mắt tinh tế, trào phúng của một nhà tâm lý học, mỹ học, xã hội học và qua các tác phẩm vừa là ảnh thời sự vừa là ảnh tài liệu, ông đã khắc họa một cách tuyệt vời từng con người, sự kiện mang hơi thở của thời đại, và đặc biệt dù là ai, vật gì, ở đâu, trong hoàn cảnh nào đều có những nét đáng yêu, những yếu tố gây cười, hài hước hướng tới một thái độ lạc quan, tích cực hơn cả còn là sự khẳng định ai cũng như nhau, không có gì khác biệt, ngay cả giữa người và vật cũng bình đẳng.
Vũ điệu dưới mưa. Ảnh: Elliott Erwitt
Elliot Erwitt có tên thật là Elio Romano Erwitz, sinhngày 26 tháng 7 năm 1928 tại Paris Pháp trong một gia đình người Nga Do Thái. Thân sinh nghệ sỹ vì bất đồng quan điểm trong Cách mạng tháng 10 đã từ Nga di cư sang Pháp và khi nghệ sỹ chào đời, họ tiếp tục chuyển đến Milan – Italia sinh sống. Vào năm ông 10 tuổi, vì sợ nạn phát xít, cả nhà mới trở về Pháp, và khi quân Nazis Đức đánh Pháp một lần nữa họ lánh nạn sang Mỹ, tá túc ở California và Los Angeles trước khi định cư ở New York, nơi ông đổi tên là Elliot Erwitt.
Có thể nói tuổi thơ của Elliot Erwitt đầy những cơ cực, vất vả. 14 tuổi khi một đứa trẻ vẫn còn nũng nịu đòi mẹ mua đồ chơi thì ông đã biết kiếm tiền, nửa ngày cùng cha đi bán dạo trên đường phố New York, nửa ngày chui vào phòng tối làm bạn cùng hóa chất tráng ảnh các siêu sao màn bạc bán cho quần chúng hâm mộ. Từ số tiền ít ỏi, ông đã tự mua chiếc máy ảnh đầu tiên hiệu Argus và bắt đầu chụp ảnh cộng tác với cơ quan báo chí. Năm 22 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học khoa nhiếp ảnh tại Los Angeles và khoa đạo diễn tại New York, không tìm việc ở những tờ báo lớn, ông xung phong nhập ngũ, làm trợ lý về ảnh cho quân đội Mỹ đóng binh tại Pháp và Đức và trong hai năm ghi lại cuộc sống của những người lính trong những giờ nghỉ ngơi, tìm đường vui vẻ đến những giờ phút tập luyện, giao chiến đầy nguy hiểm trên chiến trường. Năm 24 tuổi, theo lời mời của Robert Capa (1913-1954) chủ hãng ảnh lừng danh Magnum, ông vào làm việc tại hãng này bấy giờ mới là một công ty rất hiếm người và nghệ sỹ đã là người đầu tiên tiền phong có mặt khắp thế giới phản ánh muôn mặt đời thường. Ông cũng từng ba lần làm lãnh đạo chèo lái con thuyền Magnum và gắn bó với Magnum đến nay. Tổng cộng nghệ sỹ có đến 45 cuốn sách ảnh với hàng nghìn bức ảnh chủ đề khác nhau. Ông cũng nói thông thạo ba ngoại ngữ và xuất bản tác phẩm bằng bốn thứ tiếng.
Bằng sự nhạy bén hơn người, nghệ sỹ đã đặc tả cuộc sống ở nhiều lĩnh vực từ phong cảnh thiên nhiên, con vật, tĩnh vật đến các trào lưu – sự kiện như thời trang, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, văn chương, võ thuật, thể dục, y tế, chính trị, khoa học,… Ngoài ảnh mang tính thời sự, ông còn đi sâu khắc họa xuất sắc những giây phút riêng tư của văn nhân, nghệ sỹ, chính khách; của đôi lứa, bè bạn, gia đình,… Tác phẩm nào cũng giàu chất thơ, dí dỏm gợi lên lòng trắc ẩn, sự thông cảm lẫn công phẫn. Mặc dù là ảnh đen trắng song mọi chi tiết đều rõ ràng, trong sáng tuy được chụp từ cách đây hàng chục năm vẫn mới mẻ, hiện đại như vừa hôm qua. Nhiều bức ảnh đã sống cùng thế kỷ 20, 21 và có lẽ còn lâu hơn thế chẳng hạn ảnh giáo hoàng Paul VI, tổng thống Mỹ Richard Nixon, nhà cách mạng Che Guevara, nữ minh tinh Marilyn Monroe,… Ngoài ảnh, từ thập niên 70 ông cũng dành nhiều tâm sức cho việc làm phim, gồm phim truyện, phim truyền hình, phim tài liệu và có tới 18 bộ phim hài hợp tác cùng hãng phim HBO. Cuối thế kỷ 20, ông là nhà tổ chức và giám khảo của nhiều cuộc thi ảnh quốc tế.
Marilyn Monroe, New York 1956. Ảnh: Elliott Erwitt
Trong số ảnh thú vị về con người của Elliot Erwitt, không thể không kể đến đầu tiên là bức ảnh Nụ hôn bên bờ biển, California Mỹ nằm trong bộ ảnh Nụ hôn thể hiện tình yêu nam nữ, niềm đa mê và rạo rực của tuổi trẻ. Nụ hôn bên bờ biển khắc họa một đôi trai gái đang cười và hôn nhau được phản chiếu qua một chiếc gương xe. Phần lớn bức ảnh là khuôn mặt đôi tình nhân, còn lại là khung xe, bờ biển xa xa mà chiếc xe đậu phía trước. Do hiệu ứng mờ dần, khuôn mặt đôi bạn trở nên nổi bật trong khung cảnh lung linh huyền ảo. Dựa trên chiếc xe, bộ áo có thể nói chàng trai là một thanh niên rất bảnh bao còn cô gái cũng là một thiếu nữ cực kỳ duyên dáng. Hai người tình tứ trước sóng biển xôn xao như một bản tình ca, một cảnh phim dịu ngọt hay một giấc mơ lãng mạn thế kỷ 17, 18. Vào ngày Valentine Day, các nhà xuất bản đều thi nhau in Nụ hôn này làm thiệp mừng của ngày lễ Tình yêu.
Nếu như bức ảnh trên cho thấy cuộc đời thật ấm cúng, thân ái thì bức ảnh thứ hai- Da trắng da đen, ở North Carolina Mỹ nằm trong bộ ảnh Xã hội lại biểu thị sự cô đơn, mặc cảm vì tệ phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và da đen. Bức ảnh đặc tả một nam nhân da đen bước vào một phòng vệ sinh có hai bồn nước cách nhau, một ghi da trắng, một ghi da màu. Người da đen chỉ dám làm vệ sinh ở khu vực của mình, song ánh mắt thì vẫn dõi sang vòi nước dành cho người da trắng đang để trống, chưa có người rửa do anh không dám đụng tới vùng “cấm”. Nạn phân biệt chủng tộc đã tồn tại lâu đời ở Mỹ và càng ngày càng trầm trọng, nhất là sau Nội chiến và đại thế chiến II, vì nó mọi thứ từ trường học, nhà hàng, khách sạn, tàu xe, phòng đợi, thang máy, thậm chí nhà thờ đều phải chia đôi có khoang ngăn cách giữa người da trắng và da màu. Qua bức ảnh, Elliot Erwitt đã thẳng thắn phê phán sự phân biệt đối xử và làm dậy lên làn sóng đòi bình quyền khiến chính phủ phải phê chuẩn đạo luật về quyền bình đẳng vào các năm 1954- 68.
Da trắng da đen, phía Bắc Carolina 1950. Ảnh: Elliott Erwitt
Trong số ảnh động vật của Elliot Erwitt thì lém lỉnh nhất là bức ảnh Bull mẹ bull con, New York Mỹ nằm trong bộ ảnh Cẩu. Ở đó có hai chú chó bull, một nhỏ một to, con nhỏ ngồi dưới đất, con lớn ngồi trên lòng chủ, điều kỳ diệu là đầu và vai của nó lại trùng khớp với đầu và hai cánh tay của chủ như thể giữa người và vật là một vậy!. Trước kỷ nguyên photoshop, điều này chỉ có thể thực hiện được bởi một nghệ sỹ biết chờ đợi giây phút quyết định khi con vật trùng hợp hoàn toàn với chủ. Cùng với bức ảnh trên, nói chung trong ảnh của ông, những chú cún hiện lên hết sức ngộ nghĩnh, với dáng vẻ yểu điệu, được ăn nghỉ, mặc diện, cho đi chơi và xem hội cùng người, như người cho thấy một sự bình đẳng, bác ái giữa muôn loài.
New York 1974. Ảnh: Elliott Erwitt
Nói về Elliot Erwitt, phải khẳng định ông là một bậc thầy tài ba mà ở lĩnh vực nào, ông đều để lại những tác phẩm vô giá mà giờ được xuất bản, sưu tập cũng như trưng bày khắp thế giới như được in ở các tạp chí uy tín Holiday, Life, Look, Collier, Discovery, Times…, phát hành tại Pháp, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Và trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại New York, Viện Smithsonian Washington DC, Viện Mỹ thuật Chicago, Viện Mỹ thuật Kunsthaus Zurich, Photokina Cologne… Năm 2002, để vinh danh Elliot Erwitt, Hội nhiếp ảnh hoàng gia đã trao tặng nghệ sỹ giải thưởng cống hiến cho những đóng góp lớn lao của ông đối với nước Mỹ và thế giới. Tuy có công lao to lớn song ông luôn tự cho mình là người không quan trọng, thậm chí chưa phải là nghệ sỹ, mà chỉ là một anh chàng nghiệp dư thích ghi lại chuyện đời. Như một kẻ không nhà, trong lòng vô ưu, ông thường làm việc một mình, lang thang tìm kiếm sự bình lặng, vui vẻ với hai chiếc máy ảnh- một chụp theo đơn đặt hàng và một, thường là chiếc Leica, cho những giây phút ngẫu hứng. Những loạt ảnh ông chụp riêng đến nay đều là cơ sở của nhiều tập sách ảnh nổi tiếng đã xuất bản.
Theo Chu Mạnh Cường- Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 11/2013