LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, một góc phố bình thường, một lối vào ga tàu điện ngầm cũng có thể là nơi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.
Marius Niklas Vieth, nghệ danh Vijce, là một nhiếp ảnh gia, nghệ sỹ, nhà văn, huấn luyện viên, doanh nhân và nhà đầu tư người Đức. Năm 2014, Vijce đoạt giải Nhiếp ảnh gia của năm. Năm 2015 anh lọt vào top 10 của cuộc thi ảnh Sony World Photography Awards trong hạng mục Văn hóa và Nghệ thuật và tiếp tục góp mặt trong top 10 của cuộc thi này vào năm 2016 trong hạng mục Con người.
Những tác phẩm nhiếp ảnh đường phố của Vijce đã được trưng bày ở nhiều quốc gia như một phần của Sony World Photography Awards Exhibition.
Dưới đây là những chia sẻ, bí quyết của Vijce về chụp ảnh đường phố trên trang PetaPixel:
Khi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, tôi luôn nghĩ: Nếu được chụp ở New York, Tokyo, Paris hay Amsterdam, những bức ảnh đường phố của tôi sẽ tốt hơn nhiều… Nhưng rồi tôi hiểu rằng chỉ cần có trí tưởng tượng, sự sáng tạo và sự kiên nhẫn, chúng ta sẽ tạo ra kỳ tích.
Thực ra những bức ảnh đường phố ưng ý nhất của tôi được chụp ở những địa điểm xấu xí nhất. Quả thực hơi khó để tìm ra điều phi thường ở những nơi bình thường nhưng đó chẳng phải là những gì mà nhiếp ảnh gia đường phố luôn cố thực hiện hay sao?
Hãy thử điều này xem…
Dù bạn sống ở một ngôi làng tí hon, một thị trấn nhỏ hay một đô thị khổng lồ cũng chẳng quan trọng. Hãy chọn lấy một địa điểm, nơi 10 phút có người qua lại một lần. Vị trí càng xấu thì kết quả càng ấn tượng và đáng ghi nhận.
Nếu băng qua khung cảnh đó trong 1 phút, bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gì mà mọi người đều thấy. Ở lại đó một khoảng thời gian bạn sẽ tìm ra mọi góc chụp và khoảnh khắc. Chìa khóa của thành công là gắn bó với vị trí mà bạn đã chọn. Nếu đang ở trong một khu mua sắm nhỏ hoặc bên cạnh bưu điện trong ngôi làng nhỏ của mình, hãy dành ra 30 phút để khám phá mọi thứ xung quanh đó.
Nằm trên mặt đất, đi xung quanh, ngoái đầu sang trái, sang phải và lên xuống, hãy thử càng nhiều góc chụp càng tốt. Trải nghiệm vị trí bạn chọn trong các thiết lập ánh sáng khác nhau, điều kiện thời tiết và khí quyển khác nhau. Bạn sẽ nhận thấy rất nhiều sự khác biệt lớn và tinh tế, điều sẽ giúp bạn có những cơ hội mới.
Hãy quan sát những gì mọi người đang làm. Cố gắng dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tính toán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo giúp bạn dựng lên được một tác phẩm bao gồm đối tượng mà bạn ngắm tới trong đó. Cũng đừng quá lo lắng nếu địa điểm bạn chọn thưa người qua lại bởi nó sẽ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ về các tác phẩm của mình. Đây là ví dụ, một vài tác phẩm của tôi dựa trên những mẹo được chia sẻ ở trên… Hãy nhìn lối vào ga tàu điện ngầm xấu xí này. Ngay cả anh chàng ở bên phải bức ảnh dưới đây cũng đang tự hỏi vị trí xám ngắt buồn tẻ này thì có gì đáng để tôi chụp ảnh…
Với tôi, ảnh đường phố này nó trông khá mơ hồ và nhạt nhẽo. Tuy nhiên, càng ở đây lâu tôi càng khám phá ra nhiều khoảnh khắc hơn. Hãy cố gắng đừng chụp quá nhiều, hãy chụp những khoảnh khắc mà bạn cho là cần thiết.
Trong bức ảnh này, tôi sử dụng ánh sáng từ hành lang ga tàu điện ngầm để làm nổi bật đối tượng. Bên cạnh đó, tay vịn cầu thang đóng vai trò đường chủ đạo. Tôi làm tối phần bên trái một chút trong quá trình xử lý hậu kỳ để tạo cảm giác chuyển đổi từ tối sang sáng cho bức ảnh.
Để nắm bắt được khoảnh khắc này, tôi chụp cầu thang bộ từ dưới lên. Tôi đợi lúc mặt trời chiếu vào và đảm bảo rằng chỉ có một người đang đi xuống. Bằng cách đó, bức ảnh trông thanh lịch hơn khi tôi nhìn nó.
Để đối tượng nổi bật, tôi đã chụp ảnh ông bác lịch thiệp này phía trước ánh sáng từ hành lang. Tôi để ông ở phía trái để người xem có thể dự đoán được rằng ông đang đi lên trên thang cuốn. Khi xử lý hậu kỳ, tôi làm tối tất cả mọi thứ xung quanh nguồn sáng.
Tôi muốn chụp một bức ảnh khác chỉ tập trung vào những đường nét tuyệt đẹp ở đây. Như bạn thấy, bạn có lan can cầu thang ở bên sườn, một đường nét khác ở phía trên tường và những chiếc đèn ở góc trái phía trên. Tôi không thể tin vào mắt mình khi một đêm nọ có một anh thợ cơ khí leo lên lan can và đương nhiên tôi không bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá này.
Trong ảnh, tôi chụp những hình ảnh phản chiếu ở sườn của thang cuốn. Tôi đợi tới khi chỉ có một người đi lên. Sẽ tốt hơn nhiều nếu anh chàng kia đứng ở giữa thang. Trong khi xử lý hậu kỳ tôi sử dụng split-toning để thêm màu xanh vào bức ảnh.
Tôi cũng muốn chụp bức ảnh mọi người đang đi xuống trên thang cuốn. Khi tôi bắt gặp cặp đôi này, tôi đã theo họ xuống. Những hình ảnh phản chiếu ở bên sườn tạo thêm ấn tượng cho bức ảnh.
Tại sao tôi không chụp phần đầu của cặp đôi ư? Trong trường hợp này, bức ảnh tập trung nhiều hơn vào hình phản chiếu và màu sắc. Quá trình xử lý hậu kỳ, tôi tăng độ bão hòa cho màu đỏ và làm nổi bật gam màu ấm nhờ split-toning.
Khi nhìn thấy anh chàng tuyệt vời này bước vào thang cuốn, trái tim tôi gần như nổ tung. Tôi thích sự tương phản giữa công nghệ hiện đại và đối tượng thời trung cổ.
Tại sao lại thêm sương mù vào đây? Tôi muốn bức ảnh trông thật vi diệu với dáng vẻ độc đáo của đối tượng. Tôi nhấn mạnh các điểm sáng cho đèn hành lang và khiến nó mềm mại hơn với công cụ brush.
Khi thấy đối tượng thú vị này đi lên thang cuốn, tôi đã đi xuống. Với bức ảnh này, tôi không gặp vấn đề trong việc vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Tôi chụp khi anh ta nhìn sang bên cạnh. Kết quả thậm chí còn vượt xa so với mong đợi của tôi.
Trong quá trình xử lý hậu kỳ tôi đã làm cho mọi thứ xung quanh tối đi để anh ta nổi bật hơn.
Một ngày nọ, tôi hết ý tưởng, tôi xoay đầu sang trái, phải và lên xuống. Đột nhiên, tôi nhận ra mình có thể xoay ảnh đường phố theo phong cách siêu thực.
Quay sang trái. Đó là cách mà tôi chụp bức ảnh này. Sau đó, tôi xoay và cắt bức ảnh. Tôi đã làm tăng độ nét và thêm một chút màu xanh cho ảnh trong quá trình xử lý hậu kỳ.
Để tìm kiếm góc chụp sáng tạo hơn, tôi đã đi lên phố, phía trên lối vào tàu điện ngầm. Để tạo ra sự hài hòa trong ảnh đường phố, tôi muốn chụp một ai đó ở giữa thang cuốn.
Để bức ảnh bóng bẩy hơn, tôi đã sử dụng những họa tiết khá mạnh xung quanh nó, làm nổi bật những phần màu bạc và tăng một chút độ bão hòa phía trên chiếc ô.
Theo PetaPixel