LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nếu hãng nào cũng làm như Leica thì có lẽ các nhà sản xuất pin và dây đeo bên thứ 3 chỉ còn nước phá sản, họ (thực chất là Audi) đã tạo ra một thiết kế pin và dây đeo cực kỳ thông minh trên chiếc máy ảnh mirrorless Leica T. Thay vì phải vật lộn với hàng đống nắp, khóa ngàm và dây cực kỳ phức tạp thì bạn chỉ mất 1 giây để tháo lắp pin, 2 giây để lắp dây đeo máy ảnh. Nhìn chung, không chỉ phụ kiện mà toàn bộ những thao tác điều khiển và sử dụng trên Leica T đều đưa về mức đơn giản nhất mà ai cũng có thể sử dụng được.
Chúng ta đã nói nhiều về giao diện chụp ảnh của Leica T rồi nên mình sẽ nó về thiết kế và chế tạo trước, chia sẻ nhiều hơn về cảm giác khi cầm hay tương tác với máy. Rất tiếc do máy của cửa hàng nên chúng ta cũng chưa thể chụp thử tấm hình nào để xem chất lượng mà phải chờ máy mẫu của Leica Việt Nam. Ở dưới cũng có một số hình ảnh so sánh T và M9-P để các bạn tham khảo.
Khi nhìn vào Leica T, nhiều bạn sẽ nghĩ nó hơi hơi giống Galaxy Camera của Samsung nhưng thực chất thì 2 sản phẩm này khác biệt rất rất nhiều về cả thiết kế và tính năng. Là sản phẩm do hãng xe danh tiếng Audi thiết kế, Leica T cứng cáp và xịn hơn rất nhiều. Máy cũng quá đơn giản so với những đường nét phức tạp của các xe Audi. Trên thực tế thì Leica đã tạo ra T từ một khối nhôm đặc hình chữ nhật dày hơn chiều dày của T, dùng máy CNC khoét sâu vào trong với độ chính xác cực kỳ cao. Sau đó, các nhân viên của hãng ở Đức sẽ đánh bóng từng góc cạnh nhỏ một do máy không thể đạt đến mức chế tạo tinh xảo đó. Tiếp đến, các linh kiện được đưa vào trong bộ khung lớn này rồi đẩy màn hình vào phía bên ngoài từ góc bên tay phải. Sau đó, Leica sẽ lắp các nắp che bên ở khu vực bên phải máy để hoàn thiện sản phẩm này. Với công đoạn chế tác cầu kỳ như vậy thì không ngạc nhiên khi giá của T lên đến hơn 2000$, rẻ hơn đáng kể so với M nhưng vẫn quá tầm với của hầu hết người dùng.
Đây là tấm mình chụp ở Leica Boutique tuần trước, bên trái là khối nhôm mà tự đó họ khoét thành khung Leica T, giữa là khung máy và phải là Leica M2 đã sống được hơn 50 năm và vẫn chạy tốt
Nếu bạn thích nấu ăn thì sẽ hiểu rõ về triết lý của Leica. Nếu như các món ăn Âu Mỹ thường cố gắng giữ nguyên vị của nguyên liệu gốc, gia vị chỉ bổ trợ để nâng tầm cho nguyên liệu chính thì món ăn Á thường dùng nhiều gia vị át đi mùi của món chính. Leica rõ ràng là một công ty châu Âu và họ không dùng nhiều chi tiết màu mè trên T nhưng mỗi một chi tiết là kết tinh của quá trình chế tạo thật sự tinh xảo và được cân nhắc kỹ. Nói nôm na là chém nhát nào là sắc nhát đó.
Như đã nói, Leica không can thiệp nhiều vào T nên họ vẫn để những cạnh viền của máy rất sắc, tuy đã đánh bát sơ qua nhưng nó vẫn hơi khó chịu khi sờ vào, ít ra là đối với mình. Mặt khác, cảm giác cầm vào khối kim loại sẽ không thân thiện như da mà Leica hay sử dụng trên các máy M nhưng nó rất liền lạc và cứng. Mình có cơ hội được cầm vào bộ khung Leica T khi tham quan Leica Boutique tuần trước nên nhận thấy rất rõ cảm giác này.
Các cạnh T vẫn khá sắc dù đã được mài sơ qua
Leica T thật sự là một chiếc máy khác biệt hoàn toàn về cách điều khiển. Chưa bàn đến việc nó có tiện lợi hay không; nhưng rõ ràng Leica đã có những đổi mới mang tính bước ngoặt trên T. Các máy Leica thường không nhạy khi xem lại hình hay duyệt menu mà nó chỉ nhạy khi chụp và điều đó đã đổi trên T. Chiếc máy này phản ứng rất nhanh, tuy vẫn hơi giựt ở một số trường hợp nhưng vẫn chấp nhận được. Hơn nữa, cơ chế điều khiển rất thông minh của máy đã bù lại được những nhược điểm này.
Máy chỉ có 2 nút bấm duy nhất, cảm giác cò của T cũng như các máy khác mà không còn cảm giác cực kỳ tự tin trên M9
Trên T chỉ có 2 nút bấm duy nhất: nút chụp hình và nút quay phim. Trên nút chụp hình là một cần gạt chuyển đổi giữa tắt, mở và bật đèn flash cóc. Ngoài ra, chúng ta còn có 2 con quay biến thiên theo chế độ. Lấy ví dụ nếu ở chế độ A thì một con quay sẽ điều khiển khẩu độ và con còn lại là ISO. Nếu muốn thay đổi các thông số khác như cân bằng trắng hay chế độ lấy nét… bạn chỉ cần 1 nút bấm phía bên phải trên màn hình cảm ứng là đã có thể thay đổi.
Có thể thấy cách thiết kế menu của Leica hoàn toàn đạp đổ những gì truyền thống của hãng. Hầu hết các nhà sản xuất khác vẫn còn phải vướng bận với những hàng nút và tối ưu hóa cho điều khiển bằng viewfinder trong khi Leica quyết tâm đeo đuổi cảm ứng hoàn toàn bằng cách xóa bỏ hết làm lại từ đầu. Nếu bạn là một người dùng thích không cần suy nghĩ như kiểu sử dụng DSLR thì chưa chắc Leica T đã hợp nhưng với những ai mới hay thế hệ trẻ quen thuộc với smartphone sẽ vui vẻ với T hơn.
Nút tháo ống kính, bạn buộc phải nhấn nút này để tháo ống kính, kể cả nắp che cảm biến
Ống kính 23mm f2.0, sản xuất ở Nhật để “tiết kiệm chi phí”, rất shock
Tháo nắp che ống kính nó sẽ như thế này đây
Cảm biến APS-C, bằng Leica X1/X2
Nút này dùng để gắn dây, cứ cắm vào là được, rất tuyệt
Mặt dưới của máy cũng chỉ có 1 cần gạt duy nhất để đẩy pin ra
Pin do Panasonic làm
Chỉ có 985mAh
Mặt sau cực kỳ đơn giản với màn hình cảm ứng chiếm toàn bộ
Nhưng diện tích hiển thị lại hơi nhỏ vì viền quá dày
Khe cắm thẻ SD và cổng giao tiếp Micro USB
Chân đèn bên ngoài và viewfinder
Rõ ràng là T mỏng hơn M9-P khá nhiều
Kể cả mặt sau cũng đơn giản hơn dù M9-P đã rất đơn giản so với các hãng khác
Đỉnh thì lại càng không cần nhắc tới
tinhte.vn