LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia và thường xuyên di chuyển bằng máy bay, bạn sẽ biết rằng chụp ảnh từ máy bay thường rất tráng lệ và khác biệt hoàn toàn so với cảnh ở dưới đất. Nhưng làm cách nào để có được bức ảnh đẹp nhất, nổi bật lên những tấm “snapshot” mà bất cứ ai cũng có thể chụp được từ smartphone?
Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Chọn đúng ghế ngồi trên máy bay
Đảo Baffin lúc hoàng hôn: f/1.7, 1/50 giây, ISO800.
Có lẽ không cần nói bạn cũng biết rằng ghế tốt nhất để chụp cảnh vật bên ngoài máy bay là ghế gần với cửa sổ nhất. Nhưng số hàng cũng là một yếu tố quan trọng, vì nếu chọn sai chỗ bạn có ngồi ngay bên cạnh cánh máy bay, chắn tất cả tầm nhìn bên ngoài. Ví dụ với chiếc Boeing 737, bạn nên chọn hàng ghế cách cánh máy bay khoảng 4 hàng, cụ thể là hàng 6 – 9 ở hạng thường và 1 – 4 ở hạng thương gia.
Hoàng hôn trên phía nam bang Washington: f/4, 1/80 giây. ISO100.
Cũng không nên chọn hàng ghế quá thấp, vì thành phần cân bằng của máy bay cũng có thể chắn cảnh vật, ngoài ra hơi nóng từ động cơ sẽ làm ảnh của bạn bị mờ. Việc chọn hàng ghế cần phải được làm từ sớm, cũng giống như chọn hàng ghế đẹp trong rạp chiếu phim vậy!
Nếu như biết trước được đường đi của máy bay, bạn sẽ có thể biết được những cảnh đẹp mà mình sẽ đi qua để chụp ảnh. Có một vài cách để làm điều này, trong đó dễ dàng nhất là Google Maps, hoặc tra số hiệu máy bay bằng Flightaware.com.
Cảnh hoàng hôn của núi Adams ở bang Washington; ghép 2 ảnh để tạo Panorama, f/1.7, 1/80 giây, ISO100.
Bạn cũng cần phải biết mình đang ngồi ở bên trái hay phải máy bay. Ví dụ như trong chuyến bay từ Seattle tới Phoenix, nếu ngồi ở bên phải thì bạn có thể chụp dãy núi lửa phía nam Washington và vùng Oregon, còn ở bên trái bạn sẽ chụp được núi Rainier và Grand Canyon.
Sương chiều tại Grand Canyon; f/4, 1/800 giây. ISO100.
Ánh sáng rất quan trọng với nhiếp ảnh, nên bạn cần biết rằng mình sẽ di chuyển bằng máy bay ở ban ngày hay ban đêm. Nếu đi vào ban ngày, hãy “chờ trực” sẵn máy ảnh để chụp tất cả cảnh đẹp mà bạn thấy, còn nếu đi vào ban đêm thì tốt nhất bạn nên làm 1 giấc để lấy sức cho ngày hôm sau!
Chụp cực quang trên máy bay khá khó khăn vì có nhiều chuyển động: f/1.7, 2.5 giây, ISO 3200.
Trừ khi máy bay của bạn đi vào những vùng có cực quang! Trong một lần đi từ Seattle tới London, tôi chụp được một bức ảnh cực quang rất đẹp mắt, với kỹ thuật phơi sáng 2.5 giây và ISO cao 3200.
Đường chân trời của Chicago khi đến Sân bay Quốc tế O’Hare lúc hoàng hôn; f/1.7, 1/80 giây, ISO100.
Khi chụp ảnh ban ngày, nguồn sáng chính của bạn khi chụp từ máy bay sẽ là mặt trời. Bạn nên biết mặt trời đang ở hướng nào, để tránh việc nó rọi thẳng ánh sáng vào máy bay, sẽ có thể tạo ra vệt chói qua cửa kính. Trừ khi bạn muốn chụp được cảnh hoàng hôn hoặc bình minh, lúc này bạn cần chọn giờ bay một cách chính xác để chụp được những cảnh đó.
Mỗi người sẽ có một “set-up” riêng cho mình. Đối với tôi thì đó là một chiếc máy ảnh Pentax K-1 Mark II cùng ống kính lấy nét tay 50mm f/1.7 Rikenon. Bộ chụp ảnh này đủ nhỏ gọn để tôi thoải mái chụp ảnh trên máy bay, cùng với đó khẩu độ lớn f/1.7 giúp tôi có thể đặt mức ISO thấp (giảm nhiễu) và chụp với tốc độ màn chập nhanh hơn (giảm rung lắc). Nếu có máy ảnh với độ phân giải cao thì hãy thử sử dụng nó, vì ảnh càng nét thì bạn sẽ càng dễ dàng cắt, zoom trong quá trình hậu kỳ.
Cơn bão nhiệt đới càn quét Louisiana và Texas vào 2019: f/4, 1/125 giây, ISO100.
Về ống kính, lời khuyên của tôi là sử dụng tiêu cự 50mm. Loại ống kính này có góc nhìn đủ hẹp để không chụp khung viền xung quanh cửa kính máy bay, nhưng cũng đủ rộng để chụp cảnh vật bên ngoài. Bạn có thể thay thế bằng ống kính 24 – 70mm f/2.8 nhưng nó sẽ cồng kềnh, nặng hơn.
Sử dụng tiêu cự 200mm trên ống kính 70-200mm để chụp núi Grand Tetons; f/8, 1/200 giây., ISO100.
Có 1 số cảnh ở xa bạn cũng có thể sử dụng một ống kính 70-200mm f/2.8, nhưng cũng giống với ống kính 24 – 70mm f/2.8 thì sẽ rất to và nặng, sử dụng trên máy bay sẽ không thuận tiện bằng ống kính 50mm.
Chụp ảnh trên không cũng giống với chụp ảnh dưới đất, bạn có thể áp dụng các quy tắc nhiếp ảnh để giúp ảnh đẹp hơn như “quy tắc đường dẫn” hay “quy tắc phần 3”. Tuy vậy chụp ảnh trên máy bay cũng sẽ khó cân chỉnh góc chụp hơn vì bạn chỉ có thể chụp qua một cửa sổ nhỏ, tất cả những gì bạn có thể làm là di chuyển máy lên, xuống, trái, phải 1 chút để ảnh thuận mắt hơn.
Ảnh chụp ở phía nam Greenland: f/8, 1/80 giây., ISO100.
Nếu như bạn có máy ảnh độ phân giải cao như đã đề cập ở trên, việc cân chỉnh góc sẽ dễ hơn 1 chút vì bạn có thể cắt nhỏ ảnh trong phần mềm hậu kỳ. Nhưng việc chọn góc chuẩn ngay từ khi chụp vẫn quan trọng hơn.
Bờ sông Boston được chụp khi cất cánh từ Sân bay Quốc tế Logan; f/1.7, 1/400 giây, ISO200.
Bạn có thể chụp những bức ảnh khi máy bay cất hoặc hạ cánh, sẽ có những cảnh đẹp hơn so với lúc nó đang bay. Hãy nhớ đặt tốc độ chụp thật nhanh (cao hơn 1/250 giây) để tránh việc ảnh bị mờ do rung lắc.
Để có được những bức ảnh đẹp nhất, bạn cần sử dụng các phần mềm hậu kỳ để loại bỏ lớp mờ từ cửa kính may bay cũng như trong không khí. Tôi sử dụng kết hợp các phần mềm bao gồm Adobe Camera Raw, Photoshop và Nik Silver Efex Pro.
Giảm lượng sáng và tăng tương phản.
Tăng tương phản bằng Histogram.
Dùng Silver Efex để làm nổi bật những mảng màu đen và trắng.
Chuyển lớp Silver Efex vào Photoshop.
Chuyển chế độ trộn lớp thành “Độ sáng”, sau đó điều chỉnh màu sắc theo ý thích của bạn.
Mong rằng những lời khuyên phía trên sẽ giúp bạn chụp được những ảnh từ máy bay “để đời”!
Theo nhiếp ảnh gia Curtis W. Smith tại Petapixel