LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Kính lúp không chỉ là dụng cụ thiết yếu cho các tay thám tử dũng cảm, các nhà côn trùng học hoặc các ông bà già mắt kém, nó còn là một đạo cụ giúp bạn chụp được những bức ảnh đẹp và độc.
Nếu bạn ghép một ống kính chụp ảnh thông thường với một kính lúp thì có lẽ nó không phải là một ống kính chụp macro hoàn hảo nhưng lại là một cặp kính hữu dụng để khai thác những hiệu ứng quang học độc đáo.
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm chụp với kính lúp của tác giả Megan Kennedy đăng trên trang Digital Photography School.
Điều đầu tiên phải nhớ khi sử dụng kỹ thuật này là: loại kính được dùng để sản xuất kính lúp có chất lượng kém xa loại kính được dùng bên trong máy ảnh của bạn.
Bản chất của loại thuỷ tinh quang học rẻ tiền là sẽ tạo cho hình ảnh hơi bị bệt (soft), do đó bạn sẽ cần phải chỉnh nét cho ảnh ở khâu hậu kỳ (có thể dùng Photoshop hoặc Camera Raw).
Nhưng đừng lo nếu bạn không thể đạt được độ nét sắc sảo như mong muốn, độ soft của ảnh cũng là hiệu ứng “hay hay” khi chụp với đạo cụ này.
Bạn cũng nhớ phải sử dụng chân máy. Không có tripod thì chỉ một rung động nhẹ cũng sẽ tạo thêm khó khăn cho khâu hậu kỳ.
Ở bài viết này, tác giả Megan Kennedy chọn đối tượng là các loại hoa có màu sắc sặc sỡ và các bông hoa đang đứng yên.
Bạn có thể chọn những đối tượng không di chuyển khác.
Chiếc lá này được chụp khi đang dựa vào một cửa sổ với ánh nắng chiều đổ xuống từ phía sau. Ánh sáng chiếu lên các gân lá và chiếc kính lúp giúp chụp lại được chi tiết từng sợi gân lá. Ảnh: Megan Kennedy
Độ phóng đại sẽ phụ thuộc vào khoảng cách giữa kính lúp với đối tượng chụp hoặc với camera, do đó bạn phải thử nghiệm chụp các góc và các khoảng cách khác nhau để tạo các hiệu ứng ánh sáng và bokeh.
Trước hết, lau sạch phần thuỷ tinh của kính lúp bằng khăn để đảm bảo sạch bụi. Khéo léo căn chỉnh máy ảnh hướng lại gần đối tượng chụp.
Nếu bạn đang dùng ống kính zoom thì hãy phóng to nhất có thể. Tiêu cự của bạn sẽ dễ bị “loạn” khi có thêm một thấu kính nữa chèn vào giữa ống kính máy ảnh và vật được chụp, do đó bạn cần cài đặt máy ảnh về chế độ lấy nét bằng tay.
Bạn cầm và giơ chiếc kính lúp lên phía trước ống kính máy ảnh.
Lưu ý rằng: Kính lúp sẽ làm cho đối tượng chụp của bạn dường như gần hơn và nằm ra ngoài vùng lấy nét.
Một tay bạn sẽ cần điều chỉnh tiêu cự và lấy nét bằng tay, còn tay kia thì dịch chuyển kính lúp ra xa hoặc lại gần trong khoảng cách từ máy ảnh đến vật.
Cố gắng tìm được một điểm mà một phần hoặc toàn bộ hình ảnh được cơ bản lấy nét nhưng đồng thời vẫn thể hiện được chiếc kính lúp đã tác động đến bức ảnh chụp của bạn như thế nào, mang lại hiệu ứng đặc biệt ra sao.
Kết quả thường là sẽ làm bạn ngạc nhiên.
Cũng cần lưu ý là: việc thêm vào một lớp kính nữa sẽ làm giảm lượng ánh sáng đến được với cảm biến máy ảnh, nên bạn sẽ cần phải chỉnh bù sáng sao cho phù hợp với ánh sáng xung quanh.
Đừng quên thử nghiệm với độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DoF) bằng cách điều chỉnh khẩu độ. Việc điều chỉnh khẩu độ tăng giảm cũng sẽ mang lại những sắc thái mới mẻ cho bức ảnh của bạn.
Kỹ thuật này sẽ mang lại cho bạn những “phần thưởng” xứng đáng. Một khi bạn đã thành thạo chụp ảnh với một chiếc kính lúp, bạn có thể thử thêm với 2 chiếc kính lúp để tăng thêm độ phóng đại.
Hoặc bạn cũng có thể thử chụp bạn bè, vật nuôi. Hoặc tại sao không thử dùng vành kính lúp để tạo hiệu ứng đóng khung hình tròn?
Chỉ cần một chỉnh sửa rất nhỏ ở góc chụp hoặc khoảng cách là có thể mang lại những kết quả thú vị và độc đáo. Hãy thử để hưởng thụ niềm vui này nhé.
Thử nghiệm với ảnh chụp trắng đen để nhấn mạnh hình dạng.
Gắn hai kính lúp với nhau để tăng thêm độ phóng đại.
Tạo ra hiệu ứng “đóng khung” độc đáo bằng cách đưa vành kính lúp vào ảnh.
Sau khi đã chụp tốt vật đứng yên, tại sao lại không thử với những thứ “động” hơn?
Theo: vnreview.vn