LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Ngay cả khi độ phơi sáng đúng thì những bức ảnh của bạn vẫn có thể bị “cháy sáng”, hoặc đen thui, hay thậm chí còn tệ hơn thế. Nhưng đừng vội lo lắng, bởi vấn đề này có thể được giải quyết bởi kỹ thuật xử lý HDR.
Canon EOS 6D, EF35mm f/1.4L USM, f/5.6, ISO 100 của Andreas Samuelsson
Có thể bạn đã từng nghe về HDR, nhưng bạn có hiểu đó là gì không? HDR là viết tắt của ba từ High Dynamic Range (dải tương phản động mở rộng), là một kỹ thuật giúp bạn tạo ra được những bức ảnh ấn tượng có các chi tiết với độ trong và nét đáng ngạc nhiên. Dải tương phản động ám chỉ sự tương phản giữa vùng sáng nhất và tối nhất trong bức ảnh của bạn.
Những hình ảnh HDR thường được tạo ra bằng cách chụp từ ba tấm ảnh giống nhau ở chế độ Bracket (chế độ chụp nhiều hình có thời gian phơi sáng khác nhau) trở lên, điều này có nghĩa là mỗi tấm ảnh sẽ được chụp với tốc độ khác nhau hoặc độ mở ống kính khác nhau. Cảnh càng có độ tương phản lớn thì bạn càng cần phải chụp nhiều tấm hình. Cuối cùng bạn sẽ có được những bức ảnh tối và sáng, phụ thuộc vào lượng ánh sáng đi vào ống kính. Sau đó bạn dùng phần mềm để kết hợp tất cả các bức ảnh vừa chụp nhằm tạo ra tác phẩm cuối cùng trông giống thật như khi bạn nhìn cảnh vật tận mắt.
Bạn cần có máy ảnh với chức năng Auto Exposure Bracketing (AEB) (tự động chụp nhiều hình với thời gian phơi sáng khác nhau). Nếu bạn không dùng cách đó, thì bạn cần phải điều chỉnh thiết lập của máy ảnh bằng tay trong khi chụp. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải di chuyển máy ảnh – vừa tốn thời gian mà có thể vật chụp của bạn sẽ không ở đúng vị trí như ban đầu.
Đừng quên sử dụng giá đỡ ba chân để giúp bạn ngắm thẳng những bức hình bởi HDR không áp dụng cho những vật chuyển động. Mặc dù phần mềm xử lý HDR cũng có chức năng căn chỉnh hình ảnh, nhưng bạn cũng nên đảm bảo cho các tấm hình của mình ổn định trong khi chụp.
Cuối cùng, bạn nên chọn phần mềm HDR nào? Có rất nhiều phần mềm, trong đó có những loại thịnh hành như Photomatix Pro, Luminance HDR và Photoshop. Nhưng điều cần nhớ là phần mềm HDR có nhiều lựa chọn thanh trượt giúp bạn điều chỉnh được hiệu ứng ánh xạ tông màu (tone-mapping) theo sở thích của bạn.
Hãy tìm kiếm những khung cảnh và mẫu chụp có độ tương phản cao giữa các vùng sáng và tối. Một ví dụ điển hình là khung cảnh thiên nhiên rộng lớn có sự tương phản lớn giữa bầu trời và mặt đất. Với bối cảnh này, kỹ thuật HDR cho phép bạn chụp được những chi tiết của bầu trời mà không làm ảnh hưởng tới chi tiết của mặt đất.
Canon EOS 6D, EF16-35mm f/2.8L II USM, f/2.8, 1/125, ISO 800 của Ken Thomann.
Chụp những bức ảnh chân dung khi trời nắng có thể rất khó khăn. Nếu có quá nhiều ánh sáng chiếu vào khuôn mặt mẫu chụp thì có thể sẽ tạo ra các vùng tối màu hoặc bị lóa – nhưng kỹ thuật HDR có thể giúp cải thiện tấm hình của bạn. Nếu có quá nhiều ánh sáng ở đằng sau thì bạn nên dùng HDR để làm sáng tiền cảnh mà không phải giảm bớt tỉ lệ sáng của bức ảnh.
Canon EOS 5D Mark II, EF17-40mm f/4L USM, f/4.0, 1/250, ISO 640 của Patrick Criollo
Bạn nên chụp ảnh dưới định dạng RAW càng nhiều càng tốt để tăng độ linh hoạt và sắc thái của bức ảnh. Đó là bởi vì định dạng JPEG thường bị nén để giảm kích thước ảnh nên có thể sẽ làm mất một vài chi tiết.
Cuối cùng, những mẹo trên đây chỉ là hướng dẫn chung cho những ai muốn bắt đầu với kỹ thuật này. Cách tốt nhất để bạn làm chủ nghệ thuật HDR chính là thử nghiệm với nhiều khung cảnh và ánh sáng khác nhau. Luyện tập là yếu tố quyết định, giúp bạn tự tin bước ra và bắt đầu bấm máy nào.
Canon EOS 5D Mark II, EF16-35mm f/2.8L II USM, f/16, 1/13, ISO 50 của Ken Thomann
Azmin Zainal