LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Khi đến thăm bảo tàng nghệ thuật hoặc các triển lãm ảnh, có thể bạn sẽ nhìn thấy những tấm ảnh chụp nằm ngang với góc nhìn rất rộng. Đây là thể loại ảnh mà người ta gọi là ảnh toàn cảnh (panorama). Mình sẽ hướng dẫn bạn cách chụp và xử lý hậu kỳ ảnh toàn cảnh qua bài viết trên trang Digital Photography School.
Rất nhiều người nghĩ rằng để chụp được những tấm ảnh toàn cảnh với góc nhìn trải rộng, người chụp phải cần đến những chiếc máy ảnh với ống kính chuyên dụng. Tuy nhiên, thực tế với bất kỳ máy ảnh nào bạn cũng có thể chụp được ảnh toàn cảnh. Thậm chí, ngay trên điện thoại thông minh cũng có những ứng dụng cho phép bạn chụp được ảnh toàn cảnh chỉ bằng một thao tác lia tay. Nếu bạn biết cách tự chụp ảnh toàn cảnh và xử lý hậu kỳ theo sự sáng tạo của mình thì bạn sẽ có những tấm ảnh đẹp như ý.
Một ảnh toàn cảnh là sự kết hợp của nhiều tấm ảnh chụp liên tiếp, trong đó hai tấm ảnh gần nhau phải có độ chồng hình ít nhất là 20%. Những tấm ảnh chụp liên tiếp này được nối với nhau thành ảnh toàn cảnh nhờ một phần mềm chuyên dụng. Khi chụp ảnh toàn cảnh, điều quan trọng là phải tạo ra được sự ăn khớp giữa các tấm ảnh. Lúc đó phần mềm mới nhận ra được đâu là điểm chung của những cảnh vật trong các bức ảnh để nối chúng lại với nhau.
Trước khi bấm máy, bạn cần phải có sự chuẩn bị tốt về phương tiện cũng như cảnh vật định chụp. Dưới đây là một vài lưu ý trước khi bấm máy:
Vì ảnh toàn cảnh được chụp theo một góc nhìn trải rộng từ chỗ này qua chỗ kia nên điều kiện ánh sáng có thể sẽ khác nhau. Bắt buộc bạn phải sử dụng chế độ điều chỉnh khẩu độ bằng tay để thu được những tấm ảnh với độ phơi sáng chuẩn xác cũng như độ nét trải đều trên toàn cảnh. Nếu bạn chụp bằng chế độ Tự động (Automatic) hoặc Bán tự động thì sẽ thu được những tấm ảnh với độ phơi sáng khác nhau. Đến khi kết hợp chúng lại thành một ảnh toàn cảnh nhìn sẽ rất kỳ cục vì độ sáng và màu sắc không giống nhau.
Nếu file ảnh bạn thường chụp có đuôi RAW thì khi chụp toàn cảnh bạn nên cài đặt lại thành JPEG. File ảnh đuôi RAW nói chung rất tốt, nhưng bởi vì chúng ta không chỉnh sửa các tấm ảnh riêng lẻ nên file RAW không hữu dụng bằng JPEG. Khi chụp ảnh với file kết xuất là JPEG, bạn sẽ giảm được độ trễ của cửa trập, đồng thời phần mềm ghép ảnh toàn cảnh dễ làm việc với file JPEG hơn. Chú ý duy nhất khi chụp ảnh JPEG là làm sao điều chỉnh được độ phơi sáng chuẩn xác nhất.
Nếu việc mang vác chân máy không gây trở ngại với bạn, thì khi chụp toàn cảnh bạn nên dùng chân máy. Nhưng có những lúc không có chân máy thì bắt buộc bạn phải tự xoay sở với đôi tay của mình. Hay giữ tư thế chụp thật vững vàng, hoặc bạn có thể tận dụng túi đeo máy ảnh hoặc một vật cứng gì đó, đặt máy ảnh lên trên và chụp sẽ tránh được rung máy.
Khi chụp ảnh góc rộng chúng ta thường có thói quen chụp theo chiều ngang. Nhưng với ảnh toàn cảnh, chụp ngang sẽ khiến cho ảnh bị thiếu chiều cao sau khi ghép các ảnh con lại với nhau. Hơn thế nữa, trong quá trình ghép ảnh sẽ có rất nhiều vùng thừa hoặc trống cần phải cắt đi. Đó chính là nguyên nhân làm giảm chiều cao của tấm ảnh toàn cảnh. Để khắc phục vấn đề này bạn nên chụp các ảnh con theo chiều dọc. Kết quả là bạn sẽ có được một tấm ảnh toàn cảnh với chiều cao tốt hơn, sau này khi chỉnh sửa hậu kỳ bạn có thể cắt cúp tùy ý. Nhìn cũng thẩm mỹ hơn và khi in ảnh cũng đẹp hơn.
Bạn phải bấm máy thật nhanh bởi vì ánh sáng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chẳng hạn một đám mây trôi qua mặt trời sẽ khiến cho cảnh vật bất ngờ tối lại. Hoặc khi bạn chụp cuộc sống sôi động của thành phố, một bãi biển đông đúc nhiều người hoặc một cảnh vật có nhiều đối tượng chuyển động, bạn sẽ phải bấm máy thật nhanh để ảnh toàn cảnh không bị mất đi tính logic. Nếu bạn bấm máy quá chậm, bạn sẽ thấy các đối tượng chuyển động như con người, xe hơi, xe đạp sẽ bị nhân đôi trong tấm ảnh toàn cảnh.
Bạn hãy tìm vị trí đứng chụp thích hợp, sau đó lên kế hoạch sẽ chụp bao nhiêu tấm ảnh con. Nó sẽ giúp bạn kiểm soát được số lần chụp thay vì bấm máy ngẫu nhiên. Ướm thử các góc máy.
Khi bạn đã sẵn sàng, hãy chụp từ trái qua phải. Phải chụp sao để hai tấm ảnh gần nhau có độ chồng hình ít nhất 20%. Bạn chỉ cần ước lượng bằng mắt là được. Nhìn qua kính ngắm và bấm máy. Đừng xem ngay ảnh vừa chụp trên màn hình LCD mà chụp xong tất cả rồi hãy xem lại. Sau khi xem lại loạt ảnh vừa chụp, nếu bạn thấy chưa ưng ý, hãy tiến hành chụp lại từ đầu.
Bước tiếp theo là ghép các ảnh lại để tạo ra tấm ảnh toàn cảnh. Có rất nhiều phần mềm ghép ảnh sẵn có trên Internet hỗ trợ bạn thực hiện công việc này. Quá trình ghép ảnh của các phần mềm nói chung là tương tự nhau. Ở đây chúng ta sẽ dùng một phần mềm phổ biến là Adobe Photoshop. Quá trình ghép ảnh ở Adobe Photoshop được tự động hoàn toàn.
Nếu bạn chụp nhiều loạt ảnh toàn cảnh, để dễ phân biệt bạn nên lưu trữ ở những thư mục khác nhau. Với các file ảnh đuôi RAW hoặc JPEG, chú ý đừng chỉnh sửa từng ảnh riêng biệt trước khi tiến hành ghép.
– Mở Photoshop
– Chọn File – Automate – Photomerge
– “Auto” ở đây là lựa chọn kiểu trình bày ngầm định. Photoshop sẽ phân tích các ảnh gốc để chọn kiểu trình bày Perspective (phối cảnh), Cylindrical (hình trụ) hoặc Spherical (hình cầu), nhằm cho ra một bức ảnh ghép tốt nhất. Bạn hãy chọn “Auto” nếu nó không được đặt ngầm định.
– Đánh dấu vào “Blend Image Together”.
– Chọn “Browse” và tìm đến thư mục chứa loạt ảnh cần ghép. Chọn và bấm OK.
– Tùy theo số lượng và kích thước loạt ảnh mà thời gian ghép ảnh diễn ra nhanh hay chậm.
– Sau khi ảnh ghép xong bạn sẽ thấy xuất hiện những vùng thừa (như hình minh họa).
– Bấm chuột phải vào thẻ Layer và bấm tiếp vào Merge Layers.
– Dùng công cụ Crop (Cắt) để loại bỏ các vùng thừa trên tấm ảnh.
Đây là tấm ảnh toàn cảnh sau khi được xử lý hậu kỳ:
Một vài phần mềm ghép ảnh toàn cảnh:
– AutoStitch
– pTGui
– Hugin
– Autopano
– Microsoft Image Composite Editor
Đăng Khoa
Theo Digital Photography School