LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Trước khi Brownie xuất hiện vào năm 1900, máy ảnh là thiết bị rất cồng kềnh và khó sử dụng.
Các loại máy ảnh đời đầu thường được chế tạo từ đồng và gỗ, to và nặng. Hình ảnh sẽ được ghi lại qua một tấm kính hoặc đĩa kim loại lớn, với thời gian phơi sáng tính bằng phút.
Khi chụp ảnh ở những nơi xa xôi, các nhiếp ảnh gia còn phải bỏ tiền thuê người chở thiết bị đi cùng mình. Nhiếp ảnh giai đoạn đó được ví như một hoạt động cần sự kiên nhẫn tối đa. Nhiếp ảnh gia phải chấp nhận tiếp xúc với hóa chất độc hại. Họ cũng cần phải có sức mạnh cơ bắp hơn người để sử dụng thiết bị của mình. Rõ ràng, nhiếp ảnh thuở ban đầu không dành cho số đông.
Máy ảnh Brownie đã đưa nhiếp ảnh tới với đại chúng
Năm 1880, nhà phát minh người Mỹ George Eastman đã tạo bước đột phá quan trọng khi cho ra đời một loại phim âm bản màng giấy mềm. Chiếc máy ảnh hoạt động dựa trên loại phim mới có tên Kodak Camera bắt đầu được tung ra thị trường vào năm 1888. Trong máy có chứa sẵn lượng phim đủ để chụp 100 bức ảnh. Khi chụp tới tấm phim cuối cùng, nhiếp ảnh gia phải gửi nguyên chiếc máy về lại hãng Kodak để tráng rửa phim.
Về cơ bản, Kodak Camera là một chiếc hộp không quá phức tạp nhưng có giá tới 25 USD – một số tiền không nhỏ vào thời điểm đó. Và như thế, nhiếp ảnh vẫn chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu.
Cuộc cách mạng thực sự chỉ đến 12 năm sau đó. Máy ảnh Kodak Brownie, do Edward Brownell thiết kế, trông giống hệt chiếc máy Kodak đời trước, nhưng cuộn phim có thể được lấy ra khỏi máy ảnh sau khi chụp và rửa tại các cửa hàng của Kodak. Người chụp thậm chí có thể tự rửa ảnh tại nhà họ.
Điều quan trọng là Kodak bán chiếc máy ảnh này với giá chỉ 1 USD, rất rẻ. Chi phí đầu tư máy ảnh, một cuộn phim và công xử lý cuộn phim chỉ là 2 USD. Việc này biến nhiếp ảnh trở thành thứ nằm trong tầm với của rất nhiều người.
Brownie được đánh giá là dễ sử dụng hơn nhiều các máy ảnh trước đây, dù chỉ có một tốc độ cửa chập và khẩu độ tương đối hẹp. Máy Brownie đời đầu thậm chí còn không thể điều chỉnh các ống kính để lấy nét và chỉ có ống ngắm cơ bản.
Một trong các bức ảnh Berry Ottaway chụp bằng máy ảnh Brownie vào năm 1918
“Các máy ảnh Brownie đã phổ cập nghệ thuật nhiếp ảnh, chỉ nhờ doanh số bán hàng lớn tuyệt đối” – Tiến sĩ Michael Pritchard, Chủ tịch Hội ảnh Hoàng gia Anh, đồng thời là tác giả cuốn Lịch sử nhiếp ảnh qua 50 chiếc máy ảnh, được phát hành hồi tháng 11 vừa qua, cho biết. Theo ông, việc máy ảnh Brownie có giá rẻ, kết hợp với việc Kodak cung cấp khả năng rửa và in ấn ảnh, đã khiến nhiếp ảnh trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người dân, không phân biệt tầng lớp xã hội hay kỹ năng chụp ảnh.
Brownie còn được hỗ trợ bởi một loạt các phụ kiện, từ những quyển album đựng ảnh cho tới các bộ dụng cụ dùng tại nhà. Việc này nằm trong động thái của Kodak nhằm phát đi thông điệp rằng nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật dành cho đại chúng. “Các cuộc thi và CLB dành cho người dùng máy ảnh Brownie đã giúp củng cố nhận thức này trong công chúng” – Pritchard nói.
Brownie còn hướng tới đối tượng trẻ em, bên cạnh các phân khúc khách hàng khác. “Trồng một hạt giống Brownie và cả cây sồi Kodak sẽ phát triển” – khẩu hiệu này đã từng được lan truyền rộng rãi thời bấy giờ. Những máy ảnh Brownie cục mịch, được trang trí với hình ảnh các nhân vật hoạt hình, đã trở thành món đồ yêu thích của trẻ em.
Động lực sáng tạo đằng sau một sản phẩm mang tính cách mạng như Brownie thực ra rất đơn giản. Kodak về cơ bản là một công ty sản xuất phim và các máy ảnh kiểu mới với giá thành rẻ sẽ khiến người ta có nhu cầu sử dụng nhiều cuộn phim của hãng. Vì thế, Brownie có thiết kế rất đơn giản nhưng mạnh mẽ. Chúng được chế tạo để song hành cùng với mọi hoạt động thường nhật của người dân. Đây là một hướng kinh doanh mới lạ vào thời điểm ấy.
Trong quá trình tồn tại kéo dài khoảng 8 thập kỷ, có thể nói Brownie đã ghi lại nhiều sự kiện của thế kỷ 20 hơn bất kỳ loại máy ảnh nào khác. Nó đã ở trên SS Carpathia, con tàu nhận lệnh chuyển hướng tới đón những người sống sót từ vụ đắm tàu Titanic. Một người dùng Brownie đã ghi lại cảnh tượng những con người vẫn còn u sầu sau khi được cứu sống. Đây là một trong những hình ảnh hiếm hoi còn lại tới nay về thảm họa Titanic.
Brownie cũng đã ghi lại cuộc sống trong chiến trận. Những chiếc máy ảnh này đủ nhỏ và nhẹ để nằm trong balô của những người lính. Chúng đã giúp họ ghi lại cuộc sống thường nhật trong các chiến hào.
Đầu năm nay, bộ sưu tập ảnh hiếm của Hubert Berry Ottaway, một cựu binh Anh từng sống dưới thời Thế chiến thứ nhất, đã được cháu trai ông tìm thấy trên căn gác xép. Các tấm hình, được chụp bằng máy ảnh Brownie, đã cho thấy các hình ảnh thường nhật trong cuộc sống của một quân nhân, cách đây cả thế kỷ.
Một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất của Anh là Bert Hardy cũng đã chụp hàng loạt bức ảnh nổi tiếng bằng Brownie trong thập niên 1940 và 1950. Điều này cho thấy một nhiếp ảnh gia tài năng không cần tới các thiết bị hiện đại nhất để tạo ra những bức ảnh tuyệt vời.
“Brownie đã trở thành loạt máy ảnh bán chạy nhất mọi thời đại. Cái tên này đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng, dù người ta đã không còn dùng nó để chụp ảnh từ lâu rồi” – Pritchard nói, cho biết tới nay từ “Brownie” vẫn được sử dụng trong giới nhiếp ảnh, dùng để mô tả một loại máy ảnh đơn giản nhưng rất đáng tin cậy.
Vân Anh
Thể thao & Văn hóa