LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Năm 1963, Olympus ra mắt một mẫu máy ảnh SLR chụp phim với tên gọi Pen F. Thời đó, Pen F được ưa chuộng bởi thiết kế bắt mắt và sở hữu cơ cấu gương lật nằm dọc giúp tăng gấp đôi số tấm ảnh có thể chụp trên một cuộn phim – được gọi là chụp half-frame (nửa phim).
Lúc bấy giờ chi phí mua phim rất đắt đỏ, máy ảnh chủ yếu là công cụ của người làm dịch vụ, không phải là sản phẩm đại chúng như bây giờ. Chính vì vậy, việc tiết kiệm chi phí mua phim là một lợi thế rất lớn của Pen F.
Năm 2016, Olympus vượt qua nhiều tên tuổi khác để vươn lên đẫn đầu phân khúc máy ảnh mirrorless tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới đó là Nhật Bản. Theo đó, với mức tăng trưởng 12% về thị phần, Olympus đã giành lại vị trí số 1 từ tay Sony.
Điều đó khiến Olympus vừa tự hào vừa tự tin với dòng sản phẩm máy ảnh không gương lật của hãng… Pen-F phiên bản kỹ thuật số được ra đời trong bối cảnh này, lấy cảm hứng từ Pen F thời chụp phim.
Olympus Pen-F phiên bản kỹ thuật số.
Thiết kế là điều mà người ta nói nhiều nhất về Pen-F. Kiểu dáng của Pen-F rất lạ, có thể nói là của hiếm trong thế giới máy ảnh kỹ thuật số ngày nay. Nếu chỉ nhìn riêng thân máy, Pen-F toát lên một vẻ đẹp đậm chất cổ điển, trong đó nhiều đường nét khá giống máy ảnh rangefinder.
Khi gắn thêm ống kính và lật mở màn hình, bạn sẽ thấy một chiếc máy ảnh hiện đại, trông có vẻ chuyên nghiệp với hệ thống điều khiển phức tạp gồm nhiều nút bấm, lẫy gạt và vòng xoay.
Pen-F được đánh giá là chiếc máy ảnh đẹp nhất của Olympus.
Pen-F có lẽ là chiếc máy ảnh sử dụng nhiều vòng xoay nhất từ trước đến nay. Mới nhìn thì chúng có vẻ hơi rối nhưng thực ra Olympus đã tính toán rất kỹ khi bố trí những vòng xoay này. Vị trí đặt các vòng xoay rất hợp lý, dễ thao tác.
Tùy vào chức năng mà chúng đảm nhận, độ nặng và độ nảy khi xoay là khác nhau. Thậm chí, người dùng có thể điều chỉnh chiều tăng hoặc giảm giá trị khi xoay theo hướng sang trái hoặc phải.
Nếu biết tận dụng điều này, các thông số phơi sáng có thể chỉnh tay rất nhanh, theo một quy tắc cùng chiều do bạn tự cài đặt.
Khi chụp chế độ chỉnh tay hoàn toàn (Manual), tôi cài đặt vòng xoay thứ nhất khi quay sang phải sẽ tăng khẩu độ, vòng xoay thứ hai khi quay sang phải sẽ giảm tốc độ.
Như vậy, bằng cách lướt ngón tay từ trái qua phải đi qua lần lượt hai vòng xoay, tôi sẽ điểu chỉnh được cùng lúc tăng khẩu độ và giảm tốc độ, giúp bảo lưu ánh sáng trong khi độ sâu trường ảnh giảm đi.
Đã từng sử dụng rất nhiều máy ảnh khác nhau nhưng với tôi hệ thống điều khiển trên Pen-F là thuận tiện nhất.
Người dùng muốn cá nhân hóa thao tác máy kiểu gì đi chăng nữa Pen-F cũng có thể đáp ứng, phù hợp với nhiều trường phái nhiếp ảnh khác nhau.
Hệ thống điều khiển của Pen-F có rất nhiều vòng xoay.
_ Thân máy có kích thước rất nhỏ gọn với chiều ngang 124,8mm, chiều cao 72,1mm và chiều sâu 37,3mm. Khung vỏ của máy được làm chủ yếu từ vật liệu kim loại, cho trọng lượng khi lắp pin và thẻ nhớ cùng nhiều ống kính M.Zuiko chưa vượt quá 1kg, đem lại cảm giác cầm rất tốt.
_ Bên cạnh đó, Olympus đã thiết kế riêng một chiếc báng cầm gắn ngoài, nó vừa hỗ trợ tay cầm, vừa có tác dụng chống xước đáy máy.
_ Điểm nhấn trong thiết kế này là một lớp vật liệu da màu đen, da được dán rất khít ở mặt trước và hơi tràn sang hai bên một chút, tô điểm hài hòa với kiểu dáng mang phong cách rangefinder. Pen-F có hai phiên bản màu sắc: đen-bạc và đen tuyền.
_ Nếu không có lý do gì đặc biệt thì bạn nên chọn màu đen-bạc, để sau này khi mua thêm nhiều ống kính dù màu sáng hay tối cũng đều hợp với thân máy.
_ Olympus cho biết, khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của Pen-F kém hơn so với các máy dòng OM-D của hãng. Chất lượng hoàn thiện đến độ kín khít có thể chống nước vốn là điểm mạnh của Olympus nhưng để có được một thiết kế như trên Pen-F đã phải hy sinh điều này.
Công tắc ON/OFF trên Pen-F cũng được thiết kế dạng vòng xoay.
_ Với chất ảnh tối ưu từ hệ thống thân máy và ống kính nhỏ gọn, Olympus được giới nhiếp ảnh trên thế giới đặt cho biệt danh “Leica châu Á”.
_ Sẽ chẳng tự hào gì nếu tên tuổi của bạn được đánh đồng với tên tuổi của một ai đó, nhưng trong trường hợp của Olympus lại là Leica – tượng đài của người Đức hàng trăm năm nay chưa bị xô đổ.
_ Trong ngày trở lại thị trường Việt Nam, đại diện hãng Olympus đã giới thiệu rất nhiều về cảm biến MFT (micro-four-thirds). Tuy kích cỡ cảm biến MFT nhỏ hơn APS-C và full-frame nhưng chất lượng ảnh của nó vẫn “đủ dùng”, trong khi tối ưu được kích thước thân máy. Hệ sinh thái ống kính MFT vì thế cũng nhỏ gọn hơn… kết hợp cùng thân máy gọn nhẹ đem đến trải nghiệm tự do cho người chụp. “Kích thước hợp lý và tỷ lệ 4:3 của cảm biến micro-four-thirds sẽ cho chất lượng hình ảnh tối ưu”, ông Lucas Tan – phụ trách mảng sản phẩm máy ảnh của tập đoàn Olympus – chia sẻ.
_ Pen-F là chiếc máy ảnh mới nhất của Olympus, được trang bị cảm biến 20,3MP kết hợp cùng hệ thống chống rung 5 trục điện từ. Cảm biến này được lược bỏ bộ lọc quang học tần số thấp (low-pass filterless), hỗ trợ phạm vi ISO từ 80 lên tới 25.600.
_ Vi xử lý hình ảnh là TruePic VII, được tối ưu tối ưu hóa độ sắc nét theo các đặc tính quang học của ống kính M.Zuiko, có khả năng khử răng cưa với độ chính xác cao, thay thế bộ lọc quang học tần số thấp. Ngoài ra, vi xử lý này có khả năng tái tạo chính xác những màu sắc được cho là rất khó để tái tạo chẳng hạn như màu xanh ngọc. Bên cạnh đó, nó cho phép người dùng can thiệp sâu, kiểm soát mức độ nén và cách xử lý hình ảnh theo ý muốn.
_ Hệ thống lấy nét của Pen-F gồm 81 điểm nhận diện tương phản, tốc độ chụp liên tiếp 10 hình/giây. Màn hình LCD hỗ trợ cảm ứng, kích cỡ 3 inch và độ phân giải 1.037.000 điểm ảnh. Ống ngắm EVF độ phóng đại 1,08x, độ phân giải 2.360.000 điểm ảnh.
Màn hình của máy có thể xoay lật rất thuận tiện.
_ Qua trải nghiệm, Pen-F cho thấy khả năng chống rung rất tốt, không kém gì các mẫu máy dòng OM-D cùng hãng. Trong quá trình trải nghiệm, tôi chụp nhiều bức ảnh ở tốc độ rất thấp dưới 1/10s nhưng hình vẫn nét, không bị hiện tượng bóng ma hay nhòe.
_ Chế độ cân bằng trắng tự động cho kết quả chính xác, giữ màu trung tính rất tốt trong môi trường nhiều ánh sáng vàng.
_ Tốc độ bắt nét của máy cũng khá nhanh, tuy khả năng bám nét chuyển động chưa thực sự xuất sắc. Bù lại, màn hình cảm ứng cho phép chọn điểm lấy nét khá dễ dàng, khi ngắm chụp qua ống ngắm bạn có thể rê ngón tay trên màn hình cảm ứng để di chuyển điểm lấy nét.
_ Độ sáng màn hình của Pen-F đã được cải thiện rất nhiều, dễ nhìn và ít bị lóa. Khi lật màn hình ra phía trước thì việc selfie khá đơn giản, hình ảnh có thể được đảo chiều để thuận mắt nhìn. Ống ngắm cũng hiển thị rõ nét, góc nhìn rất rộng và gần như không có độ trễ. Các thông tin hiển thị trong ống ngắm có thể tùy chỉnh bao gồm đầy đủ các thông tin như trên màn hình.
Ống ngắm EVF độ phóng đại 1,08x, độ phân giải 2.360.000 điểm ảnh.
_ Ảnh chụp từ Pen-F giàu chi tiết với dải tương phản khá rộng. Nhiễu hạt ở độ nhạy sáng cao tương đối dễ chịu và không gai mắt. Màu sắc giữ được ở mức ISO dưới 12.800 và bị bệt từ 6.400 trở lên.
_ Có một điều bạn sẽ nhận ra đó là độ phân giải càng cao thì ảnh sẽ càng nhiễu. Mức 20MP của Pen-F đủ dùng trong hầu hết trường hợp, khi nào cần độ phân giải cao hơn thì đã có tính năng 50M High Res Shot. Đáng tiếc, dữ liệu file RAW của máy chỉ đạt mức 12-bit.
_ Pen-F cho phép người chụp can thiệp rất sâu và kiểm soát hoàn toàn cách xử lý hình ảnh. Nếu muốn màu ảnh ấm áp, giàu tình cảm bạn hãy chọn chế độ “Keep Warm Color”. Ngược lại, nếu muốn màu ảnh trung tính hãy bỏ chọn chế độ này.
_ Làm như vậy vẫn chưa giúp bạn có được màu sắc ưng ý thì đó là lúc nhờ đến một chức năng gọi là “Colour Profile Control”. Chức năng này cho phép bạn kiểm soát độ bão hòa của 12 kênh màu riêng biệt, đủ giúp bạn tạo ra hình ảnh với tông màu mang phong cách riêng, đúng ý đồ chụp của bạn.
_ Chưa dừng lại ở đó, một chức năng khác gọi là “Highlight & Shadow Control” cho phép bạn điều chỉnh ánh sáng từng vùng, y hệt công cụ Curves trong phần mềm chỉnh sửa ảnh nổi tiếng PHOTOSHOP. Điều đáng nói là tất cả được “gói gọn” trong một lẫy gạt hai chiều nằm ngay dưới vòng xoay chế độ chụp, giúp bạn thao tác rất nhanh khỏi lo phải mò mẫm trong menu của máy.
_ Nếu chưa có nhiều kiến thức để tự điều chỉnh thì bạn cũng đừng vội lo, Olympus đã cung cấp sẵn một số bộ hồ sơ màu sắc, bên cạnh đó là hàng chục hiệu ứng nghệ thuật… để bạn tha hồ lựa chọn.
_ Ngoài ra, Pen-F được hãng ưu ái “tặng” thêm 4 chế độ sáng tạo. Chúng được gán vào 4 nấc trên vòng xoay duy nhất đặt phía trước thân máy, gồm: CRT, ART, COLOR và MONO.
_ Những chế độ sáng tạo này là sự kết hợp từ nhiều bộ lọc kỹ thuật số về màu sắc, ánh sáng, nhiễu phim… tạo nên nét đặc trưng riêng của mẫu máy ảnh Pen-F.
Vòng xoay này tạo nên nét đặc trưng riêng của mẫu máy ảnh Pen-F. Nút chụp có lỗ ren, hỗ trợ gắn dây bấm mềm từ thời máy phim để kích hoạt màn trập.
Ở một công việc phức tạp đòi hỏi độ chính xác cao hơn, những nhiếp ảnh gia chuyên chụp kiến trúc có thể kiểm soát được cả độ cong và độ gom của hình ảnh do vị trí góc chụp tạo ra.
_ Trên Pen-F chức năng này được gọi là “Keystone Compensation”, cho bạn nhìn thấy sự điều chỉnh trên màn hình trước khi bấm chụp và hỗ trợ lưu ảnh ở định dạng không nén (RAW).
Đó chưa phải là tất cả nhưng chừng đó thôi đủ để thấy khả năng kiểm soát của Pen-F gần như không có giới hạn.
Từ xa xưa, Olympus luôn theo đuổi những thứ độc đáo mà không có hãng nào làm. Đến giờ vẫn vậy, máy ảnh Olympus có rất nhiều thứ mà máy ảnh các hãng khác không có.
_ Phải kể đến đầu tiên là 3 tính năng hỗ trợ phơi sáng lâu: “Live Composite”, “Live Bulb” và “Live Time“.
Trong đó, Live Bulb và Live Time cho phép bạn nhìn thấy quá trình phơi sáng diễn ra như thế nào. Cụ thể, sau khi bấm nút chụp, bạn sẽ thấy bức ảnh của mình sáng lên từng giây, thể hiện ngay trên màn hình trong khi cảm biến vẫn đang phơi sáng. Bạn có thể dừng lại quá trình phơi sáng bất cứ khi nào bằng cách bấm nút chụp một lần nữa, cảm biến sẽ không ghi nhận khoảnh khắc bạn bấm nút chụp để tránh rung động làm nhòe hình.
Với cơ chế tương tự, Live Composite hỗ trợ nhiếp ảnh gia chụp chuyển động của ánh sáng (starscapes, light painting…) trong 1 lần bấm máy duy nhất mà không làm dư sáng hay cháy sáng phần tĩnh. Thông thường, muốn làm được điều đó nhiếp ảnh gia sẽ phải bấm chụp nhiều lần để lấy từng phần sau đó ghép chúng lại với nhau để tạo thành một bức ảnh hoàn chỉnh ở khâu hậu kỳ. Làm như vậy rất mất công và đòi hỏi phải tính toán thật cẩn thận nếu muốn chụp được một chuyển động kéo dài.
_ Kế tiếp là tính năng “Bracketing” – bù trừ tự động. Thông thường, Bracketing trên máy ảnh các hãng khác sẽ chỉ hỗ trợ bù trừ đo sáng. Nhưng với Pen-F, nó bao gồm cả bù trừ lấy nét, bù trừ cân bằng trắng, bù trừ công suất đèn flash và chụp một lúc nhiều hiệu ứng khác nhau.
_ Tiếp theo là tính năng “50M High Res Shot” – chụp ảnh độ phân giải cao. Tuy cảm biến của Pen-F chỉ có độ phân giải 20MP nhưng khi kích hoạt tính năng này nó sẽ dịch chuyển để ghi nhận thêm nhiều điểm ảnh, tạo ra bức ảnh cuối cùng có độ phân giải 50MP, thậm chí lên tới 80MP.Tất nhiên, để làm được điều đó bạn cần đặt cố định máy ảnh. Tính năng này sẽ rất hữu ích trong một số tình huống như chụp phong cảnh hay chụp lại các tác phẩm nghệ thuật.
_ Riêng với tính năng nay, Olympus khuyến cáo người dùng nên sử dụng với những ống kính M.Zuiko có chất lượng cao thuộc dòng PRO và Premium để đem lại hiệu quả tốt nhất. Những ống kính M.Zuiko thuộc dòng phổ thông, giá rẻ sẽ không cho kết quả tối đa.
_ Cuối cùng, rất thú vị, đó là tính năng tự lên layout trong chế độ chụp SCN, sẽ chiều lòng những ai thích chụp nhiều ảnh trong một. Có khá nhiều cách sắp xếp khác nhau cho bạn lựa chọn, giúp truyền tải những thông điệp mà một tấm ảnh đơn không thể diễn tả hết. Ảnh chụp dạng này rất thích hợp khi đi du lịch, chụp nội dung chính kèm tiểu tiết, chụp sản phẩm kèm chất liệu… Và khi in ra chắc chắn chúng sẽ là điểm nhấn trong cuốn album hoặc lookbook của bạn.
Pen-F được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam từ tháng 3/2016 với mức giá 31.500.000đ (riêng thân máy).
Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung hiện nay nhưng đổi lại bạn sẽ có một chiếc máy ảnh có thể nói là sự kết hợp hoàn hảo giữa hiện tại và quá khứ, đem lại chất lượng hình ảnh đủ đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu.
Tấm ảnh này được chụp trong khi đang điều khiển xe máy, chống rung của Pen-F đã hoạt động rất tốt.
Tấm ảnh này được chụp ở chế độ tự động hoàn toàn
Màn hình lật cho phép chụp những góc thấp như thế này mà không cần “lăn lê bò toài” trên nền cát.
Suýt bị chó cắn vì chụp tấm ảnh này!
Thao tác máy nhanh khiến Pen-F rất phù hợp với thể loại ảnh phóng sự, báo chí.
Tốc độ bắt nét của Pen-F khá nhanh, dù 81 điểm lấy nét đều nhận diện theo tương phản.
Màn hình xoay lật tỏ ra cực lợi hại khi selfie.
Tỷ lệ ảnh 4 x 3 (3 x 4) do cảm biến micro-four-thirds tạo ra giúp ảnh không bị hẹp ngang khi chụp dọc máy.
Tấm ảnh này được chụp sau khi đã điều chỉnh độ cong, nhờ tính năng Keystone Compensation. Nếu không có tính năng này, các song sắt ở lan can và trên bờ tường sẽ không song song với hai cạnh bên mép ảnh
Ống kính kit M.Zuiko 14-42mm có thể lấy nét ở khoảng cách khá gần.
Tấm ảnh này sử dụng 1 trong 4 chế độ sáng tạo đặc trưng của Pen-F (không nhớ rõ, có lẽ là MONO)
Còn đây là chế độ chụp Diorama (có hiệu ứng out nét theo vùng giống tilt-shift). Ảnh chụp ở khẩu độ F22.
Một tấm ảnh phơi sáng lâu trong thời tiết sương mù. Thời gian phơi sáng là 11s, khẩu độ mở tại F16.
Cuối cùng là hai tấm ảnh sử dụng tính năng tự lên layout trong chế độ chụp SCN.
Với một tấm ảnh đơn bạn sẽ rất khó truyền tải được nội dung tương tự.
Sau tất cả những điểm hấp dẫn kể trên, Pen-F sử dụng cảm biến MFT kích cỡ nhỏ vẫn là một rào cản lớn đối với nhiều tay máy. Họ cho rằng cảm biến MFT cho độ sâu và độ nổi khối không bằng cảm biến APS-C và full-frame.
Mặt khác, giá bán của Pen-F ở mức khá cao khiến nhiều người e ngại, dẫn tới suy nghĩ chọn mua máy ảnh APS-C và full-frame cho “an toàn”.
Tuy nhiên, đó chỉ là tâm lý. Rất nhiều nhiếp ảnh gia thành danh trên thế giới đang sử dụng các máy ảnh dòng OM-D của Olympus. Bên cạnh đó có rất nhiều hãng sản xuất tin chọn và đang sử dụng cảm biến MFT.
Hệ sinh thái ống kính sử dụng ngàm MFT cũng rất phong phú, có sự tham gia của cả Panasonic và Leica. Những ống kính từ thời máy phim cũng tương thích tốt với ngàm nay, chúng sẽ rất phù hợp với thiết kế đặc biệt của Pen-F.
Tận dụng những ống kính này sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo được tính thẩm mĩ cũng như hiệu suất chụp hình.
Pen-F rất thích hợp dùng với những ống kính cổ từ thời máy ảnh chụp phim.
Pen-F được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam từ tháng 3/2016 với mức giá 31.500.000đ (riêng thân máy).
Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung hiện nay nhưng đổi lại bạn sẽ có một chiếc máy ảnh có thể nói là sự kết hợp hoàn hảo giữa hiện tại và quá khứ, đem lại chất lượng hình ảnh đủ đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu.
Kiểu | Mirrorless |
Ống kính | MFT mount |
Cảm biến | CMOS / MFT / 20,3MP |
Bộ vi xử lý | TruePic VII |
Độ nhạy sáng | 80-25.600 |
Độ phân giải | 20,3MP |
Hệ thống lấy nét | 81 điểm |
Tốc độ chụp liên tục | 10 hình/giây |
Màn hình | LCD 3 inch / 1.037.000 điểm ảnh / cảm ứng |
Ống ngắm | EVF độ phóng đại 1,08x / 2.360.000 điểm ảnh |
Kích thước | 124,8 x 72,1 x 37,3mm |
Trọng lượng | 427g |
Giá bán |
31.500.000đ |
Theo: nghenhinvietnam.vn