LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Ánh sáng là một hiện tượng rất khó để định lượng, nếu là một nhiếp ảnh gia bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của ánh sáng như thế nào. Nếu không có nó, bạn không thể tạo ra được một hình ảnh. Ví dụ đang trong một căn phòng tối, bạn sẽ gần như không có được một bức ảnh nào, nhưng nếu thắp một ngọn nến, bằng sự sáng tạo của mình có thể bạn sẽ tạo được cả một tác phẩm nghệ thuật.
Ánh sáng là chìa khóa để mỗi bức ảnh có thể thực hiện. Các nhiếp ảnh gia thường nói về các thuộc tính của ánh sáng, đó là: chất lượng, hướng, màu sắc và cường độ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về yếu tố đầu tiên, được gọi là chất lượng của ánh sáng.
Chất lượng ánh sáng được xác định bởi nguồn sáng. Một nguồn sáng nhỏ cách xa chủ thể sẽ tạo ra bóng khắc nghiệt (harsh) và nổi bật hơn. Trong khi một nguồn sáng lớn sẽ tạo nên điều kiện ánh sáng mềm mại.
Màu hoàng hôn ấm áp trên đường băng Vancouver.
Một cách khác để nói về chất lượng ánh sáng là nhìn vào bóng đổ được tạo thành bởi nguồn sáng. Nếu bóng rất rõ ràng và nét rõ, tức nguồn ánh sáng tương đối nhỏ tạo nên ánh sáng tương phản cao và khá khắc nghiệt. Đây là điều lúc tốt nhất để thấy được độ mịn và các góc độ của chủ thể.
Ngược lại nếu bóng mờ hoặc khó nhận ra, có nghĩa nguồn sáng lớn so với đối tượng, sẽ cho ánh sáng tương phản thấp. Một nguồn sáng lớn có thể là ánh sáng vào một ngày nhiều mây. Ánh sáng của mặt trời bị tán xạ, hoặc khuếch tán, bởi đám mây che phủ nên trở nên lớn hơn, mềm mại.
Ánh sáng mềm là điều kiện rất lý tưởng để dành cho chụp chân dung (có thể giúp làm mờ một số nhược điểm như lỗ chân lông trên da mặt của mẫu) hay muốn làm nổi bật hình ảnh 3 chiều của vật thể.
Là một người yêu nhiếp ảnh, có thể bạn ưa thích chụp ảnh ban đêm cũng có thể lại thích chụp ảnh ban ngày hay giống như đa số các nhiếp ảnh gia khác lựa chọn khung giờ vàng là thời điểm chuyển giao ánh sáng giữa ngày và đêm. Mỗi thời khắc đều đi kèm những “thách thức” riêng, dưới đây là một số hướng dẫn chụp ảnh trong những khoảng thời gian khác nhau của một ngày.
1. Chụp giữa ngày
Nhiều người vẫn lựa chọn chụp ảnh dưới ánh sáng mặt trời lúc giữa ngày. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện nhưng sẽ không mang lại những kết quả ấn tượng. Thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra hình ảnh với chất lượng trung bình, điều này là do ánh sáng mặt trời rất khắc nghiệt vào thời điểm này trong ngày.
Nhìn chung, khi mặt trời lên cao sẽ trở thành một nguồn sáng nhỏ như đã nói ở phần trên. Điều này có nghĩa là đối tượng bạn chụp sẽ rất sáng và nổi bật và có bóng đổ sắc nét, đây là cảnh tương phản cao.
Nếu bạn đang chụp ảnh một đám cưới vào buổi trưa mùa hè (điều này vẫn thường diễn ra) và cô dâu “hứng trọn” ánh nắng, bạn sẽ phải xử lý với bóng tối dưới mắt của cô dâu. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không được chụp ảnh dưới nắng giữa trưa nhưng cần có phương pháp để xử lí những tình huống như vậy. Bạn có thể sử dụng gương hắt sáng hoặc đèn flash để làm sáng vùng bóng dưới mắt. Hãy nhớ rằng nguồn sáng nhỏ hơn, cho ánh sáng mạnh hơn và chất lượng ánh sáng sáng khắc nghiệt hơn.
2. Chụp trong giờ vàng
Chụp vào buổi sáng sớm, trước khi mặt trời đã mọc, hoặc chụp lúc hoàng hôn khi mặt trời lặn xuống, mang đến những điều kiện thuận lợi hoản hảo cho việc chụp hình nhờ chất lượng ánh sáng ấn tượng. Nhiều bức ảnh phong cảnh đẹp được chụp trong thời khắc này của ngày, vậy điều gì đã khiến khung giờ này được ví với “vàng” như vậy?
Màu sắc ngập tràn sắc vàng với sự thay đổi từ vàng, cam cho đến đỏ tươi.
Ánh sáng mềm mại, tức không có sự tương phản lớn với những bóng đổ sắc nét và màu quá sáng.
3. Chụp trong giờ xanh
Điều kiện giờ xanh không phải lúc nào cũng diễn ra nhưng khi nắm bắt được cơ hội thì kết quả nhận được cũng rất tuyệt vời.
Giờ xanh thường xuất hiện ở điều kiện bầu trời ít mây vì vậy mùa hè luôn là thời điểm thích hợp nhất cho điều này. Nếu bầu trời có độ che phủ mây đến 80%, rất khó để bạn gặp được “giờ xanh”, một bầu trời quang mây luôn là điều kiện tối quan trọng.
Trong giờ xanh, màu trời thay đổi với nhiều sắc độ từ xanh xuống đến cam ở chân trời.
Giờ xanh là thời điểm sau khi mặt trời đã xuống dưới đường chân trời và bầu trời xuất hiện một màu xanh rực rỡ trong một khoảng thời gian không dài. Hiện tượng này chỉ kéo dài khoảng từ 40 phút đến một giờ, chính là thời gian bạn nên tranh thủ cho việc chụp hình.
Giờ xanh buổi sáng xuất hiện trước giờ vàng còn giờ xanh buổi chiều đến sau giờ vàng khi mặt trời đã xuống đường chân trời.
Và cũng vì “Giờ xanh” qua đi rất nhanh nên để nắm bắt được những khung hình đẹp nhất trong điều kiện “trời cho” bạn nên chuẩn bị sẵn vị trí và các thiếp lập cần thiết khoảng 20 phút trước khi mặt trời lặn.
Bằng cách đó khi nhận được thấy ánh sáng ở điều kiện tốt nhất bạn chỉ cần nhấn nút chụp. Cảnh quan thành phố rất lý tưởng để chụp trong khung giờ xanh. Lý do vì bầu trời khi đó sẽ có sắc xanh, nhưng thành phố vẫn được phản chiếu ánh sáng màu vàng, màu cam của hoàng hôn. Vẻ đẹp của ảnh chụp trong giờ xanh là nhờ hiệu quả từ sự kết hợp các màu xanh và màu vàng với nhau, chúng là những màu bổ trợ của nhau mang lại sự bắt mắt trực quan, hấp dẫn.
Một chân máy luôn là một phụ kiện quan trọng khi chụp ảnh ngoài trời. Nhờ đó bạn có thể đảm bảo rằng máy ảnh của mình có thể thực hiện việc chụp hình tốt trong thời gian dài và độ phơi sáng lâu hơn. Khi ánh sáng bắt đầu mờ dần, độ phơi sáng của máy bạn có thể kéo dài một vài giây, điều này khiến cho nếu bạn giữ máy bằng tay sẽ khó tránh khỏi việc bị rung, mờ.
Ngoài ra nên sử dụng ống kính chất lượng tốt nhất mà bạn có và sắm cáp hoặc điều khiển chụp từ xa để tránh việc máy ảnh bị rung khi tác nghiệp. Bạn cần thiết lập máy ảnh ở chế độ chỉnh tay, cài đặt độ mở f/8 hoặc f/11. Đặt thời gian màn trập cho phù hợp, nên đặt ISO ở 100 và sẵn sàng chụp để tận hưởng thành quả.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến chất lượng ánh sáng trong nhiếp ảnh, được lược dịch từ digitalphotographyschool, hy vọng có thể giúp ích cho bạn trong quá trình thực hiện niềm đam mê chụp ảnh. Chúc bạn có được những tấm hình như ý!