LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Sai lầm đầu tiên và quan trọng nhất là thiết lập cân bằng trắng (White Balance – WB) sai. Mắt người có thể nhìn thấy màu trắng là màu trắng trong mọi điều kiện ánh sáng, nhưng máy ảnh thì không. Bạn cần giúp máy ảnh nhận biết nguồn sáng của khung cảnh mà bạn đang chụp ảnh.
Giả sử bạn đang chụp trong ánh sáng ban ngày, nếu bạn thiết lập cân bằng trắng của máy ảnh sang chế độ Cloudy (nhiều mây) thì màu sắc trong ảnh bạn chụp sẽ bị ám vàng (orange cast). Mặt khác, nếu bạn đang chụp trong điều kiện ánh sáng ngoài trời nhiều mây và cân bằng trắng được thiết lập là Daylight (ánh sáng ban ngày) thì khung cảnh sẽ có màu xanh (blue cast).
Dưới đây là một cách dễ dàng để nhớ điều này:
Thiết lập cân bằng trắng = Nguồn sáng thực tế = ảnh không bị ám màu
Thiết lập cân bằng trắng < Nguồn sáng thực tế = ảnh bị ám màu xanh
Thiết lập cân bằng trắng > Nguồn sáng thực tế = ảnh bị ám màu vàng
Giải pháp: Thiết lập cân bằng trắng chính xác tại hiện trường hoặc chụp ở chế độ RAW. Nếu bạn chụp ở chế độ RAW, bạn có thể chỉnh sửa cân bằng trắng chính xác trong phần xử lý hậu kỳ.
Hãy nhớ rằng dynamic range (dải tương phản động) mắt bạn lớn hơn nhiều so với dynamic range của máy ảnh. Dynamic range là tỷ lệ giữa các yếu tố sáng nhất so với các yếu tố tối nhất trong cảnh.
Mắt bạn có thể nhìn thấy các chi tiết ở cả khu vực sáng hơn hoặc tối hơn, nhưng máy ảnh thì không thể ghi lại được những chi tiết đó. Là một người chụp ảnh, bạn có trách nhiệm làm cho bức ảnh hợp nhãn người xem bằng một quá trình phơi sáng thích hợp.
Mắt người nhạy cảm với những chi tiết sáng hơn là những chi tiết tối. Các phần ảnh bị dư sáng (những mảng màu trắng trong một bức ảnh) là khó chấp nhận hơn đối với đôi mắt của chúng ta so với những vùng đổ bóng do thiếu sáng (tức là những mảng đen trong ảnh).
Giải pháp: Phơi sáng thích hợp cho những vùng cảnh sáng (highlight- tức là những phần, những chi tiết có màu sáng trong cảnh chụp) để không có vùng nào trong ảnh bị dư sáng, trừ khi bạn cố ý làm vậy. Hầu hết các máy ảnh DSLR sẽ có một đèn trạng thái nhấp nháy gọi là The Blinkies để báo cho bạn biết có các vùng ảnh bị dư sáng trên màn hình LCD ở chế độ xem lại ảnh.
Nếu khi xem lại ảnh mà có blinkies, hãy chụp lại bức ảnh khác với thiết lập bù sáng thấp hơn một chút so với cảnh vừa chụp.
Xu hướng chung của những người mới bắt đầu chụp ảnh là luôn đặt đối tượng chụp vào trung tâm của khung hình, và điều này khiến cho bức ảnh rất nhàm chán, khô cứng. Mắt người xem không có gì khác để tìm kiếm trong bức ảnh, mà chỉ đơn thuần là nhìn thẳng vào đối tượng của bạn và bị “tắc” ở đó.
Giải pháp: Sử dụng quy tắc 1/3 (Rule of Thirds) và giữ đối tượng lệch ra khỏi phần giữa khung hình. Một chủ thể không nằm ở trung tâm khung hình sẽ tạo cho bức ảnh không không gian động và thú vị hơn.
Cho dù bạn có nắm vững kỹ thuật đến đâu, nếu phần lấy nét không đủ sắc nét thì bức ảnh của bạn là vô nghĩa. Đối tượng chính của bức ảnh phải được lấy nét thật tốt, nếu không người xem sẽ phân tâm và không tìm thấy điểm nào trong ảnh để dừng ánh mắt tại đó.
Chúng ta nhìn thấy các vật thể rất sắc nét trong thực tế, và mong đợi chúng, hoặc ít nhất một trong số chúng, được lấy nét tốt để làm cho bức ảnh có ý nghĩa.
Giải pháp: Hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra độ nét bằng cách phóng to chủ đề của bạn sau khi bạn chụp một bức ảnh (tính năng zoom trong chế độ xem lại ảnh), kiểm tra xem có đủ ánh sáng không, hay độ tương phản màu sắc giữa chủ thể và hậu cảnh có tốt không, để chế độ tự động lấy nét có khả năng khóa nét chính xác.
Nếu bạn đang chụp một bức chân dung, hãy lấy nét vào đôi mắt của người (hoặc chim hay động vật trong bức ảnh của bạn), bởi vì người xem cần phải giao tiếp bằng mắt.
Xu hướng khá phổ biến là để chủ đề yêu thích của bạn choán đầy khung hình khiến cho chủ đề đó trông lớn và nổi bật trong ảnh. Nhưng bạn có cảm thấy chủ đề đó đang bị “ép” trong khung hình? Trông họ như bị ngộp thử vì không có chỗ để di chuyển, không thấy sự chuyển động và không có chỗ để “thở”.
Đôi khi, có đủ không gian xung quanh chủ thể, nhưng lại theo một hướng sai lầm – thì điều này cũng vô nghĩa.
Giải pháp: Quy tắc 1/3 Rule of Thirds là kỹ thuật tốt nhất giúp bạn cung cấp đủ không gian xung quanh chủ đề. Hãy thử nghĩ rằng các viền xung quanh bức ảnh giống như là một chiếc hộp kín không có hệ thống thông gió, bạn không muốn chủ đề ưa thích của bạn bị nghẹt thở.
Đây có lẽ là sai lầm phổ biến nhất. Tại sao? Bởi vì, mọi người có xu hướng chụp ảnh ngay khi họ thấy một cái gì đó đẹp hay thú vị. Bạn quá quan tâm tới chủ đề mà không nhận thấy những thứ xung quanh nó. Một hậu cảnh lộn xộn hoặc mất tập trung sẽ làm hỏng bức ảnh.
Giải pháp: Sau khi đã xác định được đối tượng chụp, bạn cần xem xét các chi tiết xung quanh nó để sắp xếp lại, xác định sẽ chọn lọc và đưa những gì vào hậu cảnh, nghĩa là phải “dọn dẹp” một chút để không bị lạc vào ảnh những chi tiết thừa, xấu.
Cần nhớ rằng hậu cảnh là yếu tố quan trọng làm nên thành công của bức ảnh, do đó hậu cảnh phải “sạch”.
Một sai lầm cũng khá thường xuyên với những người mới chụp ảnh, đó là đường chân trời không cân bằng mà bị nghiêng, lệch.
Điều này có thể nhận thấy khi để ý những đối tượng nằm dọc vuông góc với mặt đất, ví dụ như người, các tòa nhà, các loài chim, hoặc cây cối. Ảnh bị nghiêng khiến có cảm giác như họ dễ bị rơi, ngã (tất nhiên trừ khi là bạn đang chụp Tháp nghiêng Pisa).
Giải pháp: Sử dụng tính năng grid (lưới) khi chụp, hoặc sửa chữa đường chân trời bằng cách sử dụng công cụ Crop and Straighten Tool ở phần xử lý ảnh hậu kỳ. Tìm một đối tượng trong cảnh mà nó nằm ngang hoặc thẳng đứng trong thực tế và lấy đó làm tham chiếu.
Hãy nhớ rằng nhiếp ảnh là phương tiện mang lại hình ảnh 2 chiều, nhưng mắt chúng ta nhìn mọi thứ là trong không gian ba chiều. Nhiều nhiếp ảnh gia bỏ lỡ độ sâu của bức ảnh.
Bạn thấy cảnh vật rất đẹp trong không gian 3D của mắt bạn và bạn chụp nó, nhưng bạn tự hỏi có gì đó chưa ổn khi xem lại bức ảnh đã chụp và đó không phải là những gì bạn nhìn thấy.
Tại sao? Bạn đã không nhận ra rằng bạn đang chụp một cảnh 3D trong một bức ảnh 2 chiều.
Giải pháp: Có rất nhiều cách để tạo độ sâu cho ảnh: đưa vào ảnh một đối tượng ở tiền cảnh, sử dụng các đường dẫn (những chi tiết trong cảnh mà có khả năng tạo nên những đường chạy dài trong ảnh), sử dụng kỹ thuật bóp méo phối cảnh, thay đổi góc chụp… Nhưng điều quan trọng nhất cần nhớ là nhiếp ảnh chỉ cho ảnh chụp 2 chiều.
Bất cứ cái gì quá nhiều đều không tốt. Khi bạn nhìn thấy một cảnh vật, bạn nhìn thấy nó trọn vẹn và tự nhiên, nhưng nếu bạn muốn đưa tất cả những thứ bạn thấy vào trong một bức ảnh thì ảnh đó bị thừa chi tiết.
Giải pháp: Hãy chụp những tác phẩm đơn giản. Thay vì chụp toàn bộ khung cảnh, hãy tự hỏi bạn quan tâm những gì trong khung cảnh đó và chọn một chủ đề để chụp và chỉ nhấn mạnh chủ đề đó trong ảnh thôi.
Những gì có trong một bức ảnh cũng quan trọng như những gì không ở đó. Một khi bạn nắm vững cách chụp những tác phẩm đơn giản, bạn có thể chụp được những bức ảnh phong cảnh đẹp theo một cách đơn giản hơn nhiều mà lại thú vị hơn.
Nhiếp ảnh là ánh sáng. Không có ánh sáng thì không có nhiếp ảnh. Nhưng ánh sáng có chất lượng khác nhau và hướng khác nhau. Những bức ảnh tốt nhất thường được thực hiện trong giờ vàng và chỉ vài giờ trước và sau khi mặt trời mọc hoặc hoàng hôn, khi ánh sáng tốt nhất.
Nhiều nhiếp ảnh gia dường như không quan tâm đến hướng và chất lượng ánh sáng. Do đó, ánh sáng trong ảnh hoặc là quá gắt khiến cho ảnh có nhiều vệt sáng và tối, hoặc là mắt của đối tượng chụp bị tối, hoặc là ánh sáng rất “phẳng” khiến cho bức ảnh thiếu độ sâu.
Giải pháp: Hãy nhớ rằng nhiếp ảnh là tất cả mọi điều về ánh sáng. Bạn càng học được cách điều khiển ánh sáng tốt hơn thì bạn càng có được những bức ảnh đẹp hơn.
Cách tốt nhất để đánh giá ánh sáng có tác động như thế nào tới một cảnh vật, hãy đến hiện trường từ trước khi mặt trời mọc và ở đó cho tới khi mặt trời lặn hẳn.
Đông Phong