LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Khi muốn tạo hình đẹp bằng những khối đá làm tiền cảnh, bạn hãy cố gắng tìm những góc độ mà những tảng đá này sắp xếp thành một cấu trúc nào đó. Hãy thử nghiệm với các góc nhìn cao thấp khác nhau cho tới khi bạn có được một góc nhìn hợp lý nhất.
Ảnh dưới được chụp với máy ảnh để ngang ngực, hơi chúc xuống để nhấn mạnh vào sự sắp xếp các khối đá và hạn chế bớt không gian của bầu trời.
Chú trọng vào các khối đá để hạn chế không gian bầu trời. Ảnh:Digitalphotographyschool.
Ảnh dưới điểm nhấn tiền cảnh lại là những gốc rễ cây xù xì trôi dạt trên bờ biển. Máy ảnh được đặt thấp xuống gần sát mặt đất với một ống góc rộng để nhấn mạnh hơn vào khối rễ cây.
Một số bãi biển lại có những tảng đá với mặt trên đủ để có thể đứng được và nếu chụp từ trên này cũng sẽ cho những bức ảnh không kém phần ấn tượng. Ảnh dưới được chụp từ trên cao xuống dưới bãi biển kèm thêm cả những tổ chim trên đá để thấy những tổ chim này còn có ý nghĩa tạo nên sự so sánh tỷ lệ về độ cao hay độ hùng vĩ của cảnh biển so với các vật xung quanh.
Ảnh được chụp từ trên cao xuống, với những tổ chim trên đá.
Nhưng đôi khi mọi thứ cũng cần đơn giản hóa, chẳng hạn chỉ là một bờ cát với những con sóng nhẹ nhàng phản chiếu trời mây nước, cộng với điểm nhấn một hai bóng người xa xăm cũng có thể thành những bức ảnh rất đẹp về biển.
Bóng người xa xăm tạo điểm nhấn cho ảnh. Ảnh:Digitalphotographyschool.
Một trong các yếu tố quan trọng luôn cần lưu tâm khi chụp cảnh biển hay bất kỳ cảnh vật nào có nước là tốc độ cửa trập, do nó có ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của bức ảnh.
Tốc độ cửa trập nhanh sẽ đông cứng các chuyển động, bao gồm cả chuyển động của nước. Tùy thuộc vào dòng nước chảy mạnh hay nhẹ mà tốc độ có thể nhanh hơn hay chậm hơn nếu bạn muốn “cố định” dòng chảy này.
Ví dụ bức ảnh dưới được chụp với tốc độ 1/50 giây, và bạn có thể thấy tốc độ này đủ để khiến cho các con sóng trên bãi biển như được đứng im.
Tốc độ cửa trập chậm sẽ làm mờ các chuyển động của dòng nước theo nhiều góc khác nhau. Tất nhiên là cũng tùy vào dòng chảy nhanh hay chậm, nhưng thông thường chỉ cần để tốc độ khoảng 1/2 giây là đã đủ làm mờ dòng chảy, trừ khi bạn muốn hiện rõ thêm một số chi tiết khác trên dòng chảy này. Bức ảnh dưới được chụp với tốc độ 1/3 giây và ghi lại khoảnh khắc con sóng vỗ vào mặt đá với hiệu ứng chuyển động mờ khá hiệu quả..
Khi tốc độ chậm xuống trên 1 giây, mặt nước bắt đầu có hiệu ứng như thể một làn sương mù hoặc trở nên sóng sánh như sữa. Mặc dù không phải ai cũng thích hiệu ứng mặt nước kiểu này, nhưng đôi khi nó cũng có thể tạo nên những bức ảnh thú vị nếu hợp cảnh hợp tình. Như bức ảnh dưới được chụp ở tốc độ 4 giây.
Tốc độ chụp: 4 giây.
Sử dụng kính lọc khi chụp cảnh biển cũng là một trong các phương pháp khá thông dụng. Hai kính lọc thông dụng nhất cho các thể loại ảnh này là kính lọc GND (graduated neutral density) và ND (neutral density).
Kính lọc GND thường được sử dụng khi dải tương phản động của khung cảnh quá lớn đối với cảm biến máy ảnh. Các trường hợp dễ bị hiện tượng này thường là khi mặt trời mọc hoặc lặn, lúc đó mặt trời quá sáng so với mặt đất. Kính lọc GND với cơ chế một bên tối, một bên sáng và giữa hai vùng là mức độ chuyển đổi tuần tự sẽ được dùng trong trường hợp này. Theo đó vùng tối của kính được quay về phía bầu trời, còn vùng sáng xuống mặt đất, làm cho mức phơi sáng của ảnh được cân bằng hơn. Nếu không có kính lọc GND, bạn có thể chọn biện pháp thay thế là chụp nhiều ảnh với phơi sáng khác nhau, sau đó trộn làm một ở phần xử lý ảnh hậu kỳ.
Còn kính lọc ND được sử dụng để giảm bớt lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Kính lọc ND sẽ hữu dụng khi bạn muốn chụp với tốc độ chậm trong khi ánh sáng ngoài trời lại quá gắt. Kính lọc ND có nhiều mức khác nhau, từ 3 stops (giảm 8 lần) tới thậm chí là 10 stops (giảm 1024 lần).
Ảnh dưới được chụp với kính lọc ND 10 stops, mặt trời vừa nhô lên khỏi đường chân trời với ánh sáng chói và gắt. Nhưng với kính lọc ND, tốc độ cửa trập trong trường hợp này vẫn hạ được xuống 1/60 giây.
Nguyễn Hà