LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Nikkei, tờ báo tài chính uy tín của Nhật Bản mới đây đã đưa tin Nikon đang rút lui khỏi thị trường DSLR và không còn phát triển các mẫu máy ảnh mới.
Bản thân Nikon tuyên bố họ chưa thông báo về một động thái như vậy và vẫn sẽ sản xuất và phân phối máy ảnh DSLR nhưng không phủ nhận những tiết lộ của Nikkei.
Hồi kết của DSLR có lẽ đã quá rõ ràng vào thời điểm Nikon và Canon công bố ngàm full-frame cho dòng máy ảnh không gương lật. Kể từ đó, cả hai công ty đều đã tung ra một số dòng máy ảnh DSLR nhưng gần như mọi nguồn lực hiện đang tập trung cho các dòng máy ảnh mirrorless (máy ảnh không gương lật).
Cả hai công ty đều đã giới thiệu những sản phẩm kế nhiệm cho những người đam mê máy ảnh như Z6 và Z7. Nó đem tới gần như toàn bộ sức mạnh của những model DSLR như D610 và D750. Và còn R6 và R5 của Canon không chỉ thay thế dòng 6D mà còn là những chiếc máy ảnh 5D mang tính biểu tượng mới.
Nếu điều đó không đủ để thuyết phục mọi người rằng kỷ nguyên DSLR sắp kết thúc thì quyết định của Nikon về việc giới thiệu D6 dưới dạng Z9 lẽ ra phải làm rõ điều đó. Ban lãnh đạo của Nikon tin rằng máy ảnh mirrorless hoàn toàn có thể vượt trội hơn DSLR, ngay cả trong thị trường ngách đòi hỏi kỹ thuật cao nhất.
Vấn đề chỉ là thời gian trước khi Canon nối gót Nikon.
Sẽ rất ít có khả năng Nikon hoặc Canon thông báo công khai kết thúc sản xuất máy ảnh ngàm F hoặc ngàm EF hoặc sản xuất ống kính liên quan. Nhưng gần bốn năm sau khi cả hai công bố ngàm ống kính mới, rất có thể chúng ta đã thấy máy ảnh DSLR cuối cùng của cả hai.
Quá trình phát triển bất kỳ một sản phẩm nào đó đều tốn thời gian. Mỗi phút dành cho nghiên cứu DSLR là mỗi phút đánh đổi không thể nâng cấp và cải tiến công nghệ trên các dòng máy mirrorless. Điều này khá đúng đối với Canon và Nikon khi hai hãng này chỉ công bố một vài ống kính mới cho dòng máy ảnh mirrorless mỗi năm và tất cả chủ yếu nhằm thay thế dòng ống kính F (Nikon) và EF (Canon) mới.
Những hạn chế về tài nguyên này ảnh hưởng đến cả nhà máy. Cả hai công ty sẽ có dây chuyền sản xuất các dòng ống kính quang học phổ biến khác. Tuy nhiên nhiều dải tiêu cự khác có thể sẽ được sản xuất theo lô. Các dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển đổi qua lại giữa các sản phẩm để đón đầu nhu cầu.
Thị trường máy ảnh đang ổn định trở lại sau vài năm sụt giảm nghiêm trọng. Các nhà sản xuất máy ảnh đang chiến đấu vì một lượng nhỏ người tiêu dùng và không có điều kiện cung cấp nhiều sản phẩm cho cùng một khách hàng. Để có thể tồn tại và có lợi nhuận, các nhà sản xuất máy ảnh cần tập trung nỗ lực vào nhóm khách hàng tiềm năng và của tương lai. Và tương lai là ống kính ngàm Z và RF dành cho máy ảnh mirrorless.
Một vấn đề khác mà các nhà sản xuất máy ảnh phải suy nghĩ đến, đó là bài toán chi phí R&D, tiếp thị và phân phối, hàng tồn kho,… cho cả hai dòng máy DSLR và mirrorless. Nếu phải cân chi phí cho cả hai dòng máy thì sẽ rất khó để các hãng có thể thu về được lợi nhuận trong bối cảnh thị trường máy ảnh đang dịch chuyển.
Điều này có nghĩa là máy ảnh DSLR đã chết? Không hẳn. Trong năm tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp này đã sản xuất số lượng máy mirrorless gần gấp đôi so với máy ảnh DSLR, nhưng ở châu Âu và châu Mỹ, máy ảnh mirrorless chỉ dẫn trước khoảng 20%.
Tương tự, Ricoh vẫn cam kết với máy ảnh DSLR. Hãng hiện không có mẫu máy ảnh mirrorless nào và đã ra mắt mẫu máy ảnh DSLR tham vọng nhất Pentax K-3 III cách đây hơn một năm.
Thời những câu hỏi như “khi nào thì mirrorless sẽ bắt kịp DSLR” đã qua lâu rồi. Z9 của Nikon cho thấy tốc độ chụp, khả năng lấy nét tự động rất ấn tượng và dù muốn hay không, khả năng quay video đều vượt xa DSLR.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi Nikon đang dành nhiều thời gian, nỗ lực để tiếp tục đổi mới trong lĩnh vực này. Dù tin tức Nikon rời xa dòng máy ảnh DSLR có chính xác hay không thì đây rõ ràng sẽ là xu hướng chính và Canon cũng sẽ nối tiếp Nikon trong tương lai không xa.
Nguồn: Dpreview