LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Theo trang Photographylife, Bokeh (đọc là bô-ke) là thuật ngữ dùng để chỉ chất lượng của những phần mờ nét của một bức ảnh và được tạo ra bởi một ống kính máy ảnh. Nó không dùng để chỉ sự mờ (blur) nói chung hoặc số lượng những vùng mờ ở tiền cảnh hoặc hậu cảnh của ảnh. Những nét mờ nhòe mà bạn thường thấy trong những bức ảnh mà tách chủ thể ra khỏi hậu cảnh là kết quả của việc tạo ra độ sâu trường ảnh (DOF) nông, và thường được gọi là “background blur” tức là kỹ thuật làm mờ hậu cảnh. Còn chất lượng và “cảm giác” về những vệt mờ ở hậu cảnh/tiền cảnh với những điểm phản chiếu của ánh sáng mới là cái mà các nhiếp ảnh gia gọi là Bokeh. Bokeh làm cho chúng ta phải tập trung sự chú ý vào một khu vực cụ thể của hình ảnh. Từ này xuất phát từ tiếng Nhật, có nghĩa đen dịch là “mờ”.
Bokeh nhìn chung gồm 2 thành phần chính là Focus Transition và Out of Focus Highlight. Trong đó, Focus Transition là sự chuyển từ vùng rõ nét sang vùng out nét, mượt (smooth) hay gắt (harsh), đây là phần chính của Bokeh, quyết định xem hình có dịu dàng, mềm mại, mát mắt hay không. Out of focus highlight là những điểm sáng nằm ngoài vùng lấy nét của ảnh, có đặc điểm chính là hình dạng và độ lóe sáng. Hình dạng thường được quyết định do số lượng lá khẩu (Diaphragm Blade) và cách sắp xếp các lá khẩu trong ống kính: tròn, bát giác, lục giác… Còn độ lóe sáng có thể hiểu là kích thước và sắc độ của các điểm sáng nằm ngoài vùng lấy nét của ảnh.
Bokeh được tạo ra bằng cách chụp những ánh đèn có cường độ thấp và nhẹ, như đèn trang trí cây thông hoặc ánh đèn đường từ xa, cộng với việc tăng giảm độ mở ống kính và khoảng cách tới chủ thể để tạo ra những hình dạng phản chiếu khác nhau của ánh đèn, tạo nên hiệu ứng lung linh mờ ảo thu hút mắt người xem.
Nói chung, kỹ thuật tạo Bokeh không quá phức tạp, chỉ cần chịu khó thực hành và một chút kinh nghiệm. Tất cả những gì cần là những ánh đèn, ống kính khẩu độ lớn và đứng thật gần chủ thể.
Hãy nhớ rằng, Bokeh được tạo ra bởi ống kính chứ không phải máy ảnh. Các ống kính khác nhau tạo ra các Bokeh khác nhau do thiết kế quang học khác nhau. Thông thường, các ống kính chụp chân dung và ống tele với khẩu độ tối đa lớn mang lại Bokeh trông dễ chịu hơn so với ống kính zoom thông thường. Ví dụ, ống kính Nikon 85mm f/1.4D cho Bokeh đặc biệt tốt, trong khi ống kính Nikon 18-135mm f/3.5-5.6G DX cho Bokeh xấu hơn ở cùng một độ dài tiêu cự và khẩu độ – tất cả đều do sự khác biệt trong thiết kế quang học của cả hai ống kính. Tất cả các ống kính đều có khả năng tạo ra hiệu ứng mờ nét, nhưng không phải tất cả các ống kính có khả năng dựng hình Bokeh đẹp.
Vậy, một Bokeh đẹp là thế nào? Một bokeh đẹp sẽ cho cảm giác dịu mắt và thỏa mãn về bức ảnh, phần hậu cảnh mờ xuất hiện mềm mại với các vòng tròn ánh sáng mịn và không có cạnh cứng, giữa các khu vực mờ có sự chuyển dịch đẹp và hài hòa.
Như trên đã nói, yếu tố tạo Bokeh tốt là ống kính. Trước hết, bạn hãy thử kiểm tra ống kính của mình xem nó chụp được Bokeh như thế nào. Hãy thử lấy nét vào một chủ thể ở khoảng cách thật gần, ở hết mức cho phép của ống kính, nghĩa là khi ở khoảng cách đó thì ống kính vẫn có thể lấy nét được. Chú ý là phía sau đối tượng lấy nét của bạn không có đối tượng nào khác có thể lạc vào ống kính và làm mất tập trung vào đối tượng chính. Bạn cũng cần chụp ở tư thế ngang bằng với chủ thể, không phải là chụp từ trên xuống hay từ dưới lên. Không sử dụng một bức tường có màu trơn đơn giản để làm nền, mà hãy cố gắng tìm một hậu cảnh nhiều màu sắc và có đèn chiếu sáng. Cây thông Noel là hậu cảnh hoàn hảo để bạn kiểm tra khả năng chụp Bokeh của ống kính. Khi đã tìm được chủ thể phù hợp và phông nền phù hợp, hãy thiết lập máy ảnh của bạn ở chế độ “Aperture Priority” (ưu tiên khẩu độ) và đặt khẩu độ ở con số thấp nhất. Trên hầu hết các ống kính zoom tiêu dùng, thông số khẩu độ thấp nhất thường là f/3.5, trong khi ống kính zoom loại Prime và chuyên nghiệp có thể đạt từ f/1.2 – f/2.8. Khi đã thiết lập độ mở ống kính ở giá trị thấp nhất, hãy nhấn nút chụp và xem lại ảnh đã chụp trên màn hình LCD. Trong ảnh thu được thì đối tượng của bạn cần nét trong khi nền hậu cảnh mờ. Nếu bạn có một ống kính tốt, Bokeh sẽ mềm mại và mờ, nhìn đẹp mắt, các tia sáng phản xạ phải tròn và mềm mại, không nhọn sắc.
Máy ảnh tốt nhất để chụp Bokeh là máy ảnh DSLR với ống kính rời, tuy thế nếu máy ảnh compact của bạn có cho phép điều chỉnh bằng tay các thông số chụp và có các chế độ chụp Manual (M), Apeture Priority (Av)… thì bạn cũng thử xem sao.
Sau khi đã thử ống kính, bạn hãy vận dụng các bí quyết sau để chụp ảnh Bokeh:
Mẹo 1: Hãy chọn chế độ M để cho phép bạn tự điều chỉnh hoàn toàn các thông số chụp, hoặc chế độ Av để chọn chế độ ưu tiên khẩu độ.
Mẹo 2: Thiết lập một khẩu độ rộng (có các con số thấp), tối thiểu là F 2.0, còn lý tưởng là từ F 1.2 đến F 1.8.
Mẹo 3: Tắt đèn xung quanh đi và tăng ISO lên cao, đồng thời giảm tốc độ chụp. Tốc độ chụp nên là 1/40 hoặc thậm chí thấp hơn.
Mẹo 4: Đặt một chủ thể trong khoảng 1-2 m ở phía trước những ánh đèn của cây thông để đưa hậu cảnh ra khỏi vùng lấy nét.
Mẹo 5: Khoảng cách từ máy ảnh tới chủ thể thì nên gần, còn khoảng cách từ chủ thể tới cây thông mà càng xa thì bạn sẽ càng có Bokeh tốt hơn, to hơn và tròn hơn.
Mẹo 6: Có thể thay đổi hình dạng bokeh bằng cách tăng giảm độ mở ống kính. Độ mở càng lớn thì bóng sáng càng tròn, độ mở hẹp hơn một chút bóng sáng sẽ thành hình lục giác hoặc bát giác tùy thuộc vào ống kính bạn sử dụng có bao nhiêu lá khẩu và cách sắp xếp lá khẩu.
Mẹo 7: Để ảnh chụp đêm Noel thú vị hơn, bạn nên đưa một số đối tượng vào trong ảnh như các em bé, các con vật, một thứ đồ trang trí hay bất cứ thứ gì có thể thể hiện ý tưởng.
Mẹo 8: Mặc dù phần lớn các cảnh tạo bokeh đều lấy ánh đèn ở hậu cảnh, nhưng người chụp vẫn có thể thử nghiệm để ánh đèn ở tiền cảnh (phía trước) vẫn có thể có được bokeh đẹp với các bóng tròn đè lên một phần chủ thể.
Mẹo 9: Tự tạo một tấm che ống kính (lens hood) có trổ các hình thù đặc biệt, như hình trái tim, ngôi sao, bông tuyết… để gắn lên ống kính, bạn sẽ có ảnh bokeh với các hình dạng khác nhau rất thú vị.
Trang Bùi