LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Như đã đề cập ở đầu, màu sắc có thể gây một tác động của màu sắc mạnh mẽ trong các bức ảnh, và nói chung trên các đối tượng. Đôi khi tác động này thiên về cảm xúc và khó diễn tả. Nhưng chính xác thì tại sao các bức ảnh hoàng hôn lại phổ biến đến như vậy? Tại sao màu đỏ từ lâu đã được xem là màu ưa chuộng của các xe đua thể thao? Thật dễ hiểu tại sao màu xanh khiến ta liên tưởng đến thiên nhiên, nhưng liệu đó có phải là lý do ta xem màu xanh như biểu tượng của sự hồi sinh và hy vọng? Thế còn màu xanh dương và vàng thì sao, chúng tượng trưng cho điều gì?
Màu sắc tương tác với nhau ngay cả trên bình diện thị giác thuần túy – chẳng hạn, đỏ tiến, xanh lùi – có nghĩa là nếu ta có hai đối tượng cùng kích cỡ và hình thù, một cái màu đỏ và cái kia màu xanh, thì đối tượng màu đỏ sẽ trông như gần hơn đối tượng màu xanh.
Trong những phần kế tiếp, ta sẽ khảo sát lần lượt từng màu sắc và thảo luận về các phản ứng mà chúng khơi gợi cho ta ở bình diện cảm xúc và thể chất trong nhiếp ảnh màu.
Màu sắc hằng ngày hiếm khi đạt độ bão hòa, và đó chính là lý do tại sao màu thuần chất và
màu sáng thu hút sự chú ý của chúng ta và được dùng trong quảng cáo, cũng như trong các biển báo tín hiệu.
Đỏ có lẽ là màu mạnh nhất trong các màu. Nó gắn liền với sự nguy hiểm, trong cả thế giới thiên nhiên và nhân tạo. Đỏ là màu của máu, và thường được dùng để liên tưởng với sự đam mê, phẫn nộ, nhiệt huyết và khả năng sinh sôi.
Ở góc độ phối cảnh thị giác, khi đặt cạnh những màu dịu hơn, mà dễ thấy nhất là màu xanh dương và xanh lục, đỏ sẽ tiến về phía người xem và thu hút ngay sự chú ý của chúng ta. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận được hiệu ứng “rung động” của màu đỏ, tức là khi đặt cạnh một số màu sắc tương phản khác, phần ranh giới giữa hai màu dường như lung linh.
Rung là một trong số một loạt hiệu ứng đã trở nên quen thuộc bởi trào lưu nghệ thuật Op Art trong thập niên 1960. Hiện tượng rung xuất hiện tại mép của hai màu có sắc độ mạnh và tương phản nhau, nhưng lại có cùng độ sáng. Đỏ là màu dễ kết hợp nhất bởi có sắc độ đậm. Khi ta nhìn vào mép của mảng màu đủ lâu thì một đường viền vừa sáng vừa tối sẽ xuất hiện.
Tại Mỹ (trong ngày lễ Chiến sĩ trận vong) và tại nhiều nước thuộc Khối thịnh vượng chung (trong ngày Chủ nhật tưởng niệm Quân nhân trận vong), hoa anh túc được dùng làm biểu tượng của những người lính đã hy sinh trong các cuộc chiến, nhưng tiêu biểu nhất là Thế chiến I. Sự liên tưởng giữa màu hoa anh túc và màu máu đã đổ trên chiến trường là một ẩn dụ mạnh mẽ.
Màu đỏ được xem là màu nổi trội, mà nói theo cách khác là nó nổi bật khi đứng cạnh các màu lạnh hơn. Bởi lý do này, và bởi khiến liên tưởng đến sự nguy hiểm, nó thường được dùng cho các thiết bị an toàn, như bình cứu hỏa hoặc phao cứu hộ.
Là màu của cỏ và lá, xanh lục tất yếu là màu gắn liền với thiên nhiên, và hiển nhiên là biểu tượng của sự tăng trưởng, hồi sinh và tuổi trẻ. Ngoài ra, theo một sự liên tưởng có phần ít tích cực hơn, xanh lục gắn liền với của cải, sự tham lam, đố kỵ và ghen tuông.
Về phương diện phối cảnh thị giác, xanh lục là màu mà mắt ta nhạy nhất, cho nên các chuỗi bộ lọc trong máy ảnh kỹ thuật số để ghi màu đều có các phần tử màu xanh lục nhiều gấp đôi mỗi màu còn lại, đỏ hoặc xanh dương. Sự nhạy cảm đối với màu lục giúp chúng ta nhận ra màu này từ khoảng cách xa, cho nên đó là lý do màu xanh lục được dùng trong đèn tín hiệu giao thông, ngoài việc nó tương phản với màu đỏ.
Xanh lục là màu của thiên nhiên và biểu thị cho sự tăng trưởng và hồi sinh. Vì lý do này mà ngày nay xanh lục được sử dụng rộng rãi trong các phong trào sinh thái trên thế giới, và là màu được lựa chọn trong bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến năng lượng tái tạo.
Xanh lục từ lâu đã là màu lựa chọn quen thuộc của những người lái xe tự cho mình là cẩn trọng và có trách nhiệm.
Xanh lục là màu dễ nhận ra nhất đối với mắt người, nên được dùng trong nhiều biển hiệu và đèn tín hiệu giao thông.
|
|