LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Trước tiên mời các bạn xem thử đoạn Timelapse do mình làm.
[TIMELAPSE] Around Viet Nam On Two Wheels.
[TIMELAPSE] Hanoi In My Eyes.
Xem qua video chắc các bạn cũng có cái nhìn tổng quan nhất về Timelapse. Đây là kỹ thuật chụp “tua nhanh” thời gian từ vài chục tới hàng nghìn lần, từ đó tạo ra những hiệu ứng rất đặc biệt. Ngoài ra Timelapse còn giúp bạn tạo ra được những đoạn video với độ phân giải rất cao như 4K, 5K.
Những video bạn xem hàng ngày thực chất là sự phát liên tiếp hàng loạt những khung hình, thông thường với tốc độ 24 khung hình mỗi giây trở lên. Timelapse cũng dựa trên nguyên tắc đó, bạn chụp hàng loạt những bức hình sau đó ghép lại với nhau tạo thành một đoạn video.
Ví dụ nếu mỗi giây bạn chụp 1 khung hình, sau đó ghép lại thành video với tốc độ 30 khung hình/giây (fps) thì như thế bạn đã đẩy tốc độ video so với thực tế nhanh hơn 30 lần. Tương tự như vậy, nếu 2 giây bạn chụp 1 tấm thì tốc độ sẽ nhanh hơn 60 lần, còn nếu 1 phút 1 tấm thì tốc độ là 1800 lần… Tức là độ trễ giữa các bức ảnh bạn chụp sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ video tạo ra.
Thông thường video Timelapse khi ghép lại sẽ là 25fps hoặc 30fps.
Chính vì tính chất “tua nhanh” thời gian nên Timelapse thường được sử dụng để ghi lại quá trình rất lâu như công trường xây dựng, hoa nở… hoặc chụp những hoạt động thông thường để tăng sự “kịch tính”.
– Tạo ra video có độ phân giải rất cao 4K, 5K…
– Chất lượng video cũng cao hơn so với quay video.
– Tua nhanh chuyển động, tạo sự sôi động và kịch tính, tăng sự hấp dẫn cho đoạn video.
– Tận dụng khả năng phơi sáng của máy ảnh để tạo ra hiệu ứng mờ nhòe (blur) hoặc các vệt sáng vào ban đêm.
– Máy ảnh (DSLR, mirrorless, máy compact, điện thoại… đều được, miễn là có thể điều chỉnh được các thông số như tốc độ, khẩu độ, ISO, WB, lấy nét MF).
– Chân máy là vật không thể thiếu.
– Dây bấm mềm có khả năng tự chụp theo 1 khoảng thời gian được cài đặt. Một số máy ảnh cao cấp có tích hợp sẵn khả năng này. Đối với máy ảnh Sony E-mout bạn có thể cài app Timelapse.
– Cuối cùng là bạn cần hiểu những thông số cơ bản của nhiếp ảnh như tốc độ, khẩu độ, ISO, white balance…
– Đưa máy ảnh về chế độ M, set các thông số tốc độ, khẩu độ, ISO, WB (cân bằng trắng) cho đúng ý đồ chụp và giữ các thông số đó cố định trong suốt thời gian chụp.
– Giữ máy cố định trên chân máy trong suốt quá trình chụp.
– Đưa máy về chế độ lấy nét bằng tay (MF).
– Set độ trễ giữa các khung hình (Interval time) trên dây bấm mềm hoặc trên trên máy (đối với máy cài app hoặc máy tích hợp sẵn), set số khung hình. Số khung hình cần chụp sẽ do bạn xác định trước, ví dụ bạn cần làm đoạn video 10 giây với thông số 30fps thì số khung hình bạn cần chụp là 300 hình.
Chú ý: thông số trên máy ảnh sẽ quyết định tính chất của đoạn video.
– Tốc độ thấp (ví dụ 1/30s) sẽ làm đoạn video có hiệu ứng blur, thấp hơn nữa (1-2s sẽ tạo thành những vệt sáng).
– Interval time sẽ ảnh hưởng tới tốc độ của đoạn video thành phẩm, tùy thuộc bạn muốn “tua nhanh” đoạn video lên bao nhiêu lần.
– ISO: cần để cố định, bạn có thể đẩy lên cao hơn so với bình thường cũng không ảnh hưởng quá nhiều.
– WB: không để auto WB vì có thể làm màu sắc giữa các bức hình khác nhau.
Tốc độ chụp phải nhanh hơn Interval time.
– Một số cách set tốc độ chụp và Interval time “kinh điển” nhất:
+ Chuyển động ban ngày: Interval time 1s, tốc độ chụp 1/100s hoặc 1/20s (để tạo hiệu ứng Blur)
+ Phơi đêm: Interval time 2s tốc độ 1,6s (tạo vệt sáng) hoặc interval time 1s tốc độ 0,5s (tạo Blur mạnh).
+ Thác nước: Interval 1s tốc 1/100s hoặc 0,5s (tạo Blur)
+ Mây trôi: Interval 3-5s tốc 1/60s
+ Hoa nở: Interval 3-5phút, tốc 1/60s
+Công trường đang thi công: interval time 5-10s, tốc 1/60s
Sau khi đã có được đủ những khung hình cần thiết, việc cuối cùng bạn cần làm là ghép lại thành 1 đoạn video. Trước khi ghép bạn có thể chỉnh sửa hình bằng một số phần mềm như Photoshop, Lightroom… theo ý muốn, nhưng chú ý tất cả hình phải được chỉnh sửa theo cùng 1 thông số.
Bạn cần 1 phần mềm có khả năng biên tập video, mình hay dùng Adobe Premiere pro.
Đối với Adobe Premiere, các bạn import tất cả các frame hình đã chụp theo kiểu image sequence. Chọn Menu FILE – Import (Ctrl-I): truy cập tới folder chứa sequence ảnh, chọn bất cứ ảnh nào và tick ô Numbered Stills, rồi nhấn Open. Sau đó, bạn có thể kéo clip vào Timeline để dựng (edit) được rồi.
Các bạn có thể cắt ghép video, chèn nhạc, hiệu ứng hình ảnh theo ý thích.
Cuối cùng là Export movie và thưởng thức.
Trên đây chỉ là những kiến thức cơ bản nhất về Timelapse, ngoài ra còn những kỹ thuật nâng cao khác như panning timelapse, zooming timelapse, hyperlapse nhưng mình không thể đề cập hết trong khuôn khổ của bài viết.
Chúc các bạn có những đoạn Timelapse hay và ấn tượng!