LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
LE TRONG HIEU
Sau đây là một số trường hợp mà các bạn có thể tham khảo qua, với sự chia sẻ của nhiếp ảnh gia Carsten Krieger, một người chuyên chụp thế giới hoang dã và phong cảnh, sống ở miền Tây Ireland. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về thiên nhiên và phong cảnh Ireland. Bạn có thể tìm hiểu thêm về ông qua trang web www.carstenkrieger.com.
Những người hay đi chụp ảnh ngoài trời, đặc biệt là săn ảnh phong cảnh sẽ hiểu được điều kiện thời tiết quan trọng như thế nào. Mỗi bức ảnh đẹp hay xấu đều có liên quan tới tình trạng thời tiết lúc bấm máy. Ở một vài nơi trên thế giới thì thời tiết diễn biến khá phức tạp và không thể đoán trước được, mà dự báo thời tiết cũng chưa chắc đã chính xác hoàn toàn và mọi thứ có thể thay đổi từ đẹp sang không đẹp chỉ trong vòng vài phút đồng hồ. Tất nhiên thì điều kiện thời tiết đẹp vẫn sẽ giúp bạn nhiều hơn, nhưng nếu chẳng may bạn đi xa hàng trăm cây số chỉ để chụp ảnh một phong cảnh nào đó, mà trời thì lại mưa hay là xám xịt, đừng vội thất vọng, hãy tin rằng bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp cho dù thời tiết xấu.
Sau đây là một số trường hợp mà các bạn có thể tham khảo qua, với sự chia sẻ của nhiếp ảnh gia Carsten Krieger, một người chuyên chụp thế giới hoang dã và phong cảnh, sống ở miền Tây Ireland. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về thiên nhiên và phong cảnh Ireland.
Các dòng suối và những con sông thường thể hiện được sức mạnh lớn nhất và vẻ đẹp nhất của nó trong lúc hoặc là sau những cơn mưa nặng hạt. Hãy tìm một chỗ có cây cối, chờ một ngày mùa Thu ẩm ướt và trời xám mờ và lúc này bạn sẽ có đầy đủ các yếu tố cho một bức ảnh tốt.
Canon EOS 1Ds Mark III, 24-105mm F4 @ 35mm, FS22, 20 giây @ ISO 100, polarizer filter, tripod.
Đối với một số người, khi gặp tình trạng thời tiết như thế này thì tốt nhất là nên đi tìm một chỗ nào đó để trú ẩn và chờ cho trời ngừng gió, mưa ngừng rơi và mặt trời ló dạng chiếu sáng mọi thứ. Nhưng khi thời tiết trở nên khó đoán và thay đổi quá nhanh, bạn hãy tìm cách thích nghi với nó và nắm bắt lấy các cơ hội để biến “thứ tưởng chừng xấu” thành thứ đẹp hơn.
Công nghệ kỹ thuật số đã giúp cho việc chụp ảnh các tấm ảnh đẹp trong điều kiện thời tiết xấu trở nên dễ dàng hơn. Với mắt thường thì chắc chắn hình ảnh bầu trời và mọi thứ trong ảnh trên sẽ xám xịt. Nhưng bằng cách dùng kỹ thuật HDR và áp dụng bộ lọc tương phản, tác giả đã có thể làm nổi được các chi tiết và tăng được độ rực rỡ của màu sắc.
Canon EOS 5D Mark III, 24mm TS-E, F14, 1/13 sec, HDR (+/- 3 stops), tripod.
Vào mùa Đông hay một ngày trời mưa thì các khung cảnh trong rừng thường u ám và xám xịt. Sử dụng một kính lọc làm mềm nét vào đúng thời điểm sẽ có thể tăng lên tính huyền bí của các yếu tố trong bức ảnh.
Canon EOS 5D Mark II, 24mm TS-E, F22, 0.6 sec @ ISO 400, polarizer + soft-focus filter, tripod.
Khi gió nổi lên và những cơn mưa bắt đầu đổ xuống thì lựa chọn đầu tiên là nên tìm một chỗ để trú mưa bên trong những tán lá (chống chỉ định với trời nhiều sấm sét). Những rừng cây không chỉ giúp bảo vệ bạn mà nó có thể trở thành một chỗ lý tưởng để chụp ảnh trong điều kiện thời tiết xấu. Những tán lá và thảm rêu bị ướt đẫm có thể tạo ra những hiệu ứng ánh sáng đặc biệt cho mội tấm ảnh. Một thứ rất quan trọng để có thể chụp được ảnh đẹp trong điều kiện này là kính lọc phân cực (polarizer). Nó vừa giúp tăng độ tương phản, độ bão hoà màu, và kiểm soát được sự phản chiếu từ các tán lá ướt.
Vào một ngày có mưa phùn, mưa lớn và cả mưa đá, bức ảnh này được chup trong điều kiện mưa đá lớn. Tác giả không thể dùng hood cho ống kính vì phải gắn kính lọc polarizer vì thế vấn đề lớn nhất cần quan tâm là phải bảo vệ ống kính và kính lọc khỏi những giọt mưa và cả đá. Tác giả đã bấm máy 4 lần và phải lau kính lọc giữa mỗi lần chụp.
Canon EOS 5D Mark II, 24mm TS-E, F16, 1/6 sec @ ISO 200, polarizer và tripod.
Những cành cây liên tục di chuyển và những cây nhỏ có thể sẽ là một vấn đề khi gặp gió lớn. Tuy nhiên bạn có thể lợi dụng điều này và sử dụng kỹ thuật phơi để tạo hiệu ứng làm mờ cho tấm ảnh. Nếu bạn có một chủ thể đứng yên trong khung ảnh như là một tảng đá hay một thân cây thì nó có thể giúp bạn có được bức ảnh thú vị. Thời gian phơi phụ thuộc vào sức gió và hiệu ứng mà bạn muốn đạt được. Tất cả mọi thứ di chuyển chắc chắn sẽ bị nhoè đi khi bạn phơi ở tốc độ chừng 4 giây và nó sẽ tạo ra được cảm giác chuyển động trong bức ảnh. Còn khi bạn chọn thời gian phơi lâu hơn, như là 20 giây hoặc thậm chí là 1 phút, mọi thứ có thể sẽ bị mất chi tiết hoàn toàn và kết quả thu được là một bức ảnh trừu tượng hơn.
Với những vùng đất có nhiều phong cảnh hoang dã thì cảnh đẹp có thể tìm thấy ngay trong điều kiện thời tiết xấu. Những đợt áp thấp sắp đến có thể mang tới những đám mây và ánh sáng ấn tượng, điều kiện hoàn hảo để có được một bức ảnh đẹp. Và khi nó thực sự đến, mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn nhưng đừng vì thế mà xếp mọi thứ vào ba lô. Khi bầu trời không còn đẹp vì bao phủ bởi những đám mây u ám hãy đi tìm cái đẹp trong những khung cảnh xung quanh bạn.
Mùa Thu là một trong những thời điểm tốt nhất để chụp ảnh các chi tiết của phong cảnh, những sắc màu sẽ trở nên nổi bật hơn nhờ vào sắc u ám của bầu trời và điều kiện ẩm ướt.
Canon EOS 1Ds Mark III, 70-200 F4 @ 109mm, F22, 0.6 sec, polarizer và tripod.
Khi chúng ta không có được bầu trời đẹp để tạo thêm hiệu ứng cho tấm ảnh thì mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn tuy nhiên đây cũng là lúc để thử thách khả năng của bạn và là cơ hội để bạn thử nghiệm. Hãy lựa chọn khung cảnh, các hình thể và màu sắc mà bạn nhìn thấy bên dưới mặt đất, bạn có thể bận rộn vì nó thu hút, thậm chí là quên rằng trời đang mưa.
Những cơn mưa phùn rả rích và gió nhẹ là điều kiện thường thấy vào những ngày cuối Hạ và đây là thời điểm tốt để bạn chụp được những bức ảnh đẹp tại các đồng cỏ. Hãy thử đi!
Canon EOS 1Ds Mark III, 90mm TS-E, F18, 1/15 sec. @ ISO 200, tripod.
Những cánh đồng có thể cho bạn màu sắc cần thiết nếu như mọi thứ là u ám và xám xịt. Nếu tận dụng được những cánh đồng với nhiều màu sắc khác nhau các bạn vẫn có thể có những bức ảnh xem được, hoặc may mắn thì sẽ có bức ảnh đẹp.
Canon EOS 1Ds Mark III, 24-105 F4 @ 88mm, F22, 1/8 sec. @ ISO 100, tripod.
Những vùng ven biển vào ngày thời tiết xấu có thể tạo ra được những khung cảnh đẹp nhưng cũng rất nguy hiểm. Các vách đá cao là nơi nguy hiểm nhất trong điều kiện bão bùng nhưng cũng là nơi có thể cho bạn cơ hội tốt nhất. Những cơn gió giật và đợt sóng đánh bất ngờ có thể lấy mạng của những người đứng gần mép vì thế nếu bạn có ý định chụp ảnh ở một nơi như vậy thì nên xem qua dự báo thời tiết của vùng, kiểm tra các con sóng, và thông báo với một ai đó nơi mà bạn đến và kế hoạch khi nào thì trở về. Khi đến nơi, hãy đứng quan sát mọi thứ trong một lúc cho đến khi bạn cảm thấy đã “hiểu” được phần nào các con sóng và gió, điều này sẽ giúp bạn có thể chọn được góc chụp tốt nhất cũng như là đảm bảo an toàn cho bản thân. Luôn luôn giữ một khoảng cách an toàn với các mép của vách đá và nếu nó rất nguy hiểm thì hãy mặc một chiếc áo phao, nếu bạn sống sót sau cú rơi thì nó sẽ giúp bạn nổi trên mặt nước đủ lâu cho đến khi có người đến cứu.
Bức ảnh này được chụp trong một ngày bão ở bờ biển Ireland. Tác giả đã chọn trước khung ảnh và đứng chờ cho đến khi có một cơn sóng hoàn hảo để bấm máy.
Canon EOS 1Ds Mark III, 24-105 F4 @ 40mm, F22, 1/13 sec. @ ISO 50, tripod, 1-stop ND grad, tấm chống mưa ThinkTank.
Những cơn bão mạnh có thể rạo ra những con sóng ấn tượng và là cơ hội tốt để có được những bức ảnh độc đáo. Có 2 cách để bạn bắt lại khoảnh khắc đó. Để bắt dính những con sóng bạn cần phải có được tốc độ chụp từ 1/500 giây hoặc cao hơn. Còn nếu bạn muốn tạo hiệu ứng nhoè, mờ hay chuyển động của nước thì hãy để tốc độ thấp. Tốc độ màn trập sẽ phụ thuộc vào lực đánh và tốc độ của những con sóng, thông thường thì 1/20 là điểm tốt để bắt đầu. Nếu có thể hãy sử dụng kính lọc polarizer, nó vừa có thể tăng thời gian phơi, vừa có thể thêm vài điểm nhấn về màu sắc.
Mặt nước đã trở thành một bề mặt tương phản hoàn hảo và có thể tăng thêm lượng ánh sáng ít ỏi trong điều kiện như vậy.
Canon EOS 5D, 24-105 F4 @ 47mm, F20, 20 sec., 2-stop ND grad + 3- stop ND, tripod.
Bờ biển rõ ràng cũng là một nơi lý tưởng để chụp những bức ảnh chi tiết, trong đó có cát, sỏi và đá với những tạo hình vô tận.
Canon EOS 1Ds Mark II, 17-40 F4 @ 40mm, F22, 6 sec. @ ISO 100, tripod, polarizer.
Sự pha trộn những màu sắc ấm áp có thể tạo ra được bức ảnh tốt ngay cả trong một ngày trời không đẹp và u ám. Sự tương phản của gam màu lạnh (xanh dương) và màu nóng (vàng/đỏ/nâu) đã tạo ra bức ảnh đẹp ở trên.
Canon EOS 5D; 70-200/4 @ 131mm; f20; 2 sec.; ISO 100; tripod.
Núi cũng là nơi các bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp ngay cả trong thời tiết xấu. Những đám mây sà xuống thấp, bao lấy ngọn núi và những đám mây này thường sáng hơn so với những đám ở cao hơn. Sự tương phản này kết hợp với một khung cảnh hùng vĩ của những ngọn núi có thể tạo ra một bức ảnh ấn tượng. Hãy sử dụng kỹ thuật phơi lâu một chút, trong thời gian khoảng từ 5-20 giây, tuỳ theo tốc độ của những cơn gió làm cho mây bay.
Khi có những cơn mưa nặng hạt, các dòng suối trên núi cũng sẽ ở tình trạng tốt nhất để chụp và đôi khi chúng chảy vượt ra khỏi vách núi, trông như là một con thác nhỏ. Lên núi trong lúc thời tiết xấu cũng khá nguy hiểm và cần có kinh nghiệm, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì hãy yêu cầu trợ giúp, đừng mạo hiểm mạng sống của mình.
Những đám mây bay thấp và cơn mưa phùn nhỏ biến ngọn núi thành một vùng đất bí ẩn và kỳ quái, hãy chắn chắn là bạn nhớ đường xuống núi. Những vệt màu nhỏ (đám cỏ cây) giúp cho bức ảnh không quá u ám.
Canon EOS 5D MK3; 45mm TS-E; f8; 1/20 sec.; ISO 100; tripod; định vị vệ tinh.
Khi màu xám bao trùm khung cảnh thì cách tốt nhất để chụp ảnh trong điều kiện như thế là chụp đơn sắc, hay là trắng đen. Khi ánh sáng và sắc màu bị bỏ qua, bạn sẽ chỉ còn lại hình dáng của những yếu tố xuất hiện trong khung ảnh.
Trong khung cảnh như thế này thì chụp ảnh trắng đen hay đơn sắc dường như là lựa chọn tốt nhất. Cách này đặc biệt phù hợp khi bạn chụp ở những vùng có tuyết rơi vào mùa Đông.
Canon EOS 5D Mark III, 24mm TS-E + 1.4x converter, f14, 1/80 sec. @ ISO 400, tripod.
Khi đi chụp vào những ngày có thời tiết xấu, vấn đề quan trọng mà bạn cần để ý đó là bảo vệ an toàn cho thiết bị của bạn. Hãy sử dụng các thiết bị có lớp bảo vệ chống nước (weathershield), và nên bỏ chúng vào trong một ba lô chống nước được thiết kế đặc biệt cho những người đi chụp ảnh trong điều kiện hoang dã hay nhiếp ảnh thể thao. Nếu như trời mưa lớn hơn thì hãy dùng những chiếc bạt cắm trại bọc đồ đạc lại, còn khi trời mưa quá lớn, các thiết bị tự chế ở nhà như là túi nhựa hoặc hộp nhựa có nắp đóng kín cũng có thể bảo vệ được máy ảnh và ống kính của bạn.
Một điều nên lưu ý là đừng chụp ảnh khi đứng ngược hướng gió và mưa, những giọt nước có thể bay thẳng vào ống kính hay máy ảnh, làm ảnh hưởng đến khả năng lấy nét, trừ khi bạn muốn tạo ra một hiệu ứng đặc biệt với nó, hãy cố gắng giữ cho ống kính khô ráo. Có thể sử dụng một số loại hood có chức năng che chắn cho ống kính trong trường hợp này.
Lau chùi thiết bị sau khi chụp xong cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn chụp dưới trời mưa hay ở gần bờ biển. Một tấm khăn ướt có thể giúp bạn loại bỏ các tinh thể muối còn đọng lại trên máy ảnh, ống kính và cả tripod. Tất nhiên là của bền tại người, vì thế hãy chọn cho thiết bị của bạn một phương pháp bảo vệ và bảo quản tốt nhất có thể.
Tác giả bài viết: Carsten Krieger